Mặt trận Tổ quốc vì cuộc sống ấm no của nhân dân

Trong chiều dài lịch sử cách mạng của đất nước cũng như quá trình hình thành và phát triển của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở đã, đang và luôn có những hoạt động thiết thực, cụ thể hướng về người dân. Tham gia xây dựng cuộc sống ấm no, bình yên, đoàn kết ở từng thôn xóm, tích cực chăm lo người dân nghèo, đồng hành với người dân có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống… là những nội dung trọng tâm được thực hiện rất hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo huyện Tủa Chùa (Điện Biên) trao kinh phí hỗ trợ hộ nghèo huyện Tủa Chùa làm nhà đại đoàn kết.
Lãnh đạo huyện Tủa Chùa (Điện Biên) trao kinh phí hỗ trợ hộ nghèo huyện Tủa Chùa làm nhà đại đoàn kết.

Trong gần ba năm qua, từ những ngày đầu cả nước dồn sức, tập trung mọi nguồn lực phòng, chống đại dịch Covid-19 cho đến hôm nay, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thường xuyên tổ chức những hoạt động cụ thể, thiết thực hướng về cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng về người dân có hoàn cảnh khó khăn…

Ngày hội của người dân, của cán bộ Mặt trận

Đã thành nền nếp, hằng năm, nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 18/11, các khu dân cư trong cả nước vui mừng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Việc tổ chức Ngày hội nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khơi dậy tinh thần đoàn kết, gắn bó của nhân dân trong cộng đồng. Đồng thời thông qua Ngày hội, đánh giá kết quả thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững; biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển cộng đồng dân cư đoàn kết. Ngày hội đem lại giá trị tinh thần cho nhân dân, tôn vinh sức mạnh cộng đồng, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, ý chí cách mạng trong nhân dân, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội từ mỗi ấp, thôn, bản, làng, tổ dân phố, cụm dân cư...

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết: Trải qua 19 năm, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư đã trở thành nét đẹp truyền thống, đưa công tác Mặt trận về với cộng đồng dân cư, hướng đến từng gia đình và mỗi người dân. Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930-18/11/2022), Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc càng có ý nghĩa đặc biệt hơn sau hơn hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đất nước bước vào giai đoạn hồi phục, nhân dân phấn khởi trước sự ổn định và kiểm soát hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Cùng với Ngày hội của người dân ở cơ sở, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận các địa phương trong cả nước vừa tổ chức biểu dương các Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và hơn hàng chục nghìn Trưởng ban công tác Mặt trận trong cả nước. Tại chương trình biểu dương của Trung ương, trong những đại biểu được tôn vinh lần này, có 132 đại biểu là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và 167 đại biểu là Trưởng ban công tác Mặt trận là những điển hình tiêu biểu có thành tích nổi bật trong công tác Mặt trận giai đoạn 2017-2022 và được bình chọn từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Các đại biểu có đầy đủ thành phần đại diện cho đồng bào các dân tộc, tôn giáo, là hội viên Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Thanh niên, Hội Phụ nữ đến từ các khu vực thành thị, nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Tổ quốc.

Họ là những cán bộ ở cơ sở, tuy đời sống còn không ít khó khăn nhưng ngày đêm lăn lộn với phong trào, hết lòng tận tụy với nhân dân, ăn cơm nhà lo việc làng, việc xã. Để làm tốt nhiệm vụ “lắng nghe nhân dân nói” và “nói cho nhân dân nghe”, cán bộ Mặt trận cơ sở đã chủ động đến với từng hộ gia đình, thông qua nói chuyện, trao đổi để khéo đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, đồng thời lắng nghe, tập hợp những tâm tư, nguyện vọng, những bức xúc, kiến nghị của nhân dân để phản ánh đến cấp ủy, chính quyền.

Điển hình như ông Điểu K Ít, dân tộc Mạ, theo đạo Tin lành, Trưởng ban công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh, Chi hội trưởng Hội Nông dân Buôn Brun, xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, với vai trò là già làng đã vận động nhân dân trong Buôn Brun nhận giao khoán, quản lý bảo vệ 660ha rừng thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên, xây dựng “Tổ cộng đồng tự quản bảo vệ rừng” gồm 22 thành viên, luân phiên cắt cử thành viên cùng với lực lượng kiểm lâm tham gia tuần tra bảo vệ rừng; xây dựng mô hình “Khu dân cư kiểu mẫu” được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng công nhận năm 2020; tuyên truyền, vận động bà con trong Buôn Brun cho trẻ đến trường đạt tỷ lệ 100%; vận động duy trì Tổ hòa giải với 22 thành viên, qua đó nhiều năm liền trong Buôn Brun không xảy ra vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn phải chuyển lên cấp trên xử lý; vận động bà con xóa bỏ tập quán canh tác du canh du cư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tham gia phát triển kinh tế.

Đó còn là bà Vũ Thị Thu Hiên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Lãm Hà, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng, là người theo đạo Công giáo, luôn thực hiện tốt công tác nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, hóa giải kịp thời những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, vận động họ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”…

Những ngôi nhà đoàn kết dành tặng người nghèo

Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, những năm qua Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Điện Biên luôn thực hiện tốt vai trò tập hợp thành viên, kêu gọi nguồn lực giúp đồng bào các dân tộc ở địa phương tu sửa, làm mới nhà ở….

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Điện Biên Lò Văn Mừng cho biết: Kế thừa kinh nghiệm, vai trò Mặt trận Tổ quốc trong kêu gọi vận động nguồn lực làm nhà cho gần 2.000 hộ nghèo ở hai huyện biên giới là Mường Nhé, Nậm Pồ các năm trước cũng như kinh nghiệm kêu gọi, hỗ trợ người dân ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngay đầu năm 2022, Mặt trận các cấp tỉnh Điện Biên đã triển khai riêng chương trình phát động các tập thể, cá nhân tích cực tham gia đóng góp ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, chăm lo giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn…

Bằng cách làm cụ thể, trách nhiệm, đến cuối tháng 6/2022, Quỹ Vì người nghèo các cấp tỉnh Điện Biên đã tiếp nhận 45,096 tỷ đồng; riêng Tháng cao điểm vì người nghèo năm 2022 đã có 78 tập thể, 65 cá nhân ủng hộ và đăng ký ủng hộ với số tiền 6,3 tỷ đồng. Từ các nguồn hỗ trợ xã hội hóa, ủng hộ, đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã hỗ trợ 52.120 suất quà tặng người có công, hộ nghèo, người có uy tín, đối tượng bảo trợ xã hội với tổng trị giá hơn 22,7 tỷ đồng; phân bổ hỗ trợ xây dựng 178 nhà Đại đoàn kết trị giá 6,744 tỷ đồng; hỗ trợ 181 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; triển khai hỗ trợ 50 con trâu, bò sinh sản trị giá 750 triệu đồng tại các huyện Điện Biên, Tủa Chùa...

Trên đường đưa chúng tôi đến thăm gia đình anh Giàng A Minh, hộ nghèo ở bản Chóp Ly, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông mới được Bộ Công an hỗ trợ làm nhà, ông Sùng A Bông, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Keo Lôm, cho biết: Cũng như 130 căn nhà khác trong toàn xã, căn nhà của gia đình anh Minh được hoàn thành từ sự hỗ trợ của Bộ Công an; dân bản địa phương cùng cán bộ Mặt trận Tổ quốc xã, bản, huyện góp công làm nhà với mong muốn hộ nghèo có nhà ở ấm áp khi xuân về. “Những ngày làm nhà cho hộ nghèo trong xã, cả Keo Lôm hừng hực khí thế như công trường. Đêm nào các bản cũng sáng ánh đèn; tiếng nói tiếng cười xen lẫn tiếng đục, tiếng hàn làm thức dậy cả vùng núi rừng thăm thẳm” - ông Sùng A Bông nhớ lại.

Nói thêm về chương trình làm nhà “thần tốc” cho hộ nghèo trong toàn huyện Điện Biên Đông, đồng chí Mùa A Vảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông cho rằng, thành công của chương trình có sự đóng góp quan trọng từ nhân dân và đội ngũ cán bộ, công chức toàn huyện; sự hỗ trợ trách nhiệm của các đơn vị quân đội, công an. Song nòng cốt là Mặt trận Tổ quốc đã huy động sự vào cuộc của các lực lượng thành viên tham gia ngay từ khâu họp bàn, bình xét hộ nghèo thuộc đối tượng hỗ trợ. Sau đó, Mặt trận tiếp tục kêu gọi, vận động nhân dân trong bản, trong xã góp công sức giúp hộ nghèo làm nhà. Nhờ thế, sau hơn hai tháng, toàn huyện Điện Biên Đông đã hoàn thành làm mới, tu sửa 1.040 căn nhà để 1.040 gia đình có nhà mới .

Chăm lo người dân sau đại dịch

Trong những ngày này, bên cạnh các hoạt động kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận các địa phương đang tiếp tục triển khai việc chăm lo, hỗ trợ người dân sau đại dịch Covid-19.

Tại quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, trước những hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 tác động đến người dân có hoàn cảnh khó khăn, các em học sinh mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha mẹ, Mặt trận Tổ quốc quận đã thực hiện có hiệu quả việc vận động doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm đồng hành chăm lo an sinh xã hội. Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Bình Thạnh Võ Thị Phương Uyên cho biết, nhằm kịp thời hỗ trợ các đối tượng khó khăn, công tác vận động phát huy sức mạnh của toàn xã hội cùng chăm lo, giúp đỡ cho người nghèo được triển khai bằng nhiều phương thức vận động và hình thức tổ chức đa dạng.

Theo đó, Mặt trận quận thông qua việc phối hợp các đơn vị tổ chức các hoạt động như: “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; chương trình văn nghệ “Nghĩa tình Bình Thạnh - chia sẻ yêu thương”;…thu hút các doanh nghiệp và nhân dân tham gia, qua đó phát động đợt cao điểm ủng hộ Quỹ Vì người nghèo. Việc ứng dụng các trang mạng xã hội cũng được tận dụng để tạo sự tương tác và lan tỏa các thông tin về chăm lo an sinh xã hội ra toàn xã hội. Nhờ đó, trong gần hai năm qua, Ban Thường trực Mặt trận quận đã vận động với hơn 8.000 suất quà và tiền mặt với tổng số tiền gần 6 tỷ đồng để hướng tới mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Việc chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19 cũng được Mặt trận các cấp chú trọng và đã kết nối, phối hợp nhà thuốc FPT Long Châu triển khai thí điểm chương trình tặng thuốc điều trị Covid-19; kết nối giới thiệu việc làm cho người dân bị mất việc làm; tổ chức gian hàng giảm giá cho người lao động; trao học bổng, hỗ trợ kinh phí hằng tháng cho các em học sinh mồ côi do Covid-19. Nhớ lại khoảng thời gian trong tâm dịch, chị Lưu Nguyễn Như Quỳnh, ngụ 480/60/5B, Bình Quới, phường 28, quận Bình Thạnh cho biết, khi chồng chị mất do nhiễm Covid-19, một mình nuôi ba đứa con nhỏ, có những lúc tưởng như sẽ không gánh nổi trách nhiệm đó. Khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội bằng những phần quà, học bổng cho các cháu, chị dần vượt qua khó khăn để các con được tiếp tục đến trường.

Các đồng chí lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố mang tên Bác và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Điện Biên cùng chung suy nghĩ: Để tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận các cấp cần thực hiện tốt những nhiệm vụ cụ thể, trong đó tập trung những vấn đề quốc kế dân sinh, liên quan trực tiếp quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, nhất là đồng hành, chia sẻ với người dân trong khó khăn. Đó cũng chính là mục tiêu quan trọng trong các nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận trong nhiều năm tới…