Mía đường “lâm nguy”

Mía đường “lâm nguy”
cover.jpg -0

“Cú đấm kép” từ dịch Covid-19 và Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực đang gây ảnh hưởng rất lớn đến ngành mía đường. Nếu không nhanh chóng có các trợ lực thì không chỉ doanh nghiệp gặp khó khăn mà 350 nghìn hộ nông dân đang hưởng sinh kế từ ngành nghề này gặp khó khăn.

Mía đường “lâm nguy” -0
Nhiều doanh nghiệp (DN) ngành đường Việt Nam đang chống chọi với “cuộc khủng hoảng kép” từ nhiều phía. Cụ thể, dịch Covid-19 đã dẫn đến sự đình trệ đồng loạt trong hoạt động sản xuất và giao thương kinh tế, sụt giảm trầm trọng nhu cầu tiêu thụ nguyên vật liệu sản xuất, trong đó gồm cả mặt hàng nhu yếu phẩm là đường. Đáng chú ý, sự cạnh tranh không cân sức giữa đường sản xuất nội địa với đường nhập khẩu từ Thái Lan theo cam kết ATIGA càng khiến ngành đường trong nước lao đao.
quote2-1599632712255.jpg

 Hiện, ngành đường Thái Lan đang được Chính phủ quốc gia này trợ cấp cho ngành đường bằng nhiều hình thức khác nhau để đẩy mạnh xuất khẩu. Chính vì thế, khi nhập khẩu vào Việt Nam, cộng với thuế suất giảm xuống chỉ còn 5%, đường Thái Lan nhập khẩu có giá rẻ đã đẩy hàng loạt nhà máy đường tại Việt Nam vào cảnh khó khăn.

Rất nhiều DN ngành đường khác đang lâm phải khó khăn do những tác động khó chồng khó từ thị trường. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), trong những tháng nửa đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động đã khiến thị trường đường trong nước suy yếu, tiêu thụ giảm mạnh đối với tất cả các loại đường. Giá đường thương mại thế giới giảm sâu, giá đường sản xuất từ mía ở trong nước bán ra thị trường cũng đã tụt giảm.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Thư ký VSSA, khẳng định, giá đường nhập khẩu thấp, giá thành đường sản xuất ở trong nước còn cao nên không thể cạnh tranh được với đường nhập khẩu (chưa kể đường nhập lậu). 

quote1-1599632222301.jpg
Không đơn thuần là một ngành sản xuất, mía đường còn đóng góp lớn cho an sinh xã hội khi đang tạo công ăn việc làm cho hơn 350 nghìn hộ nông dân. Bảo vệ nguồn nguyên liệu, đồng thời gỡ khó cho nông dân, nhiều DN đang thực hiện chính sách thu mua nguyên liệu cho nông dân với giá cao. Hiện nhiều DN đã tăng giá thu mua mía lên 800 nghìn đến 850 nghìn đồng/tấn, có nơi thậm chí lên 950 nghìn đồng/tấn nhằm khuyến khích bà con nông dân giữ mía cho vụ tới. Tuy nhiên, giải pháp này không thể kéo dài lâu khi bản thân DN cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Việc tăng giá nguyên liệu kéo theo hệ lụy là chi phí sản xuất tăng cao. Ước tính, giá thành trung bình sản xuất một kg đường trắng của ngành đường Việt Nam trong niên vụ 2019 - 2020 sẽ tăng thêm 1.000-2.000 đồng/kg so với ước tính từ đầu vụ. 
Chi phí tăng cao, song để cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ, thậm chí cả hàng lậu nên DN buộc phải giảm giá bán, dù lượng tiêu thụ không nhiều. Ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP đường Quảng Ngãi (QNS), thừa nhận: “Dù giá bán đường của nhiều nhà máy đã giảm xuống ngang bằng giá thành sản xuất, nhưng lượng tồn kho vẫn cao. DN ngành mía đường đang gặp rất nhiều khó khăn”. 
Mía đường “lâm nguy” -0

Theo đánh giá của VSSA, ngành mía đường thế giới thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Phân tích của Tổ chức mía đường Quốc tế (ISO) cho thấy, đặc điểm nổi bật nhất trong ngành mía đường thế giới là giá đường thế giới rẻ một cách bất thường do sự thao túng, trợ cấp, thậm chí phá giá đường để hỗ trợ xuất khẩu của các nước xuất khẩu đường.

 Do đó, các quốc gia có sản xuất đường luôn tìm cách kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm giá đường ổn định, bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng trong sự cân đối với lợi ích của người trồng mía, DN và đặc biệt ngăn chặn sự xâm lăng của đường nhập khẩu giá rẻ. Ngành mía đường của ASEAN cũng không phải là một ngoại lệ.

a2-1599633755732.jpg

VSSA cũng khẳng định, Thái Lan, Philippines và Indonesia tuy công bố hoàn thành việc thực thi cam kết ATIGA từ năm 2015 nhưng vẫn áp dụng các biện pháp trợ cấp để bảo vệ ngành mía đường của mình. Điều này gây nên khó khăn cho các DN ngành mía đường Việt Nam.

 Ông Đặng Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP mía đường Sơn La cho hay, hiện nay, giá đường Việt Nam đang cao hơn Thái Lan là do ngành mía đường Việt Nam phải đối mặt trực diện với sự cạnh tranh bất bình đẳng của Thái Lan dưới nhiều hình thức gian lận thương mại, trợ cấp, trợ giá, bảo hộ trá hình. Điều này khiến nỗ lực của nhiều DN khi đầu tư cho vùng nguyên liệu, đầu tư lắp đặt thiết bị công nghệ tiên tiến vẫn chưa đạt được như yêu cầu. Do đó, Nhà nước cần các biện pháp mạnh hơn nhằm bảo vệ các DN trong nước. Đồng thời bảo vệ nguồn sinh kế của người dân.

Tại cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường trong bối cảnh hội nhập quốc tế Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã kiến nghị Bộ Công thương áp dụng biện pháp phòng vệ để hạn chế việc nhập khẩu đường để bảo vệ sản xuất mía đường trong nước. Áp dụng các biện pháp chống phá giá đối với đường lỏng siro ngô và các chất tạo ngọt khác. Tăng cường quản lý thị trường, chống gian lận thương mại đường. Xem xét đề nghị ASEAN cho mặt hàng đường vào danh mục mặt hàng nhạy cảm.

Mía đường “lâm nguy” -0

VSSA đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt giá điện đồng phát từ bã mía tương đương giá điện sinh khối của các ngành khác, không ở mức thấp quá xa so với các nước ASEAN để hỗ trợ giá trị gia tăng thêm cho các nhà máy đường, cũng như hỗ trợ gián tiếp cho nông dân trồng mía. Đồng thời, xem xét ban hành một Thông tư riêng về quản lý đường nhập khẩu, xem xét điều kiện quản lý đường nhập khẩu theo Nghị định 69/2018/NĐ-CP. Đề nghị Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại đường nhập lậu. Ngân hàng Nhà nước khoanh nợ cho nông dân và các nhà máy đường, tiếp tục cho vay ưu đãi để trồng mía và chế biến đường…

Hiện nay một số DN đường phối hợp các cơ quan chức năng kiến nghị, thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp thông lệ quốc tế, để áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với đường nhập khẩu (tự vệ hoặc chống bán phá giá) nhằm bảo vệ sản xuất đường trong nước. Động thái này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường trong tình hình hiện nay.

Mía đường “lâm nguy” ảnh 8

Ngày xuất bản: 10-09-2020

Tổ chức thực hiện: NGỌC THANH

Nội dung: XUÂN BÁCH - HÀ ANH 

Kỹ thuật, đồ họa: ĐĂNG PHI, ĐỨC DUY