Mất mùa ở vùng nhãn xuất khẩu Hải Dương

NDO - Năm nay tại “thủ phủ” xuất khẩu nhãn ở xã Hoàng Hoa Thám, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, sản lượng nhãn sụt giảm khoảng 85% so với những năm trước. Nhiều vườn cây không cho thu hoạch, mang lại nỗi buồn trầm lắng cho các hộ dân.
Cây nhãn hiếm hoi trong vườn nhà ông Nguyễn Đình Xuyên đậu quả khá sai.
Cây nhãn hiếm hoi trong vườn nhà ông Nguyễn Đình Xuyên đậu quả khá sai.

Để hỗ trợ những người trồng nhãn, Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đã đề nghị hội nông dân các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ tiêu thụ nhãn cho nông dân Chí Linh (mỗi đơn vị tiêu thụ từ 400kg trở lên) với đơn giá 15 nghìn đồng/kg, thời gian hỗ trợ đến ngày 15/8. Yêu cầu đối với các hộ nông dân là nhãn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đóng 5kg /túi.

Vào giữa mùa nhãn, nhưng tại khu vườn rộng hơn 1ha của gia đình ông Nguyễn Đình Xuyên (77 tuổi) ở thôn Đá Bạc, chúng tôi chỉ thấy ngút ngát màu xanh của lá. Khác với thời điểm này những năm trước nhộn nhịp không khí mua bán nhãn, sân nhà ông Xuyên những ngày này vắng ngắt.

Mất mùa ở vùng nhãn xuất khẩu Hải Dương ảnh 1
Nhãn mất mùa, ông Nguyễn Đình Xuyên dành nhiều thời gian trồng thêm một số loại rau màu để tăng thêm thu nhập.

Nằm giữa vùng nhãn rộng mênh mông, lại thuận tiện đường giao thông qua lại, nhiều năm qua, sân vườn nhà ông Xuyên đã là điểm đến của các thương nhân và cũng là nơi diễn ra các hoạt động ký kết các hợp đồng thu mua nhãn xuất khẩu giữa các tổ chức, cá nhân với sự tham dự của chính quyền các cấp.

Đi sâu vào trong vườn nhãn, khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được một vài cây gọi là có quả. Từ khi chính quyền địa phương có chủ trương và vận động người dân quy hoạch, xây dựng, phát triển các vùng trồng nhãn chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, người dân địa phương đã nhiệt tình hưởng ứng. Chủ trương đúng hướng đã tạo thêm nhiều việc làm cho người dân và mang lại lợi ích kinh tế rất cao.

Cũng theo ông Xuyên, chưa từng có năm nào vùng nhãn lại mất mùa nặng nề như năm nay. Ước tính tổng sản lượng nhãn năm nay của nhà ông chỉ đạt khoảng 2 tấn, giảm 85-90% so với những năm trước. Với 450 gốc nhãn, từ năm 2017 tới năm 2023 vụ nào gia đình ông cũng đạt sản lượng 15-20 tấn quả, cho doanh thu từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.

Mất mùa ở vùng nhãn xuất khẩu Hải Dương ảnh 2

Mất mùa vải, nhãn, nông dân xã Hoàng Hoa Thám tập trung chăm sóc gà đồi.

Ông Văn Viết Định ở thôn Đá Bạc chia sẻ: Gia đình có khoảng 1ha vườn đồi trồng vải và nhãn, trong đó có hơn 100 gốc nhãn. Hằng năm thu hoạch từ vải và nhãn đạt khoảng 150 triệu đồng. Có năm vải, nhãn được mùa, được giá cho thu tới 200 triệu đồng. Năm nay cả trăm gốc nhãn chỉ cho sản lượng khoảng 200kg, coi như lỗ vốn toàn tập. Cũng may năm nay quả vải tuy mất mùa, nhưng còn được giá, thu được vài chục triệu đồng cũng đủ bù chi.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Chúc, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Hoàng Hoa Thám cùng một số hộ dân cho biết: Xã Hoàng Hoa Thám có hơn 800 hộ dân thì không nhà nào không trồng cây nhãn. Khoảng 70 hộ có sản lượng nhãn hằng năm ước đạt từ 5 tấn trở lên, khoảng 30 hộ hằng năm có sản lượng nhãn đạt từ 7 tấn đến 25 tấn. Sản lượng nhãn nhà ông Chúc hằng năm thường đạt 8-10 tấn, năm nay chỉ đạt 2 tấn. Những vườn nhãn vụ này đạt sản lượng bằng 20% so với những năm trước đã được coi là thành công.

Nhà ông Nguyễn Đình An trồng nhãn nhiều nhất xã, sản lượng hằng năm ước khoảng 25 tấn, nhưng năm nay tổng sản lượng chỉ đạt khoảng 1 tấn quả, giảm sản lượng khoảng 95% so với năm trước.

Mùa nhãn thường mang lại niềm vui và hy vọng cho người nông dân ở xã Hoàng Hoa Thám, nhưng khi mất mùa, không khí ở làng xã mang vẻ trầm lắng. Những chùm nhãn trĩu quả không còn, những vườn nhãn xanh tươi bỗng trở nên hiu hắt. Nhiều hộ dân đi lại trong vườn, tìm ngắt những chùm quả lẻ loi mà lòng nặng trĩu.

Bên cạnh đó những hợp đồng xuất khẩu cũng không hoàn thành, các cơ sở chế biến nhãn và sơ chế nhãn xuất khẩu cũng không có việc. Những ước mơ về trái nhãn ngọt ngào, về mùa vụ bội thu và những khoản tiền có thể trang trải cho cuộc sống, mua sắm phương tiện, sửa sang nhà cửa chưa trở thành hiện thực…

Đánh giá về nguyên nhân mất mùa nhãn năm nay, ông Nguyễn Văn Chúc và các hộ dân mà chúng tôi tiếp xúc cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết khi vải và nhãn trổ hoa, kết trái khá cực đoan và diễn biến khác với mọi năm.

Thời điểm nhãn trổ hoa thì xuất hiện những đợt rét đậm, rét hại kèm theo sương muối, nên tỷ lệ nhãn trổ hoa, kết trái thành công rất thấp. Những cây có kết trái thì lại gặp giai đoạn mưa, nắng thất thường kéo dài, những hộ chủ quan không phun thuốc bảo vệ thì tỷ lệ quả rụng rất cao.

Sản lượng nhãn ở Chí Linh hằng năm đạt khoảng 4.000 tấn. Năm nay do mất mùa sản lượng nhãn ở Chí Linh ước chỉ còn hơn 700 tấn. Sản lượng sụt giảm, nhưng trái nhãn không được như trái vải, bởi quả vải năm nay tuy có mất mùa nhưng rất được giá (trung bình 50 nghìn đồng/kg) bởi hoạt động xuất khẩu diễn ra sôi động và không có vải để bán. Còn trái nhãn mất mùa nặng nhưng giá đầu vụ không tăng là bao (20 nghìn đồng/kg) hoạt động xuất khẩu gần như bị đình trệ, và giá nhãn hiện tại chỉ khoảng 13-15 nghìn đồng/kg, khiến nỗi buồn của người trồng nhãn như bị nhân đôi.

Hải Dương hiện có hơn 2.000ha trồng nhãn với sản lượng hằng năm thường đạt hơn 12.000 tấn, nhưng chỉ riêng vùng nhãn của thành phố Chí Linh quả nhãn mới đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Chí Linh hiện có khoảng 740ha nhãn, tập trung nhiều nhất ở xã Hoàng Hoa Thám, tiếp đó là các xã Bắc An, Lê Lợi và hai phường Hoàng Tân, Hoàng Tiến. Chí Linh có 4 mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu sang các thị trường EU, Singapore, Mỹ, Astralia, New Zealand với diện tích 52ha, sản lượng ước khoảng 250 tấn.