Để tránh “đụng độ” với những người khổng lồ như Hewlett- Packard (HP), Apple, Dell, tìm ra mảng riêng để phát triển, các nhà sản xuất châu Á dự định cung cấp những dòng máy tính xách tay bỏ túi với đầy đủ các tính năng, hoặc các dòng máy cao cấp thời trang.
David Daoud, nhà phân tích công nghiệp chế tạo máy tính cá nhân tại công ty nghiên cứu thị trường IDC nhận định: Mỹ là thị trường không thể bỏ qua. Và để chen chân vào thị trường Mỹ, cách tốt nhất là sản xuất ra các mặt hàng “độc”, có sự khác biệt”.
Cú hích này bắt đầu khi Mỹ tụt lại so với thế giới về mức tăng trưởng trong thị trường máy tính cá nhân. Trong khi các công ty châu Á gặp không ít khó khăn với một thị trường đã bão hòa, máy tính xách tay vẫn là một mảng còn có khả năng phát triển.
Quý 3 năm 2007, tỷ lệ máy tính cá nhân bán ra ở Mỹ tăng 5,2% , trên toàn thế giới, con số này là 15,5%, trong đó, khu vực Châu Á- Thái Bình Dương có tốc độ tăng trưởng cao nhất.
Trong tuần tới, tại Triển lãm người tiêu dùng hàng điện tử ở Las Vegas- triển lãm thương mại lớn nhất nước Mỹ, nhà sản xuất máy tính Trung Quốc Levono (công ty đã mua lại quyền sản xuất máy tính cá nhân của IBM năm 2005) sẽ tuyên bố gia nhập thị trường máy tính cá nhân Mỹ .
Tại Mỹ, Levono bán dòng máy tính xách tay IBM Thinkpad cho các khách hàng là thương nhân, tuy nhiên cho đến nay lại chưa hề nhắm đến đông đảo người tiêu dùng Mỹ.
Trong khi đó, theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường IDC, tính đến hết quý ba năm 2007, Tập đoàn Toshiba của Nhật Bản từ lâu đã là một trong những nhà cung cấp máy tính xách tay hàng đầu tại thị trường Mỹ tiếp tục có mức tăng trưởng cao gần 17%.
Toshiba hiện đứng thứ tư trên thị trường máy tính Mỹ sau các hãng Dell, HP và Apple. Công ty này đặt tham vọng sẽ cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng bằng các sản phẩm máy tính xách tay đa phương tiện hiện đại nhất với màn hình siêu mỏng.
Asustek và Acer cũng lên kế hoạch tung ra các sản phẩm mới tại Triển lãm người tiêu dùng hàng điện tử lần này, Acer, nhà sản xuất máy tính cá nhân lớn thứ tư thế giới, bán sản phẩm qua hệ thống cửa hàng bán lẻ của Wal-Mart và Office Depot, ngay giữa tháng 10-2007 đã mua Irvine của hãng Gateway (Mỹ) như một sự chuẩn bị cho chiến lược khuếch trương tại Mỹ.
Mặc dù có những sản phẩm với nhiều tính năng tiện ích, sự sành điệu... những nhà sản xuất máy tính châu Á vẫn phải cạnh tranh với những đối thủ sừng sỏ là HP, Dell và Apple với những dòng máy tính tiên tiến: có thể chơi các game chiến thuật đòi hỏi cấu hình cao, có camera liền máy, pin dùng lâu hơn và trọng lượng nhẹ hơn.
Levono, Acer và Asustek đang cố chen chân vào thị trường Mỹ giữa lúc máy tính xách tay ngày càng trở nên phổ biến. Các công ty này đã có những bước tiến đáng kể so với một số đối thủ Mỹ như Dell - một công ty nhiều năm qua chỉ chú trọng vào sản xuất và bán máy tính để bàn và máy chủ cho các công ty.
David Daoud nhận định: Các công ty châu Á sản xuất phần lớn máy tính xách tay trên thế giới theo hợp đồng với các công ty lớn trên toàn thế giới, vì vậy, việc bành trướng sang thị trường Mỹ là hợp lý và có thể đem lại lợi nhuận. Chẳng hạn như hãng sản xuất máy tính Đài Loan Quanta từ lâu đã sản xuất máy tính xách tay cho cả ba hãng lớn là Dell, HP và Apple.
Các công ty châu Á cũng muốn quảng bá thương hiệu của mình tại Mỹ để được coi như những thương hiệu mang tính toàn cầu.
Rob Enderle, chuyên viên phân tích chính của Nhóm nghiên cứu thị trường Enderle nói: Trong khi Trung Quốc là thị trường phát triển mạnh mẽ nhất thì Mỹ hiện vẫn là thị trường công nghệ lớn nhất. Và chiếm được thị phần ở thị trường lớn nhất là một mục tiêu lớn.
Theo công ty nghiên cứu thị trường IDC, trong quý 3 năm 2007, số máy tính xách tay bán được tăng 37%, giúp lượng máy tính cá nhân trên toàn thế giới tăng 14,6%.
Tại Mỹ, lượng máy tính để bàn bán ra giảm khoảng 3% trong năm 2007, trong khi lượng máy tính xách tay tăng khoảng 21%.