Mẹ đơn thân, họ là ai?
Hà Vân, sống ở làng ven đô Hà Nội. Mười năm trước, cô yêu một anh chàng cùng làng và vấp phải sự phản đối kịch liệt của gia đình người yêu. Tìm mọi phương cách thuyết phục gia đình chàng không được, cô bàn với người yêu lên kế hoạch "có bầu để cưới". Kết quả là một bé gái chào đời. Tuy nhiên, gia đình kia vẫn lạnh lùng cố tình bắt phải đi xét nghiệm gen để khẳng định đứa con là dòng giống nhà họ. Giận người yêu hèn kém, nên cô chủ động chia tay, ôm con lên Hà Nội thuê nhà ở gần chỗ làm, một mình nuôi con. Cũng đã có những thời điểm chồng chất khó khăn khi đối diện cảnh mẹ trẻ con thơ, không người nương tựa. Ðến tuổi con đi nhà trẻ, Vân đã biết thu xếp ổn thỏa giữa việc nhà và công việc cơ quan. Ban đầu Vân cũng rất ngại bởi những ánh mắt tò mò dị nghị của những người chung quanh vì không chồng mà có con, nhưng mọi người cũng dần thông cảm cho hoàn cảnh của cô. Bố mẹ dù phản đối quyết liệt quyết định làm mẹ đơn thân của Vân, nhưng vẫn thường xuyên đến thăm cháu. Rồi bố đứa trẻ ân hận quay lại xin nhận con, nhưng cô kiên quyết không muốn quay lại với người đàn ông đã không biết bảo vệ hạnh phúc của đời mình.
Minh Hạnh đã ngoài ba mươi tuổi, xinh đẹp, cá tính. Chị không lấy chồng vì trót yêu một người đàn ông giỏi giang nhưng đã có gia đình. Không yêu được ai khác nhưng không muốn làm ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của anh, Minh Hạnh chủ động có với anh một đứa con và lặng lẽ nuôi con một mình. Hằng tháng, một mình chị vật lộn với đủ thứ chi phí trang trải cuộc sống cho hai mẹ con, cho người giúp việc trông trẻ, dù hết sức tiết kiệm cũng lên tới gần chục triệu đồng. Rồi trái gió trở trời, con ốm con đau, chuyện đêm thức trông con ốm, ngày xin nghỉ làm đưa con đi viện xảy ra như cơm bữa. Ðồng nghiệp nhìn chị bằng con mắt ái ngại, lãnh đạo cơ quan cũng đánh tiếng cảnh báo chị về giờ giấc, công việc bê trễ. Nhiều đêm, chị bất lực ôm con ngồi khóc một mình, thèm một bờ vai ấm để nương tựa.
"Một vai hai gánh" có dễ dàng?
Những năm gần đây, trào lưu sinh con và nuôi dạy con một mình ngày càng phổ biến hơn trong giới phụ nữ trẻ. Kết quả điều tra toàn quốc về gia đình Việt Nam do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Tổ chức UNICEF công bố, có khoảng 2,5% dân số sống độc thân, trong đó chủ yếu là nữ giới và đa phần trong số họ chấp nhận nuôi con một mình. Xu hướng gia đình đơn thân nuôi con ngày một gia tăng theo tỉ lệ ly hôn và lượng trí thức nữ giới tại các thành phố lớn, cũng như nhiều tên tuổi văn nghệ sĩ nổi tiếng công khai giãi bày chuyện sinh con một mình hoặc đơn thân nuôi con sau khi ly hôn.
Xu hướng làm mẹ đơn thân ngày nay trở nên phổ biến hơn một phần do phụ nữ ngày càng tự chủ được về kinh tế và công việc. Quan niệm của xã hội cũng đã thoáng hơn trước, phụ nữ không nhất thiết phải kết hôn mới sinh con. Nhiều phụ nữ do lỡ làng trong chuyện tình cảm, hay có một cú sốc về tâm lý không muốn lấy chồng nhưng vẫn muốn có con đã chọn giải pháp này. Bên cạnh đó, số lượng các bà mẹ đơn thân nuôi con sau ly hôn tăng cao. Nhưng cũng không ít phụ nữ chọn giải pháp mẹ đơn thân bởi họ có thể bảo đảm một cuộc sống đầy đủ cho con mà không cần nửa kia. Họ khao khát làm mẹ nhưng không vì thế mà chấp nhận lấy người đàn ông họ không yêu. Ðó cũng là một cách để khẳng định vai trò tự chủ, bình đẳng của phụ nữ trong xã hội hiện đại.
Làm mẹ đơn thân là một thử thách lớn trong cuộc sống của người phụ nữ, chị em đang phải chịu áp lực từ nhiều phía. Áp lực tinh thần từ phía dư luận xã hội với nhiều quan niệm, người cảm thông, người lại dè chừng, và không ít kẻ chê bai, đàm tiếu. Bên cạnh đó, gánh nặng về kinh tế mà những bà mẹ đơn thân phải một mình đối mặt trong thời kỳ "bão giá" thật không đơn giản và dễ dàng. Chưa kể áp lực từ việc một mình nuôi dạy chăm sóc con cái với họ đôi khi thật khó khăn, phức tạp.
Vì thế, trước khi quyết định nuôi con một mình, cần lường trước những khó khăn sẽ gặp phải trên đường đời phía trước, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tinh thần cũng như về vật chất cho tương lai. Bên cạnh nỗ lực vừa làm mẹ, làm cha của những mẹ đơn thân, những người thân và cộng đồng cũng nên chung lưng giúp chị em có nghị lực vượt qua khó khăn, thử thách để nuôi con trưởng thành.