Mệnh lệnh từ trái tim người lính

Mệnh lệnh từ trái tim người lính
Mệnh lệnh từ trái tim người lính -0

Theo nguyên tắc, các đội cứu hộ, cứu nạn trong lũ thường không đi làm nhiệm vụ vào buổi tối để bảo đảm an toàn, do hạn chế về tầm nhìn. Vậy nhưng, không thể ngồi yên trước những tiếng kêu cứu, họ quyết tâm đội mưa gió, vượt lũ lên đường, bằng mọi cách cứu nạn người dân. Xuồng vừa đến khu vực ngập sâu, Thượng tá Tình đã nghe tiếng người dân í ới bên bờ.

Thống kê của Cục Cứu hộ - Cứu nạn thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, cho thấy, trong đợt mưa lũ lịch sử miền trung tháng 10, tháng 11-2020, lực lượng cứu hộ đã cứu được 319 người và tìm kiếm các thi thể các nạn nhân mất tích, di dời 169.892 hộ dân đến nơi an toàn; chằng chống, khắc phục 39.391 nhà, 684km đường giao thông bị hư hại. Trong mưa lũ, nhiều câu chuyện cảm động, thấm đẫm tình quân dân. 

Mệnh lệnh từ trái tim người lính -0
Mệnh lệnh từ trái tim người lính -0
Các lực lượng cứu hộ tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình và Quảng Nam bất chấp hiểm nguy giải cứu người dân trong lũ dữ.  

Thượng tá Ngô Hữu Tình, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình nhớ lại: Trong các ngày từ 16 đến 18-10-2020, trời mưa như xối và lạnh, nước sông Gianh bắt đầu dâng cao. Chính quyền địa phương và lực lượng tuyên truyền, tổ chức sơ tán người dân ra hỏi các vùng có nguy cơ ngập sâu song không ít gia đình nấn ná lại, chưa muốn đi vì sợ bỏ dở nhà cửa. Tối 18-10, nước lũ lên rất nhanh, khi đó nhiều người không kịp trở tay, hoảng hốt giữa biển nước lũ nên gọi điện cầu cứu.

Đêm 18-10, chuông điện thoại cứu hộ của Ban CHQS thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình đổ liên hồi. Khoảng 2 giờ sáng 19-10, Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình lệnh Ban CHQS thị xã Ba Đồn đưa xuồng đi cứu dân trong đêm. Theo Thượng tá Ngô Hữu Tình, vì tính mạng người dân nên đây là trường hợp cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp "ngoại lệ" bởi theo nguyên tắc, các đội cứu hộ, cứu nạn trong lũ thường không đi làm nhiệm vụ vào buổi tối để bảo đảm an toàn, do hạn chế về tầm nhìn.

Vậy nhưng, không thể ngồi yên trước những tiếng kêu cứu đến thảng thốt ấy, họ quyết tâm đội mưa gió, vượt lũ lên đường. Hai đội chia nhau đi các ngả, bằng mọi cách cứu nạn người dân. Xuồng vừa đến qua khu vực ngập sâu, Thượng tá Tình đã nghe tiếng người dân í ới bên bờ. Tiếng gọi bị gió thổi bạt đi nhưng các chiến sĩ trong đội cứu hộ vẫn biết được sự nguy hiểm của người dân lúc này.

Một người hô lớn: “Bà con hết sức cận thận, bám chặt vào mái nhà, bậu cửa, chúng tôi đang đến đây”.

Xuồng vào từng xóm, đến từng nhà, bộ đội lấy đèn pin quét ngang dọc tìm kiếm rồi gọi lớn, nhờ đó đã giải cứu được rất nhiều người, đặc biệt có nhiều người già và trẻ nhỏ trong các ngôi nhà đang bị lũ nhấn chìm, đưa họ đến chỗ cao hơn. 

Đêm đó, toàn bộ 38 cán bộ, chiến sĩ của Bộ Chỉ huy quân sự thị xã Ba Đồn thức trắng. Trên chiếc xuồng bập bềnh giữa dòng nước lũ, họ men theo từng cột điện, từng nóc nhà, cẩn trọng di chuyển để tránh các chướng ngại vật, nhất là hệ thống dây điện như giăng trong lũ để cứu nạn người dân. Cuộc “giải cứu” giữa vòng vây lũ không nghỉ kéo dài đến tận chiều tối ngày 19-10.

Đặc biệt, lực lượng vũ trang thị xã Ba Đồn đã cứu nạn an toàn cho sáu sản phụ, đưa họ đến Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình khi nước lũ dâng cao, giúp nhiều gia đình “mẹ tròn con vuông” trong đỉnh lũ lịch sử.

Mệnh lệnh từ trái tim người lính -0
Mệnh lệnh từ trái tim người lính -0
Mệnh lệnh từ trái tim người lính -0
Tính mạng của người dân là trên hết.

Trung tá Hoàng Văn Cần, Đội phó đội Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn khu vực Đông Hà, thuộc Phòng Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, Công an tỉnh Quảng Trị chỉ còn vài tháng nữa là nhận quyết định nghỉ chờ hưu sau gần 40 năm gắn bó với ngành. Vậy mà khi mưa lũ ập đến, người dân ngập lụt, anh lập tức xung phong đi cứu dân.

Trong năm trận lũ xảy ra, không khó để gặp anh Cần ở khắp các địa bàn  của tỉnh Quảng Trị. Lúc thì anh lái xe cứu hộ tại vùng lũ Thanh An, huyện Cam Lộ, lúc lại gặp anh ở vùng trũng xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng. Ở anh luôn có sự năng động, nhiệt tình không khác gì những người lính cứu nạn, cứu hộ trẻ tuổi.

Anh Cần chia sẻ một trong những câu chuyện của mình, vào đêm 18-10, khi đợt lũ thứ năm xảy ra, lúc đó đã là 23 giờ, tổ công tác của anh chuẩn bị thu hồi phương tiện, lực lượng trở về đơn vị thì được tin báo có một gia đình vẫn còn mắc kẹt trong vùng lũ. Anh em trong tổ lập tức quay lại.

Khi vào đến vị trí được chỉ dẫn, gọi mãi không nghe tiếng trả lời, lực lượng cứu hộ phá cửa vào nhà thì thấy bên trong có chị Hồ Thị Anh, 29 tuổi, đang bồng con nhỏ mới sinh bảy ngày tuổi; hai cháu nhỏ bốn tuổi, sáu tuổi và bố mẹ chồng chị Anh đều đã hơn 70 tuổi. Chồng chị Anh là bộ đội công tác tại Kho A38 thuộc Tổng cục Kim khí, Bộ Quốc phòng nên không thể về giúp gia đình kịp chạy lũ.

Cả gia đình đã kê hai chiếc giường và ghế để ngồi nhưng nước càng ngày càng dâng cao, khi anh cùng đồng đội vào thì nước đã mấp mé đến chiếc giường phía trên. Được lực lượng cứu nạn cứu hộ kịp thời đưa đến nơi an toàn, cả gia đình rất mừng bởi chỉ vài tiếng đồng hồ sau ngôi nhà này đã bị nước lũ dâng ngập tận nóc.

Với Đại úy Đoàn Thanh Tú, cán bộ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, Công an tỉnh Quảng Trị, kỷ niệm lớn nhất là lần cứu nạn trong đợt lũ thứ nhất vào ngày 9-10. Tổ công tác của anh gồm 15 cán bộ, chiến sĩ nhận lệnh tham gia cứu nạn, cứu hộ tại thôn Phước Lâm, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng.

Địa hình ở đây có nhiều vật cản, nước chảy xiết, nhiều nhà ngập sâu hơn 2m, tài sản của người dân đều đã bị nhấn chìm trong nước lũ. Lực lượng cứu hộ phải sử dụng xuồng cao su không có động cơ để cứu nạn. Những nhà dân ở cuối xóm, anh em phải bơi vào để giúp đỡ người dân kê cao đồ đạc, chuyển gia súc, gia cầm lên vị trí an toàn trước khi rời khỏi nhà.

Sau khi đưa được 23 người dân thôn Phước Lâm ra đến nơi an toàn, tổ công tác của Đại úy Đoàn Thanh Tú tiếp tục nhận lệnh lên đường cứu hộ tại phường Đông Lễ, TP Đông Hà. Các anh phải dùng xuồng cao su, lội bộ hơn 2km mới vào đến chùa Lập Thạch, phường Đông Lễ.

Mệnh lệnh từ trái tim người lính -0

Còn với Hạ sĩ Nguyễn Văn Thuấn, chiến sĩ nghĩa vụ thuộc lực lượng Công an Quảng Trị thì đây là lần đầu tiên anh tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ trong lũ lụt. Anh Thuấn kể, ngày 8-10, tổ công tác của anh nhận nhiệm vụ cứu hộ tại địa bàn thôn Phú Ngạn, xã Thanh An. Sau khi đã sơ tán gần 70 người dân quanh khu vực cửa hàng xăng dầu Việt Lào, khu vực ngã tư Sòng thì có tin báo có một cụ ông bị mắc kẹt cùng hai con bò trên cồn nổi của thôn giữa cánh đồng mênh mông nước.

Lúc đó, các đồng chí trong tổ công tác lập tức đưa xuồng ra vị trí của ông cụ để đưa ông vào nơi an toàn nhưng ông nhất quyết không chịu đi. Hỏi ra mới hay ông muốn ở lại cầm cự để giữ bằng được hai con bò, tài sản quý giá nhất của gia đình cụ.

Lúc đó, anh Thuấn được phân công ở lại giữ giúp ông cụ con bò mẹ, còn các đồng chí khác đưa ông và con bò con lên xuồng cao su để vào chỗ an toàn. Phải như vậy, cụ ông mới chịu hợp tác với lực lượng cứu nạn cứu hộ.

Mệnh lệnh từ trái tim người lính -0
pho_thu_tuong_hop_tai_quang_nam-1609213077115.jpg
Chiều tối 28-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tới tỉnh Quảng Nam, trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo các công tác khắc phục hậu quả do cơn bão số 9 gây ra trên địa bàn. Phó Thủ tướng làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trong bối cảnh địa bàn đang phải tạm cắt điện để bảo đảm an toàn. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Trong cơn bão số 9 vừa qua, tỉnh Quảng Nam bị thiệt hại nặng về người, nhà ở và hệ thống hạ tầng giao thông. Trong cơn bão này, đã có gần 50 người chết, mất tích và hàng trăm người bị thương; hàng ngàn ngôi nhà bị vùi lấp, cuốn trôi, hư hỏng… Theo số liệu ước tính, tổng thiệt hại tài sản toàn tỉnh trong các đợt bão lũ vừa qua lên đến hơn 10 nghìn tỷ đồng.

Đến bây giờ, đã hai tháng trôi qua nhưng cảnh sạt lở đất kinh hoàng, gây tang thương ở làng ông Đề, thôn 1, xã Trà Leng vào (chiều 28-10, làm 15 nhà dân bị vùi lấp, cuốn trôi; chín người chết, 33 người bị thương và 13 người chưa tìm được tung tích); rồi vụ sạt lở đất ở thôn 2, xã Trà Leng (làm tám người thiệt mạng), hai vụ sạt lở đất kinh hoàng tại xã Phước Lộc (làm chín người chết và bốn người còn đang mất tích)… vẫn còn ám ảnh mãi với người dân nơi đây.

Mệnh lệnh từ trái tim người lính -0

Cuộc họp bất thường lúc nửa đêm giữa đại diện nhiều cơ quan Trung ương, Quân khu 5 và lãnh đạo tỉnh tại trụ sở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam, diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Ngay sau cuộc họp, với tinh thần khẩn trương, lúc 3 giờ sáng 29-10, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 885 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), Lữ đoàn Công binh 270 (Quân khu 5) cùng nhiều phương tiện đã bắt đầu xuất phát và hướng về làng ông Đề, nơi có 15 ngôi nhà cùng người dân bị vùi lấp.

Đường từ trung tâm TP Tam Kỳ lên huyện Nam Trà My tầm 100 cây số nhưng do bão lũ đã làm đất đá sạt lở, cây cối ngã chặn ngang các tuyến đường huyết mạch nên cuộc hành trình cứu hộ đến Trà Leng trở nên gian nan, vất vả.

Để lực lượng cứu hộ đến được hiện trường sớm nhất, ngay trong đêm 28-11, lực lượng trinh sát đã lặn lội trong mưa gió khảo sát đường đi vào hiện trường. Nhưng đất đá sạt lở ngổn ngang, không có đường nào để lực lượng cứu hộ, phương tiện có thể vào được.

Vậy là, để tạo thuận lợi trong công tác tìm kiếm, ngay trong sáng 29-10, Ban CHQS huyện Bắc Trà My huy động lực lượng bộ đội, dân quân tự vệ để tiến hành khơi thông tuyến quốc lộ 40B từ dưới lên. Còn các cán bộ, chiến sĩ của Ban CHQS huyện Nam Trà My huy động lực lượng nỗ lực khắc phục từ trên xuống để thông đường vào hiện trường điểm sạt lở.

Với quyết tâm đó, đến 14 giờ chiều cùng ngày, lực lượng cứu hộ của Quân khu 5, Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam và các binh chủng chủ lực mới đã tiếp cận được hiện trường điểm sạt lở đất tại thôn 1, xã Trà Leng để cùng lực lượng địa phương tìm kiếm người mất tích.

Cuộc tìm kiếm được tổ chức rất quy mô, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ với sự hỗ trợ của chó nghiệp vụ và dùng thiết bị flycam cảm biến nhiệt để hỗ trợ công tác tìm kiếm các nạn nhân đang còn mất tích trong vụ sạt lở này. Ngoài việc thông đường vào hiện trường, các cán bộ, chiến sĩ vừa khẩn trương đưa người bị thương đi cấp cứu, vừa tổ chức tìm người mất tích.

Đồng thời với việc tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích tại làng ông Đề (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My), lực lượng quân đội, công an còn cử lực lượng chi viện huyện Phước Sơn tìm kiếm 13 người mất tích tại xã Phước Lộc.

Mệnh lệnh từ trái tim người lính -0
 Người dân và bộ đội đi bộ 6km đưa người bị thương từ khu vực sạt lở ở Trà Leng ra ngoài cứu chữa. (Ảnh: Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai) 

Trong phòng, chống bão lũ tại miền trung, tôi được biết, các đồng chí đã huy động hàng trăm nghìn lượt bộ đội, dân quân tự vệ, hàng chục nghìn lượt phương tiện, thực hiện và vận dụng linh hoạt phương châm "bốn tại chỗ", tổ chức sơ tán nhân dân, tích cực tìm kiếm người mất tích, nhanh chóng khắc phục hậu quả, giải quyết kịp thời các chính sách, được sự ủng hộ và đồng thuận cao trong nhân dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị quân chính toàn quân năm 2020, ngày 7-12-2020.

(Còn tiếp)
logom-1609214245667.png 

Ngày xuất bản: 29-12-2020

Tổ chức thực hiện: NGÔ VIỆT ANH

Nội dung: HƯƠNG GIANG, LÂM QUANG HUY, TẤN NGUYÊN,  BÔNG MAI, CÔNG HẬU, NGÔ TUẤN

Ảnh: HƯƠNG GIANG, LÂM QUANG HUY, TẤN NGUYÊN, CÔNG HẬU, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai

Thiết kế: NGỌC ANH