Trước giờ Đoàn cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam lên đường về nước, tại Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ), phóng viên Báo Nhân Dân đã phỏng vấn Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam), Trưởng Đoàn cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát hiện 18 điểm, đưa 36 thi thể nạn nhân ra ngoài
- Xin đồng chí cho biết khái quát về các hoạt động của Đoàn cứu hộ, cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam tại Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ) trong thời gian vừa qua?
- Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: Đoàn cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam sang Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ) thực hiện hoạt động nhân đạo, cứu trợ thảm họa của trận động đất lịch sử ngày 6/2 vừa qua. Tại đây, Cơ quan điều phối Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã giao nhiệm vụ cho đoàn tổ chức, tìm kiếm vị trí các nạn nhân đang còn bị vùi lấp. Sau khi xác định được vị trí, chúng ta sẽ bàn giao cho các lực lượng giải cứu tại hiện trường để sử dụng các trang thiết bị hạng nặng như máy móc, máy ủi để đưa các nạn nhân ra ngoài.
Bên cạnh đó, Đoàn cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam cũng chủ động triển khai một bệnh viện dã chiến quy mô vừa và nhỏ để thu dung, điều trị cho các nạn nhân do động đất gây ra; đồng thời điều trị các thành viên quốc tế khi tham gia cứu hộ, cứu nạn gặp phải thương tích.
Tính tổng cả chiến dịch cứu hộ, cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát hiện 18 điểm và đưa ra 36 thi thể nạn nhân. |
- Xin đồng chí cho biết thêm về những khó khăn đoàn đã phải đối mặt khi thực hiện các nhiệm vụ kể trên?
- Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: Khi sang Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện nhiệm vụ, khó khăn lớn nhất của cả đoàn chính là thời tiết. Trong những ngày đầu, chúng tôi thường xuyên phải làm việc dưới điều kiện nhiệt độ âm 5 đến âm 10 độ C.
Bên cạnh đó, vị trí làm việc của đoàn cũng hết sức nguy hiểm khi cả thành phố gần như đã bị san phẳng, các chung cư, nhà cao tầng đổ sập với hàng trăm triệu mét khối đất, đá. Ngoài ra, những dư chấn tiếp theo cũng rất dễ gây ra tình trạng mất an toàn.
Trong những ngày đầu, chúng tôi thường xuyên phải làm việc dưới điều kiện nhiệt độ âm 5 đến âm 10 độ C. Bên cạnh đó, vị trí làm việc của đoàn cũng hết sức nguy hiểm khi cả thành phố gần như đã bị san phẳng, các chung cư, nhà cao tầng đổ sập với hàng trăm triệu mét khối đất, đá.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ
Ngoài ra, việc bất đồng ngôn ngữ giữa các bên cũng gây ra khó khăn lớn. Các sĩ quan liên lạc của đoàn đã phải hoạt động hết mình để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Các cán bộ, chiến sĩ đã vượt qua rất nhiều khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. |
- Với những nỗ lực vượt qua khó khăn đó, những kết quả của đoàn sau thời gian 10 ngày tại Hatay là gì, thưa đồng chí?
- Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: Ngay sau khi đặt chân xuống Hatay chỉ khoảng 5 tiếng, đoàn đã họp và làm việc với các cơ quan điều phối để nhận nhiệm vụ. Trong vòng 10 ngày làm nhiệm vụ, chúng tôi đã tổ chức tìm kiếm trên 31 điểm, phát hiện 15 điểm có nạn nhân bị vùi lấp, bàn giao cho lực lượng giải cứu và đã đưa ra 28 thi thể nạn nhân.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã tổ chức một đội chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn, tổ công binh dò tìm bằng âm thanh, hình ảnh và radar xuyên tường phối hợp với các đoàn từ Bahrain và Mexico tìm được 3 vị trí; trên cơ sở đó, thêm 10 thi thể các nạn nhân được đưa ra ngoài.
Như vậy, tính tổng cả chiến dịch, chúng ta đã phát hiện 18 điểm và đưa ra 36 thi thể nạn nhân.
Những mệnh lệnh từ trái tim người lính
- Tinh thần của cán bộ chiến sĩ trong suốt thời gian qua tại đây như thế nào, thưa Thiếu tướng?
- Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: Trước hết, chúng ta cần nhìn nhận rõ, việc các đoàn cứu hộ, cứu nạn của Việt Nam sang thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Thổ Nhĩ Kỳ lần này đã thể hiện được vị thế cũng như trách nhiệm của nhân dân ta, đất nước ta, đặc biệt là của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam với quốc tế.
Do đó, ngay từ khi xuất quân, tất cả các cán bộ, chiến sĩ và thành viên trong đoàn đều xác định rõ lập trường tư tưởng kiên định, quyết tâm vượt qua khó khăn để thực hiện nhiệm vụ bằng mệnh lệnh từ trái tim. Chúng tôi cũng coi việc tìm kiếm vị trí các nạn nhân trong các đống đổ nát cũng giống như tìm kiếm người thân của chính mình.
Với tinh thần như trên, đoàn chúng ta được cộng đồng quốc tế cũng như chính quyền địa phương đánh giá rất cao về cả công tác tổ chức lẫn thực hiện thực tế tại hiện trường.
Đội công binh cứu sập của Quân đội nhân dân Việt Nam sử dụng kìm thủy lực cắt sắt để mở rộng lối vào, nơi được xác định có 2 nạn nhân thiệt mạng. (Ảnh: Quân đội cung cấp) |
- Đồng chí có thể chia sẻ những kỷ niệm trong thời gian thực hiện nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ?
- Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: 10 ngày làm nhiệm vụ trên đất bạn đã để lại không chỉ riêng tôi mà cả đoàn rất nhiều kỷ niệm. Nhưng có lẽ đáng nhớ nhất là giai đoạn đầu chúng ta đặt chân tới Hatay. Vào thời điểm này, trang thiết bị của đoàn chưa về kịp nên các thành viên chỉ có thể ngồi chung quanh bếp lửa để sưởi ấm trong đêm. Dù vậy, ngay sáng hôm sau, tất cả đều sẵn sàng lên đường tới các khu vực tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp. Cũng trong ngày đầu tiên này, chúng ta đã phát hiện 4 vị trí, qua đó góp phần đưa 9 thi thể nạn nhân ra ngoài.
Lúc này, những người thân có mặt tại hiện trường đã ôm lấy đoàn Việt Nam rồi òa khóc. Họ bảo rằng, cám ơn các bạn đã tìm giúp người thân cho chúng tôi. Nhìn cảnh ấy, không ai bảo ai, anh em cũng đều chảy nước mắt. Từ ngày hôm đó, mỗi lần đoàn đi tới đâu, nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ tại Hatay lại ra cho từng mẩu bánh mì, từng chai nước. Tình cảm ấy có lẽ cả đời tôi cũng không thể quên.
Những người thân có mặt tại hiện trường đã ôm lấy đoàn Việt Nam rồi òa khóc. Họ bảo rằng, cám ơn các bạn đã tìm giúp người thân cho chúng tôi. Nhìn cảnh ấy, không ai bảo ai, anh em cũng đều chảy nước mắt. Từ ngày hôm đó, mỗi lần đoàn đi tới đâu, nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ tại Hatay lại ra cho từng mẩu bánh mì, từng chai nước. Tình cảm ấy có lẽ cả đời tôi cũng không thể quên.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ
Toàn cảnh khu đóng quân của đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam tại Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ). |
Một kỷ niệm khác cũng đáng nhớ không kém đó là khi thấy đoàn Việt Nam chưa có lều trại, phải chịu cảnh màn trời, chiếu bê-tông những ngày đầu, cơ quan chức năng nước sở tại đã triển khai cho đoàn hệ thống lều bạt rất tốt. Điều này đã thể hiện tinh thần hợp tác quốc tế của các bên nói chung, Việt Nam nói riêng với lực lượng sở tại trong việc thực hiện các nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn quốc tế.
- Đây là lần đầu tiên Quân đội nhân dân Việt Nam triển khai lực lượng tham gia vào các nhiệm vụ cứu nạn quốc tế, xin đồng chí đánh giá và nói rõ hơn về vấn đề này?
- Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: Đây là lần đầu tiên chúng ta đưa lực lượng, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn quốc tế. Ngay từ đầu, chúng ta đã tổ chức chặt chẽ, sử dụng các phương tiện, thiết bị và nhân lực phù hợp để việc tìm kiếm đạt hiệu quả tốt.
Nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân tại Hatay. |
Điển hình như việc sử dụng chó nghiệp vụ đã được nhiều đoàn đánh giá rất cao. Đặc biệt, đoàn Bahrain và Mexico đã yêu cầu sự trợ giúp đặc biệt từ đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam. Điều này một lần nữa khẳng định chất lượng quá trình đào tạo, diễn tập, phối hợp của các lực lượng trong nước để vận dụng vào thực tế.
Những kinh nghiệm quý báu cho tương lai
- Đoàn công tác tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ rút ra được những kinh nghiệm quý báu gì cho từng thành viên, cho đoàn công tác và cho sự hợp tác quốc tế trong tương lai, thưa ông?
- Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: Chúng ta có thể nói rằng thông qua việc thực hiện nhiệm vụ giúp nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất và trực tiếp là tìm kiếm, xác định vị trí có nạn nhân bị vùi lấp, chúng ta rút ra nhiều vấn đề cả về lý luận và thực tiễn.
Trước hết, các thành viên trực tiếp thực hiện nhiệm vụ rút ra nhiều vấn đề về quá trình huấn luyện, đào tạo, diễn tập, thực tiễn chứng minh để bổ sung vào lý luận. Các thành viên trong đoàn thông qua đó để củng cố và nâng cao năng lực, kinh nghiệm tìm kiếm người trong các thảm họa tương tự.
Thứ hai, liên quan công tác chỉ huy điều hành. Căn cứ trên thực tế, chúng tôi đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong quá trình điều phối các lực lượng, từ khi tiếp nhận lực lượng ở nước ngoài đến, điều phối đưa đến hiện trường và tổ chức hệ thống thông tin liên lạc, việc phối hợp, hiệp đồng giữa lực lượng quốc tế và lực lượng tại vị trí của chúng ta.
Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam tặng trang thiết bị y tế cho nước bạn Thổ Nhĩ Kỳ trước khi về nước. |
Thứ ba, đoàn cũng rút ra nhiều vấn đề trong công tác tham mưu, tổ chức điều hành, tổ chức huấn luyện đào tạo bổ sung về mặt lý luận và kinh nghiệm thực tiễn trong đối phó các loại hình sự cố do thiên tai, thảm họa gây ra, trong hợp tác quốc tế, trong ứng phó với các loại hình sự cố trong tương lai. Đó là việc tổ chức điều hành từ trung ương, địa phương tới cơ sở, phối hợp hợp đồng điều phối các lực lượng quốc tế tiếp nhận, điều hành trong ứng phó phù hợp khả năng sở trường của mỗi quốc gia, phù hợp trang thiết bị mà lực lượng nước ngoài mang theo.
Nhiệm vụ lần này đã khẳng định được vị thế, trách nhiệm của đất nước và nhân dân ta trên trường quốc tế. Điều này cũng đã được khẳng định qua chính truyền thông của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như sự đánh giá tốt từ cộng đồng quốc tế. Trong lần đầu tiên chúng ta tổ chức thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ quốc tế, tất cả chúng tôi đều xác định rõ ràng: Mệnh lệnh cứu hộ, cứu nạn tại nước bạn đều được xuất phát từ chính trái tim.
- Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!