Đó là nhận xét của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tại Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập huyện U Minh được tổ chức vào tối ngày 20-5, tại Trung tâm văn hoá thể thao huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh: Trong kháng chiến, U Minh là căn cứ của Tỉnh uỷ, Khu uỷ, Trung ương cục Miền Nam… Tại đó, nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao như cố Tổng bí thư Lê Duẫn, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một thời bám trụ để lãnh đạo phong trào cách mạng Miền Nam, giúp nhân dân cả nước thoát khỏi ách đô hộ và thống trị, đi đến thắng lợi sau cùng.
“Thành quả cách mạng hào hùng ấy tiếp tục được vun bồi, xây đắp theo cùng với sự đổi mới, phát triển của U Minh, tạo nên dáng dấp mới, một thế đứng mới cho U Minh hôm nay. Đó cũng là tiền đề, là động lực để Đảng bộ, chính quyền huyện U Minh vững vàng hơn trên bước đường phát triển và hội nhập” – Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau nhận xét.
Tròn bốn năm sau ngày thống nhất đất nước, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ký Quyết định số 326/CP, tách ba xã Khánh An, Nguyễn Phích, Khánh Lâm khỏi huyện Thới Bình (cũ) để thành lập huyện U Minh. Thời điểm mới thành lập, huyện có 11 xã và một thị trấn (nay còn 7 xã và thị trấn), diện tích tự nhiên hơn 84.900 ha, dân số gần 36.000 người. Chịu hậu quả nặng nề từ chiến tranh nên cuộc sống của phần lớn người dân U Minh trong nghèo khó…
Tuy nhiên, bằng sự chung sức chung lòng, sau 40 năm kể từ ngày thành lập, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện U Minh đã làm chuyển biến lớn vùng quê rộng lớn, để những khó khăn thành hoa thơm, trái ngọt, giúp nhà nhà ấm no. Đến cuối năm 2018 vừa qua, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ở U Minh đạt hơn 1.800 tỷ đồng; tổng thu ngân sách được hơn 43 tỷ đồng (thu năm 1979 là 426 triệu đồng); thu nhập bình quân đầu người từ 9,3 triệu đồng vào năm 2008 lên 37 triệu đồng/người vào năm 2018; hộ nghèo trong 10 năm gần đây ở U Minh giảm trung bình hơn 4%/năm; hộ dân có điện thắp sáng, nước hợp vệ sinh dùng trong sinh hoạt chiếm hơn 99%, 2/7 xã “về đích” xây dựng nông thôn mới.
Phát biểu đánh giá lại thành tựu đi lên trong chặng đường dài đã qua, Bí thư Huyện U Minh Trương Đăng Khoa cho biết: Dù có xuất phát điểm thấp hơn so với nhiều địa phương khác trong tỉnh, nhưng nhờ thực hiện tốt việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, nên kinh tế huyện tăng trưởng đều đặn hàng năm. Đến cuối năm 2018, tổng sản lượng lương thực, nuôi trồng, khai thác toàn huyện cán mốc hơn 200.000 tấn. Trong đó, diện tích, năng suất và sản lượng lương thực tăng lên gấp từ 3-4 lần so với thời điểm mới thành lập huyện.
Một trong những chuyển biến rõ nét ở U Minh hôm nay là cuộc sống cư dân lâm phần miệt rừng U Minh hạ. Nhờ chuyển đổi đúng hướng cùng với các giải pháp tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật mà giờ đây, người dân đã biết cách kê liếp trồng rừng thâm canh, kết hợp chăn nuôi, trồng cây ăn quả... Mô hình kết hợp trên giúp nhà nông U Minh thu về hơn nữa tỷ đồng sau mỗi chu kỳ khai thác. Nhờ đó mà tỷ lệ hộ nghèo vùng nông thôn ở U Minh từ 25% vào năm 2000 nay giảm còn 7,65%.
Theo người đứng đầu cấp uỷ huyện U Minh, những “quả ngọt” sau 40 năm mà đảng bộ huyện gặt hái được có vai trò rất lớn của lãnh đạo cấp uỷ chính quyền địa phương qua các thời kỳ, cũng như sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ tỉnh đến T.Ư…, đã có những chủ trương và chỉ đạo đúng đắn, định hướng cho địa phương đi đúng trọng tâm và đúng hướng. Trong thành công đó, còn có sự chung tay chia sẻ, đồng thuận của người dân, cả những người con ưu tú thành đạt xa quê…, đã “tiếp lửa” cả về vật chất, tinh thần, để vùng đất lắm phèn miệt rừng U Minh ngày thêm nhiều hoa thơm, trái ngọt.
Với những nỗ lực và cố gắng trong tiến trình đấu tranh, cũng như trong xây dựng quê hương, đã qua, Đảng bộ huyện U Minh cùng ba xã thuộc huyện này vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.