Trước đó, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh và Cục Thuế TP Hà Nội cũng công khai danh sách các DN nợ thuế lớn. Với việc công bố tên, địa chỉ, tên người đại diện pháp luật, số tiền thuế còn nợ của DN, có thể thấy, đây là lần đầu ngành tài chính thực hiện biện pháp mạnh để xử lý nợ thuế. Trước đây, để thu hồi nợ thuế, cơ quan thuế thường gửi thông báo đến DN rồi đôn đốc, thực hiện các bước cưỡng chế bằng cách phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, xóa mã số thuế... buộc DN phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Song, vẫn còn nhiều DN chây ỳ hoặc bỏ trốn, khiến số tiền nợ thuế tại các cục thuế địa phương hiện lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, trong đó có nhiều khoản nợ khó đòi. Theo báo cáo của nhiều cơ quan thuế, việc thu nợ thuế không hề dễ, bởi nhiều DN còn gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. SỐ DN xin dừng hoạt động, giải thể, bỏ trốn hoặc thua lỗ ngày càng nhiều, trong đó có một số DN nợ thuế hoặc bị truy thu thuế với số tiền lớn không còn khả năng thanh toán.
Có thể thấy, việc công bố danh sách DN nợ thuế là biện pháp mới trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, nên cần rất thận trọng. Theo đó, các cơ quan thuế cần làm rõ, công khai, minh bạch những tiêu chí cụ thể xác định DN nợ thuế để công bố, phổ biến rộng rãi cho DN biết. Đồng thời, cơ quan thuế cần xác định chính xác số thuế DN đang nợ, có sự thống nhất với DN trên cơ sở đánh giá khách quan tình hình tài chính của DN, không để xảy ra trường hợp oan sai cho DN, bởi khi DN bị công bố nợ thuế thì thương hiệu, uy tín của DN chắc chắn bị ảnh hưởng.
Rõ ràng, việc công khai danh tính của DN nợ thuế là biện pháp "bất đắc dĩ" với cơ quan thuế. Để cơ quan thuế thu được nợ thuế và DN bị cưỡng chế nợ thuế "tâm phục, khẩu phục", thì bên cạnh sự cương quyết, cứng rắn, cơ quan thuế cần bảo đảm tính công khai, minh bạch trong cách làm. Hơn nữa, sự công bằng trong công tác quản lý thuế cũng là một đòi hỏi từ thực tế. Đó là động viên, khen thưởng kịp thời những DN chấp hành nghiêm pháp luật về thuế, đồng thời xử lý nghiêm những DN chây ỳ nộp thuế, không để lọt đối tượng DN có lợi nhuận cao nhưng nộp thuế với mức thấp. Và điều quan trọng hơn là làm sao cho DN có ý thức chấp hành pháp luật về thuế, ý chí trả nợ thuế thông qua các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nguồn lực giúp DN làm ăn tốt hơn, từ đó có điều kiện nộp, trả nợ thuế... Đây không chỉ là trách nhiệm của ngành tài chính, mà còn là của toàn bộ hệ thống chính trị.