Ngày làm việc thứ năm Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV

Miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia

Hôm qua, ngày 30-3, kỳ họp thứ 11, Quốc hội (QH) khóa XIV tiếp tục chương trình làm việc, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, thảo luận, xem xét và quyết định thông qua nhiều nội dung quan trọng.

Ðại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: Quang Khánh
Ðại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: Quang Khánh

Nhiều đổi mới, cải cách trong hoạt động tư pháp

Mở đầu phiên làm việc buổi sáng, thảo luận tại hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Ðồng) và nhiều đại biểu đồng tình với kết quả được nêu trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của VKSNDTC, TANDTC.

Theo các đại biểu, trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật tiếp tục có những diễn biến phức tạp; các tranh chấp dân sự, hành chính tiếp tục tăng, cộng với thiên tai, bão lũ, đặc biệt là năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội nói chung và hoạt động của các cơ quan tư pháp nói riêng. Song, với sự nỗ lực, cố gắng, các ngành, các cấp đã có nhiều đổi mới, cải cách, trong đó có một số giải pháp có tính đột phá, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp luật, về tổ chức bộ máy, biên chế, về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc để cơ bản hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra, có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với chỉ tiêu được nêu trong nghị quyết của QH về công tác tư pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Ðáng chú ý, các cơ quan tư pháp đã đấu tranh hiệu quả hơn với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; trong nhiệm kỳ qua, tổng số án các loại thụ lý, xét xử tăng mạnh, tăng tới 34%, trong đó nhiều vụ án đã đi vào lịch sử tố tụng nước ta bởi quy mô lớn và tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Những loại án đặc biệt nghiêm trọng, như án tham nhũng, tội phạm chức vụ về kinh tế, những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng đều được giải quyết tốt, đóng góp có hiệu quả trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng của nước ta…

Tuy nhiên, theo các đại biểu, cử tri và nhân dân vẫn còn băn khoăn, trăn trở về những hạn chế, bất cập đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp. Ðó là, vẫn còn dư luận về một số vụ án gây tranh cãi về việc áp dụng các nguyên tắc về điều tra, truy tố và xét xử trong tố tụng hình sự. Ðề nghị trong báo cáo của các cơ quan tư pháp cần đánh giá đầy đủ và chặt chẽ, khách quan hơn. Dư luận cho rằng, số lượng vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp đã được phát hiện, khởi tố, điều tra trung bình 50 vụ/năm là chưa thật sự phản ánh đúng tình hình vi phạm, tiêu cực trong hoạt động tư pháp, vì vậy cần rút ra bài học kinh nghiệm trong vấn đề này, góp phần hạn chế tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung và trong hoạt động tư pháp tố tụng nói riêng. Về công tác thi hành án, có đại biểu đề nghị cần đánh giá đầy đủ hơn nữa tình hình vi phạm trong việc thi hành án liên quan đến việc quy định thi hành bản án dân sự, xử lý tài sản là nhà đất bằng hướng tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất; có những vụ việc thi hành kéo dài hơn 10 năm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Ðề cập đến hạn chế trong báo cáo của tòa án, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, tình trạng các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hằng năm vẫn chưa được khắc phục, mặc dù vẫn trong giới hạn cho phép là 1,5%. Những điều đó cho thấy sai sót trong hoạt động xét xử vẫn đang xảy ra. Vậy các bản án quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan này ở lĩnh vực nào? Trong lĩnh vực dân sự thì báo cáo chỉ thể hiện tình trạng bản án tuyên không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án. Trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, hành chính... cũng không thấy đề cập. Do vậy, một số đại biểu đề nghị, báo cáo cần làm rõ thêm.

Về vấn đề nêu trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, tuy những tư tưởng và quan điểm tiến bộ của chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 - NQ/TW năm 2005 của Bộ Chính trị đã được thể chế hóa trong Hiến pháp 2013 và bổ sung, sửa đổi trong các đạo luật về tòa án, kiểm sát, hình sự và tố tụng hình sự, điều tra, giam giữ, thi hành án nhưng thực tiễn hoạt động điều tra, truy tố, xét xử cho thấy có những trường hợp các điều tra viên, thẩm phán và kiểm sát viên chưa thay đổi tư duy, thói quen và nhận thức cũ để phù hợp với những quy định mới.

Ðể nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp thời gian tới, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) và một số đại biểu kiến nghị Chính phủ và các cơ quan tư pháp nghiên cứu và áp dụng các giải pháp quyết liệt để kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và kiến nghị các cơ quan tư pháp có các giải pháp đột phá để khắc phục một số hạn chế, tồn tại trong thực tế. Ðồng thời, kiến nghị với QH, Chính phủ bổ sung các điều kiện bảo đảm để giúp cho các cơ quan tư pháp tháo gỡ những khó khăn, áp lực hiện nay, giúp cho cơ quan tư pháp hoàn thành tốt hơn trọng trách được giao. Ðồng thời, ngành tòa án thời gian tới thực hiện theo thẩm quyền và đề xuất cấp có thẩm quyền đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính, cải cách thủ tục tư pháp trong hệ thống Tòa án nhân dân các cấp để người dân dễ dàng tiếp cận được thông tin, giúp giảm bớt thời gian, công sức và chi phí đi lại, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Ðơn giản hóa các thủ tục hành chính, thí dụ như cho phép tòa án nhận ủy quyền của cơ quan thi hành án dân sự để thu nộp, tạm ứng án phí, cho phép thực hiện dịch vụ văn bản tố tụng qua bưu điện, in-tơ-nét và rút ngắn thời gian giải quyết các vụ việc, vụ án, bởi người dân khi phải kiện tụng, đến tòa án là rất ngại vì nhiều thủ tục, giấy tờ, mất nhiều thời gian và công sức.

Cuối phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu QH nghe Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng thay mặt Ủy ban Thường vụ QH trình bày Tờ trình về việc miễn nhiệm Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia. Sau đó các đại biểu QH thảo luận ở đoàn về việc miễn nhiệm Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội

Trong phiên làm việc chiều 30-3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng, QH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) và biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) tại hội trường với 454 đại biểu tán thành, chiếm 94,58% tổng số đại biểu QH. Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) gồm tám chương, 55 điều, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022.

Chiều cùng ngày, sau khi nghe Ủy ban Thường vụ QH báo cáo, giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH về việc miễn nhiệm Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, QH đã tiến hành bỏ phiếu kín về việc miễn nhiệm các chức vụ Chủ tịch QH khóa XIV, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia đối với đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân. Ðồng thời, thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch QH khóa XIV, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia với 429 đại biểu tán thành, chiếm 89,38% tổng số đại biểu QH. Theo Nghị quyết, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ tiếp tục điều hành các phiên làm việc tiếp theo của QH cho tới khi QH bầu được Chủ tịch QH mới.

Liên quan nội dung nêu trên, cuối phiên họp, Ủy ban Thường vụ QH đã trình danh sách đề cử để QH bầu Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những biến đổi sâu sắc về mọi mặt của đời sống xã hội; để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, Tòa án nhân dân tối cao cần đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tòa án, xây dựng tòa án điện tử, tăng cường ứng dụng các phần mềm thay thế việc làm thủ công, tốn kém nhân lực, kinh phí, tiến tới xét xử trực tuyến, số hóa hồ sơ.

Ðại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang)

PV