Ngay khi bước vào năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ sở giáo dục ổn định và duy trì nền nếp học tập; ban hành kế hoạch giáo dục của nhà trường trong cả năm học bảo đảm nội dung chương trình giáo dục theo quy định.
Các trường phối hợp tốt với phụ huynh, học sinh để tạo sự đồng thuận, chia sẻ, hỗ trợ ngành Giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ năm học đã đề ra. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu, chi đầu năm học.
Không chỉ Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tỉnh, thành phố cũng có những văn bản chỉ đạo về việc xử lý sai phạm, lạm thu trong cơ sở giáo dục. Điển hình như Chỉ thị thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm công tác thanh tra để chấn chỉnh, ngăn chặn biểu hiện tiêu cực, xử lý nghiêm sai phạm trong các đơn vị giáo dục trên địa bàn; đặc biệt, các sai phạm về thu, chi, dạy thêm, học thêm, vi phạm đạo đức nhà giáo.
Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định cũng có hướng dẫn nêu rõ, các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các khoản thu, chi, không được tự đặt ra các khoản thu, chi trái quy định. Thủ trưởng các cơ sở giáo dục hoàn toàn chịu trách nhiệm về các khoản thu, chi. Ủy ban nhân dân, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, ngăn ngừa, chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý.
Có thể thấy văn bản chỉ đạo của ngành Giáo dục và chính quyền các địa phương đã trở thành “thông lệ” của mỗi năm học. Tuy nhiên, tình trạng lạm thu, các khoản thu, chi “đội lốt” quỹ hội phụ huynh vẫn thường xuyên xảy ra. Các khoản thu tự nguyện nhưng trên thực tế theo kiểu ép buộc như: tiền học kỹ năng sống, tiền học câu lạc bộ võ thuật, câu lạc bộ khiêu vũ, tin nhắn điện tử, tiền học STEM, dạy thêm, học thêm… tiếp tục gây bức xúc trong phụ huynh, học sinh trong năm học này.
Vì vậy, để năm học 2022-2023 thật sự trọn vẹn tạo động lực nâng cao chất lượng, ngành Giáo dục, chính quyền các địa phương cần có những việc làm cụ thể nhằm xử lý dứt điểm tình trạng lạm thu. Cần tránh tình trạng khi có bức xúc của phụ huynh, học sinh và dư luận xã hội thì cơ quan quản lý các cấp lại vội vàng ra văn bản chấn chỉnh nhưng chỉ là trên giấy rồi lại rơi vào “im lặng” mà không xử lý tận gốc các vấn đề.
Điều quan trọng, cơ quan quản lý các cấp cần thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm khắc và công bố công khai những trường học để xảy ra tình trạng lộn xộn trong thu, chi đầu năm học. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần tổ chức những cuộc thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm nếu có sai phạm cả với các cán bộ quản lý và cơ quan quản lý các trường học, nhằm xử lý dứt điểm tình trạng gợi ý, ép buộc trá hình các trường triển khai hoạt động giáo dục ngoài chương trình chính khóa nhằm vụ lợi cá nhân…