Mặt trái của mạng xã hội

Thời gian gần đây, liên tục xảy ra nhiều vụ người dân vì nghi ngờ đối tượng lạ bắt cóc trẻ em nên hô hoán tạo đám đông và “tự xử” một cách thái quá khiến nhiều người bị đánh hội đồng oan. Những vụ việc này một phần nguyên nhân là do hiệu ứng từ mặt trái của mạng xã hội.

Sinh viên tìm kiếm thông tin trên mạng tại điểm truy cập in-tơ-nét công cộng. Ảnh: NGỌC CHÂU
Sinh viên tìm kiếm thông tin trên mạng tại điểm truy cập in-tơ-nét công cộng. Ảnh: NGỌC CHÂU

Điển hình là vụ việc xảy ra vào trưa 22-7-2017, bà Lê Thị B. (40 tuổi, trú tại huyện Mỹ Ðức) và bà Nguyễn Thị P. (52 tuổi, trú tại huyện Ứng Hòa), đều là thành viên của HTX tình thương huyện Mỹ Ðức, đến thôn Thái Phù (xã Mai Ðình, huyện Sóc Sơn) bán tăm bông để gây quỹ tình thương. Khi đang hỏi thăm một cháu bé năm tuổi thì bất ngờ bà nội cháu bé bắt gặp, hô hoán hai bà bắt cóc trẻ em. Bà B. và bà P. sau đó bị nhiều người đuổi đánh. Khi kiểm tra túi xách của hai bà thì chỉ có 50 túi tăm chứ không có thuốc mê và lá bùa như người dân đồn thổi.

Trước đó hai người đàn ông vào xã Hồng Lạc (huyện Thanh Hà, Hải Dương) để tìm mua gỗ. Khi đang nói chuyện, chủ nhà bỗng thấy chóng mặt và tri hô "thôi miên, bắt cóc". Hàng trăm người dân đã vây bắt và đốt cháy chiếc ô-tô Fortuner của hai người này. Tại Nghệ An, hai tháng qua cũng xảy ra bốn vụ người dân bao vây, đòi hành hung người lạ mặt do nghi ngờ có hành vi bất minh như bắt cóc trẻ em; thôi miên lừa đảo. Các nạn nhân sau đó đều được công an xác minh nhân thân tốt, không có hành vi như nghi ngờ…

Những vụ việc nêu trên cho thấy biểu hiện lây lan tâm lý đám đông, có hiệu ứng từ mặt trái mạng xã hội. Theo một số chuyên gia tâm lý, khi sự việc bị thổi phồng, nhất là trên mạng xã hội, mà không kiểm chứng kiểu "một đồn mười, mười đồn trăm", nhiều người dân tưởng thật dẫn tới lo lắng thái quá nên có hành động đề phòng, cảnh giác quá mức, nghi ngờ thiếu căn cứ. Tình trạng này là do hằng ngày, nhiều người tiếp nhận luồng thông tin xấu khiến họ cảm thấy bất an. Khi quá sợ hãi người ta sẽ liên kết lại để chiến đấu với cái ác và họ nghĩ "mình giống như anh hùng". Họ nghĩ đơn giản là đang góp phần làm một việc tốt, trừng trị kẻ xấu.

Theo luật sư Trịnh Khánh Toàn (Ðoàn luật sư TP Hà Nội): Một trong những nguyên nhân xảy ra tình trạng nêu trên là từ các thông tin không chính xác lan truyền trên mạng xã hội, nhất là Facebook về việc bắt cóc trẻ em khiến người dân cảnh giác quá mức cần thiết. Tâm lý đám đông cộng với sự kém hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân dẫn tới những hành vi tiêu cực mang tính bộc phát mà không nhận ra hậu quả cho bản thân, người khác và xã hội.

"Theo tôi, chính quyền địa phương cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, tuyên truyền để người dân hiểu biết hơn. Nếu có vụ việc xảy ra, cần nhanh chóng có mặt để phối hợp ổn định tình hình. Các cơ quan chức năng cũng cần quan tâm, giải quyết nhanh hơn, xử lý nghiêm các vụ việc gây hoang mang, lo lắng thái quá cho người dân", luật sư Toàn cho biết.

Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, khi thấy những tình huống nghi ngờ bắt cóc, người chứng kiến phải bình tĩnh để tìm hiểu sự thật, tránh hành động vi phạm pháp luật.