Vào tháng trước, khi Diego Maradona đón sinh nhật thứ 60, hàng nghìn lời chúc đã được gửi đến ông thông qua báo chí hay mạng xã hội. Truyền hình và đài phát thanh dành thời gian đáng kể để nhắc nhở về những điều kỳ diệu ông đã làm. Và một bảng quảng cáo dài 100m với hình ảnh Cậu bé Vàng trên đó được ra mắt ở Avenida 9 de Julho, đại lộ hùng vĩ cắt qua trung tâm thủ đô Buenos Aires của Argentina.
Và khi Maradona nhập viện chỉ vài ngày sau đó, hàng trăm người đã tụ tập bên ngoài phòng khám ở La Plata, rồi sau đó là bệnh viện lớn tại Buenos Aires, với hoa và nến, cầu nguyện cho người hùng của họ.
Thời gian có thể làm xói mòn mọi thứ, nhưng không phải với Maradona và tình yêu, sự sùng bái dành cho huyền thoại vĩ đại của bóng đá thế giới.
Pele đã ghi cả nghìn bàn thắng và ba lần vô địch World Cup. Johan Cruyff thay đổi và định hình diện mạo bóng đá. Cristiano Ronaldo cùng Lionel Messi là những hiện tượng. Nhưng Maradona có sự lôi cuốn và hấp dẫn phi thường.
Không một ai có cuộc sống bóng đá nhiều xúc cảm và giàu kịch tính đến thế. Và cũng không một ai gây ra nhiều tranh cãi đến thế. Để rồi thật kỳ lạ, người ta càng yêu mến ông hơn, đồng thời đẩy sự thần thánh hóa Maradona lên một tầm cao mới. Ở Argentina ông là Vua, là Thượng đế, là Chúa, thậm chí đứng riêng rẽ như một biểu tượng tôn giáo với một nhà thờ Maradonian, nơi được viếng thăm bởi hơn nửa triệu tín đồ.
Cũng phải thôi, bởi sẽ không có người thứ hai làm được những gì Maradona đã làm. Chỉ một mình, dựa vào tài năng siêu phàm, ông giúp Argentina đăng quang World Cup và biến đội bóng tầm thường Napoli thành nhà vô địch Italia. Đó chính là cách Cậu bé Vàng thay đổi một đất nước, một thành phố, xua tan cảm giác tự ti và mang tới sự tôn trọng.
Hoặc cho dù không phải Argentina hay Napoli, mọi người bình thường trên khắp hành tinh, trải qua nhiều thế hệ, đều có thể tìm thấy cảm hứng từ chính cuộc đời Maradona, một con người không bao giờ thỏa hiệp với hành trình dài quanh co đi tìm hạnh phúc.
Thường thì những ai phải lớn lên trong ngôi nhà xập xệ không điện nước, sau đó phải lăn lộn để kiếm tiền bằng mọi cách, từ mở cửa taxi, bán phế liệu, thu gom giấy bạc từ bao thuốc lá, khó tìm thấy cho mình một tương lai xán lạn. Maradona thì khác. Chết mòn trong mặc cảm hay sống để vươn lên, ông đã chọn lấy một. Sau đó bằng nghị lực hiếm có, đã thoát khỏi cuộc sống tồi tàn và nhiều cạm bẫy ở Villa Fiorito, vút bay trên đỉnh thế giới.
Nhưng Maradona vẫn chưa có hạnh phúc. Trở thành cầu thủ đắt nhất thế giới khi chuyển đến Barca, là người đầu tiên nhận được tràng vỗ tay tán thưởng tại Bernabeu từ các CĐV Real Madrid, được tôn dùng ở Napoli, hay lúc đánh bại người Anh bằng Bàn tay của Chúa cùng Bàn thắng thế kỷ trước khi vô địch World Cup cùng Argentina… Maradona đã sống trong vinh quang đó cùng với bóng ma chập chờn, của ma túy, rượu mạnh cùng những bữa tiệc thể xác.
Nó hủy hoại ông, hay ông tự hủy hoại mình? Sao cũng được, chỉ biết rằng Maradona bị đẩy khỏi đỉnh cao và rơi xuống vực thẳm của nỗi ô nhục. Chưa hết, ông tiếp tục phải trả giá cho tuổi trẻ sa đọa suốt nhiều năm sau khi đã giải nghệ.
Năm 2000 ông nhập viện khẩn cấp vì vấn đề về tim. Năm 2004, báo chí nói rằng ông đã cận kề cái chết và phải cắt một phần dạ dày. Năm 2007 ông lại cần chăm sóc đặc biệt vì viêm gan. Năm 2018, ông ngất xỉu trong lúc đang xem trận đấu giữa Argentina và Nigeria tại World Cup. Đầu năm 2019, ông bị chảy máu dạ dày.
Cho đến năm nay, ngay trước sinh nhật thứ 60, Maradona tuyên bố ông khỏe hơn bao giờ hết nhờ đã “học được cách yêu bản thân nhiều hơn”. Ông cũng nói rằng mình “đang rất hạnh phúc” để tận hưởng cuộc sống.
Có lẽ Maradona đã tìm thấy hạnh phúc thật sự mà ông muốn. Tiếc rằng nó đã không kéo dài mãi mãi như tình yêu mà cả thế giới dành cho Cậu bé Vàng.