Đây là nơi khai mạc Quốc dân Đại hội Tân Trào (tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, thông qua những chính sách đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử cách mạng, phát động khởi nghĩa giành chính quyền, đưa cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945 đi đến thắng lợi hoàn toàn.
"Địa chỉ đỏ"
Mang ý nghĩa "tiền thân của Quốc hội Việt Nam", Quốc dân Đại hội Tân Trào đã chọn "Tiến quân ca" là Quốc ca, lá cờ đỏ có sao vàng năm cánh ở giữa là Quốc kỳ, xác lập nên nền tảng xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Để rồi ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Việt Bắc cũng là địa điểm được Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn làm căn cứ địa đầu não kháng chiến chống thực dân Pháp. Các địa danh Chợ Đồn (Bắc Kạn); Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đại Từ (Thái Nguyên); Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) đã trở thành An toàn khu (ATK), là "Thủ đô kháng chiến" của cả nước.
Đây là chỗ ở, làm việc của cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng chỉ huy của Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt những năm 1947-1954; cũng là nơi phát đi các mệnh lệnh kháng chiến, nơi quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Mỗi tên làng, tên núi, tên sông nơi đây không đơn thuần là những địa điểm tự nhiên, mà còn là nơi chứng kiến sự đồng cam cộng khổ giữa Đảng và dân, là nơi cất giữ những ký ức đậm nét về một giai đoạn kháng chiến hào hùng của dân tộc.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hệ thống những di tích cách mạng quan trọng ở Việt Bắc vẫn còn đó. Những cụm di tích giàu giá trị lịch sử như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ở và làm việc khi Người trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Khu di tích quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo - nơi ghi dấu sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Khu di tích lịch sử Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950… (Cao Bằng); Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu di tích ATK Kim Quan… (Tuyên Quang); Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn, Khu di tích lịch sử Nà Tu… (Bắc Kạn); Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa (Thái Nguyên)... là những kho tư liệu vô giá, là bảo tàng sống động về lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng Việt Nam, chứa đựng những giá trị về lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Đó cũng chính là những "địa chỉ đỏ" để thế hệ người Việt Nam hôm nay tìm về, để được nhắc nhớ những bài học truyền thống anh dũng bất khuất của quân và dân ta, bồi đắp thêm niềm tự hào, tinh thần dân tộc.
Liên kết sự cộng hưởng để phát triển bền vững
Không chỉ mang trong mình những giá trị lịch sử, Việt Bắc còn được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp có một không hai. "Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi/Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng" (Việt Bắc, thơ Tố Hữu), bên cạnh vẻ đẹp thơ mộng, Việt Bắc có những kỳ quan thuộc loại hùng vĩ nhất Việt Nam với núi Mẫu Sơn, thảo nguyên Khau Sao (Lạng Sơn); Đồng Văn, Mã Pí Lèng, thác Tiên, đèo Gió (Hà Giang); thác Bản Giốc (Cao Bằng); hồ Ba Bể (Bắc Kạn), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên); hồ Na Hang (Tuyên Quang)...
Trong đó, Cao nguyên đá Đồng Văn và Công viên địa chất Non nước Cao Bằng đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Việt Bắc cũng sở hữu nhiều hang động đẹp mang giá trị về lịch sử tâm linh như hang Pác Bó, động Ngườm Ngao (Cao Bằng); động Nhất, Nhị, Tam Thanh, hang Thẩm Khuyên-Thẩm Hai (Lạng Sơn); động Pua Mạ, động Puông (Bắc Kạn)…, cùng với đó là những di tích kiến trúc, nghệ thuật và khảo cổ có giá trị như: Dinh thự "Vua Mèo"; phố cổ Đồng Văn, Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang); Ải Chi Lăng, Thành nhà Mạc…
Đến nay, hơn 20 dân tộc sinh sống ở Việt Bắc vẫn bảo tồn được nhiều giá trị văn hóa truyền thống với sự độc đáo, đa dạng của trang phục cổ truyền; sự đặc sắc, phong phú của những điệu dân ca, dân vũ và các lễ hội đặc trưng như: Lồng tồng, Nàng Hai, Cấp sắc, Gầu tào, Mù là, Nhảy lửa… Đặc biệt, Thực hành Then của người Tày, Nùng đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trở thành niềm tự hào của người dân cả nước.
Sự cộng hưởng của những giá trị về lịch sử, văn hóa, thiên nhiên ấy chính là nền tảng vững chắc để Việt Bắc tự tin phát triển kinh tế-xã hội toàn diện, nhất là trong lĩnh vực du lịch. Tận dụng thế mạnh của quê hương cách mạng để phát triển du lịch về nguồn, du lịch tưởng niệm kết hợp du lịch văn hóa, sinh thái được xác định là hướng đi bền vững để vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng, vừa giáo dục cho thế hệ hôm nay về truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các tỉnh Việt Bắc.
Những năm qua, du lịch Việt Bắc đã có nhiều khởi sắc với những sản phẩm độc đáo được xây dựng dựa trên nền tảng các giá trị văn hóa, lịch sử địa phương như: Festival chè Thái Nguyên, Lễ hội thành Tuyên (Tuyên Quang), chợ tình Khâu Vai, Lễ hội hoa tam giác mạch (Hà Giang), Lễ hội thác Bản Giốc (Cao Bằng)…
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, dư địa để phát triển du lịch Việt Bắc vẫn còn rất lớn. Cơ hội để mảnh đất giàu truyền thống cách mạng có những bước đi đột phá về du lịch sẽ còn rộng mở hơn nữa nếu các tỉnh trong vùng biết tận dụng những giá trị tương đồng và khác biệt để đẩy mạnh liên kết, xây dựng những tua, tuyến hấp dẫn, nhất là sản phẩm mang tính thế mạnh là du lịch về nguồn.
Nằm trọn trong vùng trung du miền núi phía bắc, Việt Bắc là một trong bảy vùng du lịch của cả nước đã được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đã xác định dự án thành phần "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch".
Với sự định hướng, quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm của chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc, du lịch Việt Bắc, đặc biệt là du lịch về nguồn được kỳ vọng sẽ có những bước đi bứt phá trong thời gian tới.