Với dáng vẻ hào hoa của một tài tử điện ảnh, ông đã chia sẻ về những thành công của mình thật giản dị và khiêm nhường.
Sau đây là cuộc trò chuyện của ông.
- Xin chào nhà văn, được biết đây là lần đầu tiên ông tới Việt Nam. Xin ông cho biết cảm giác của ông thế nào?
- Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam, một vùng đất mới với những khám phá mới thực sự thú vị. Tôi chỉ biết về Việt Nam của các bạn qua các trang viết của các tác giả Pháp, với tôi đây thực sự là một mảnh đất thú vị và ấm áp, khi tôi đi dạo trên phố, thấy người dân hiền hoà, thấy mình được chào đón, và thấy sách của mình được bày bán trong các quầy sách.
Tôi được biết ở Việt Nam có một club, nơi bạn đọc có thể chia sẻ trao đổi niềm yêu thích của mình về các tác phẩm của tôi, tôi cũng nhận được rất nhiều email và sự đón tiếp nồng hậu của các bạn khi đến Hà Nội. Điều đó thật vô cùng cảm động. Với tôi, việc tác phẩm của mình được những người không cùng ngôn ngữ, hơn thế lại cách xa mình hàng vạn km đọc và yêu thích, thật như một giấc mơ.
- Nhưng được biết tại Pháp, các nhà phê bình đánh giá ông là một nhà văn thị trường và thương mại. Ông nghĩ gì về nhận xét này?
- Công việc của nhà văn là viết, và nhà phê bình là… phê bình. Điều quan trọng đối với tôi là tác phẩm được công chúng đón nhận. Nếu nói văn chương như một cái cầu thang dài, mà nhà văn, để đi được đến bậc thang cuối cùng thì phải bước lên bậc đầu tiên, thì tôi vinh dự khi là mình đang là những bậc thang đầu tiên đó. Tôi viết những gì mình thích và mình cảm thấy có khả năng, và thấy mình may mắn được đón nhận.
- Vậy ông có bao giờ nghĩ về những giải thưởng như Nobel hay Goncour?
- Theo tôi, viết việc văn đòi hỏi rất nhiều sự khiêm tốn. Và nhà văn không nên đi ngược lại tự do của mình. Nếu tự cao tự đại và nghĩ rằng mình viết để nhắm đến giải thưởng nào đó, chính là đang đi tước bỏ cái tự do của nghề viết văn. Khi tôi viết, tôi cũng không nghĩ đến cả việc xuất bản tác phẩm ủa mình. Nếu nghĩ rằng, viết để đạt giải thưởng nào đó, chắc chắn là lối viết không trung thực. Khi đặt bút viết, điều quan trọng nhất với tôi là cảm xúc.
Marc Levy ký tặng sách độc giả Việt Nam tại TTVH Pháp.
- Đến nay, ông đã là một trong bốn nhà văn được đọc nhiều nhất ở Pháp cũng như các nước châu Âu. Tác phẩm của ông được dịch ra hơn 40 thứ tiếng. Chắc hẳn ông đã có duyên nghiệp với nghề viết. Vậy ông đến với nó như thế nào?
- Tôi viết tác phẩm đầu tay của mình bắt đầu từ những câu chuyện kể cho cậu con trai tôi nghe hàng đêm. Đến khi con trai tôi vừa 9 tuổi, nó bảo với tôi rằng “truyền hình còn hay hơn những gì bố viết”. Vậy là tôi hiểu, thời con trẻ đã kết thúc. Tôi quay sang viết theo kiểu người lớn, và nghĩ rằng, ngay lập tức khi đọc những câu chuyện này, con tôi sẽ trưởng thành. Nếu em không phải là giấc mơ, là cuốn sách đầu tiên, và điều tôi muốn nói với con tôi là phải đi đến tận cùng giấc mơ của mình, nhưng không phải bằng cách mơ mộng.
- Ông muốn chuyển tải thông điệp gì ngoài những câu chuyện tình yêu trong các tác phẩm của mình?
- (Cười) Tôi không hề có ý chuyển tải thông điệp nào trong tác phẩm của mình cả. Viết với tôi là một cách để chia sẻ. Khi bà nội tôi còn sống, bà đã dạy tôi về điều đó. Và khi tôi viết tác phẩm, tôi muốn các nhân vật của mình chia sẻ một giá trị nào đó với các độc giả, một niềm vui, nỗi buồn, hay những thất vọng trong cuộc sống, tình yêu.
Tôi viết để chia sẻ những khoảnh khắc, bởi tôi là người thích kể chuyện, và tôi làm công việc này nghiêm túc như một thợ thủ công. Tôi không nghĩ rằng các tác phẩm của mình lại được đông đảo bạn đọc đón nhận như vậy, nghĩa là tôi nhận được chia sẻ từ rất nhiều người. Đó là hạnh phúc của tôi.
- Xin cảm ơn ông và chúc ông có một chuyến đi thú vị.
Sau thành công của cuốn sách đầu tiên, Nếu em không phải là giấc mơ, với sô bản in lên tới hàng triệu bản, Marc Levy đã viết tiếp 7 cuốn tiểu thuyết và ngay lập tức ông trở thành một trong những nhà văn ăn khách nhất tại Pháp. Ông vừa xuất bản cuốn tiểu thuyết mới nhất với tựa đề Tất cả những điều không nói, nối lại mạch viết lãng mạn- siêu thực, lối viết đã mang lại thành công rực rỡ cho ông trong tác phẩm đầu tay. Tất cả những điều không nói cũng sẽ sớm có mặt tại Việt Nam. |
* Nhà văn Marc Levy đến Việt Nam (2-10)