Miếu Lãi Lèn ngân vang điệu hát Xoan

NDO - Cửa đình, cửa miếu chính là không gian diễn xướng của nghệ thuật hát Xoan. Một trong những ngôi miếu tối cổ trên Ðất Tổ vua Hùng là miếu Lãi Lèn ở làng Phù Ðức, xã Kim Ðức, thành phố Việt Trì, được coi là nơi phát tích của hát Xoan.
Hát xoan ở làng Phù Đức.
Hát xoan ở làng Phù Đức.

Theo sự tích hát Xoan của xã Kim Ðức, ngôi miếu này là nơi các Vua Hùng truyền dạy điệu hát Xoan cho thôn dân. Chính vì vậy, hát Xoan còn được gọi là hát Lãi Lèn.

Sự tích hát Xoan kể rằng:

"Vào một ngày xuân, có ba anh em Vua Hùng đi tìm đất qua thôn Phù Ðức và nghỉ trưa tại một khu rừng gần thôn. Từ khu rừng, trông ra bãi cỏ trước mặt thấy có một đám trẻ đang nô đùa, vừa ca hát, vừa chơi kéo co, đánh vật, Ðức Thánh Cả liền bảo những người đi theo dạy thêm cho lũ trẻ những bài hát xướng, cầu chúc năm mới được tốt tươi. Về sau thôn dân cứ truyền nhau mà hát. Nhưng do không biết tên của điệu hát ba vị Ðức Thánh truyền dạy là gì, mà khi ấy lại đang tiết xuân, nên họ gọi là khúc hát Xuân. Về sau, để ghi nhớ công ơn các Vua Hùng, người dân trong làng đã lập miếu thờ, lấy tên là miếu Lãi Lèn. Nhưng từ Xuân lại trùng với tên húy của vợ Vua Hùng, nên được gọi chệch đi thành hát Xoan, hay còn được gọi là hát Lãi Lèn".

Ðó chỉ là một trong bốn sự tích hát Xoan mà các nhà nghiên cứu đã sưu tầm được. Ngôi miếu cổ Lãi Lèn (miếu cũ nay không còn) là một minh chứng cho sự gắn kết giữa quá khứ xa xăm và thời hiện đại. Theo lịch hát hằng năm, thì cứ sáng ngày mồng 1 Tết và chiều mồng 3 Tết các họ Xoan sẽ hát ở miếu Lãi Lèn, hát từ tối cho đến gà gáy sáng hôm sau. Ðó cũng là đêm hội làng náo nức nghênh xuân. Có lẽ bởi sự tích này mà hát Xoan luôn gắn với các nghi lễ - phong tục thờ Vua Hùng, vợ con, tướng lĩnh và các nhân vật thời Hùng Vương. Trên vùng Ðất Tổ có biết bao ngôi đình, nhưng hát Xoan chỉ chọn các cửa đình thờ Vua Hùng là vậy.

Xuất phát từ sự tích và ngôi cổ miếu có thật đó, tỉnh Phú Thọ đã phục dựng di tích miếu Lãi Lèn để hồi sinh không gian hát Xoan cổ tích. Miếu Lãi Lèn được xây trên một gò đất giữa đồng, nơi nền móng cũ, thuộc thôn Phù Ðức, cách Ðền Hùng khoảng ba cây số. Ðược xây dựng công phu và tinh tế, ngôi miếu mang hình chữ đinh, đầu đao góc mái, cao hơn năm mét, rộng chừng 250 m2.

Những ngày đầu xuân năm mới Nhâm Thìn 2012, sẽ diễn ra một sự kiện quan trọng, đó là lễ đón Bằng di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO trao cho hát Xoan, được tổ chức cùng với lễ hội Về với cội nguồn các dân tộc Việt Nam. Ngày mười bốn tháng Giêng, hát Xoan sẽ được tổ chức tại miếu Lãi Lèn, chính nơi các Vua Hùng từng truyền dạy điệu dân ca cổ truyền. Các họ Xoan sẽ hát bốn bài lề lối theo nghi thức cổ truyền để rước anh linh các Vua Hùng về miếu. Ðó là các bài Giáo trống, Giáo pháo, Thơ nhang và Ðóng đám. Bằng di sản văn hóa sẽ được rước về miếu trong lễ hội làng của người dân thôn Phù Ðức, trong niềm vinh dự, tự hào của Ðất Tổ Vua Hùng, của tất cả những người yêu mến hát Xoan.