Mang Tết ấm no đến với đồng bào nghèo vùng sâu, biên giới

NDO -

Khi Tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến gần cũng là lúc các cấp, các ngành tỉnh Kon Tum hoạt động “hết công suất” nhằm mục tiêu chăm lo Tết cho người dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa và khu vực biên giới, với quyết tâm không để người dân nào không có Tết.

Người dân xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum nhận gạo hỗ trợ Tết của Chính phủ.
Người dân xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum nhận gạo hỗ trợ Tết của Chính phủ.

Tết đến với người nghèo, em nhỏ vùng sâu, vùng xa

Tỉnh Kon Tum được phân bổ 91,35 tấn gạo từ nguồn gạo hỗ trợ của Chính phủ cho các địa phương để hỗ trợ cho nhân dân có nguy cơ thiếu đói dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021. Bốn địa phương của tỉnh Kon Tum được nhận gạo là huyện Đăk Hà, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông và Đăk Glei.

Cụ thể, huyện Đăk Hà có 11,64 tấn gạo để hỗ trợ cho 203 hộ với 776 khẩu; huyện Tu Mơ Rông có 17,88 tấn gạo để hỗ trợ cho 295 hộ với 1.192 khẩu; huyện Kon Rẫy có 9,63 tấn gạo để hỗ trợ cho 176 hộ với 642 khẩu và huyện Đăk Glei có 52,20 tấn gạo để hỗ trợ cho 986 hộ với 3.480 khẩu. Ngay sau khi được phân bổ, các địa phương tiến hành tiếp nhận và khẩn trương cấp cho các xã, thị trấn để triển khai hỗ trợ cho người dân.

Nhằm bảo đảm số gạo cứu trợ được đến đúng đối tượng, đủ định mức, UBND tỉnh Kon Tum giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giám sát và quán triệt các địa phương phải cấp phát gạo công khai, đúng quy định, đúng đối tượng, tuyệt đối không để sai sót và phải hoàn thành trước Tết, không để nhân dân thiếu đói vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Có mặt tại buổi cấp gạo cứu trợ Tết cho dân nghèo xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà, chúng tôi thấy, tất cả người dân đến nhận gạo đều nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Mọi người đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và giữ khoảng cách trật tự chờ đến lượt nhận gạo rồi về.

Chủ tịch UBND xã Ngọc Réo Phạm Thị Mây cho biết: Danh sách xét duyệt để cấp gạo cứu trợ là từ các thôn, làng bình xét rồi đưa lên UBND xã Ngọc Réo tổng hợp và đề xuất lên huyện xét duyệt. Sau khi được thống nhất, chính quyền địa phương dựa trên danh sách này để cấp phát trực tiếp cho từng hộ dân, bảo đảm phát đúng đối tượng, đủ định mức chứ không cào bằng. Ngay khi nhận gạo về, UBND xã liền thông báo bà con đến nhận, bảo đảm kịp thời, minh bạch, không để thất thoát.

Ông A Bảy (thôn Kon Dơn, xã Ngọc Réo) bộc bạch: Cả nhà tôi ba miệng ăn chỉ trông chờ vào mấy đám ruộng và vài sào mì, nhưng năm ngoái do ảnh hưởng của mưa bão nên ruộng thì bị bồi lấp, lúa không được thu, mì thì còi cọc nên cuộc sống rất khó khăn. Tết đến nơi mà trong nhà thiếu thốn trăm bề nên tôi rất lo lắng, chưa biết xoay xở ra sao. Thế nhưng, vừa rồi được chính quyền thông báo gia đình trong diện được Chính phủ cấp gạo hỗ trợ trong dịp Tết này nhằm bảo đảm ai cũng có Tết, tôi mừng lắm.

Vừa nhận 60kg gạo, chị Laoh (thôn Kon Rốc, xã Ngọc Réo) không giấu nổi niềm vui, chia sẻ: Hai vợ chồng em đều chăm chỉ làm ăn, nhưng ngặt nỗi con nhỏ lại thường xuyên đau ốm nên làm lụng mãi mà cũng không dành dụm, tích lũy được. Năm nay, trời lại không thương, mấy đám ruộng lúa khô hạn, thiếu nước không thể cấy được, còn đám mì thì bị sâu bệnh, thất thu nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Vừa rồi, em đã phải đi vay mượn của bà con làng xóm, càng sát Tết càng lo vì cuộc sống gia đình thật sự rơi vào túng thiếu. Đợt này, nhận được gạo cứu trợ, em mừng lắm, vậy là hơn một tháng nữa cả nhà em sẽ đủ gạo ăn, không phải lo nhiều nữa.

Càng đến những ngày gần Tết, trên các nẻo đường của tỉnh Kon Tum, càng có thêm nhiều đoàn xe “đưa Tết” đến với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Tại huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, nhiều chuyến xe tải chở lợn của CTCP Sâm Ngọc Linh Kon Tum vượt đoạn đường gần 200 km khó khăn, dốc núi hiểm trở đến tặng cho bà con sáu xã trong huyện là: Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Đăk Na và Văn Xuôi ăn Tết. Đây là những hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt mưa lũ trong năm 2020. Theo đó, đơn vị đã hỗ trợ 125 con lợn với tổng trọng lượng lợn hơi là 11 tấn. Đồng thời, trao tặng 400 suất quà Tết cho 60 hộ nghèo và 340 hộ dân liên kết trồng sâm của xã Măng Ri. Tổng kinh phí hỗ trợ lợn và tặng quà trong đợt này là 1,1 tỷ đồng.

Chị Y H'Lạng, thôn Pu Tá, xã Măng Ri cho biết vì đường xá xa xôi, đi lại khó khăn nên gần Tết thịt lợn tăng giá. Rất may bà con trong thôn được tặng lợn kịp thời để cải thiện bữa cơm ngày Tết và có thêm thịt gói bánh chưng.

Xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum thuộc diện đặc biệt khó khăn và cách thành phố Kon Tum khoảng 140km. Là một học sinh ngoan, học giỏi tại trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Đăk Nên, xã Đăk Nên được nhận quà Tết từ Chương trình “Tết ấm cho học sinh nghèo vùng cao” đón Xuân Tân Sửu 2021 do Báo Nhân Dân phối hợp với Công ty Điện lực Kon Tum, em Y Lan, dân tộc Xơ Đăng, học sinh lớp 5A vui vẻ cho biết:“Cháu thấy rất vui bởi vì các chú, các cô đã tặng cho cháu áo ấm. Cháu cảm ơn các chú, các cô rất nhiều. Cháu thấy mình đã có được áo ấm cháu sẽ học thật ngoan, thật giỏi, vâng lời bố mẹ và vâng lời anh chị”.

Theo thầy Lê Tấn Trường Anh, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Đăk Nên, trường có 17 lớp với 249 học sinh và tất cả các em đều là con em dân tộc thiểu số Xơ Đăng. “Các em học sinh ở đây vùng sâu, vùng xa rất khó khăn từ đôi dép đi, áo mặc hay là những vật dụng liên quan đến học tập của các em. Chương trình “Tết ấm cho học sinh nghèo vùng cao” đón Xuân Tân Sửu 2021 đến với các em là sự động viên rất lớn. Hôm nay, các anh đã đem đến cho các em ấm áp trong mùa đông giáp Tết. Thực sự đó là tấm lòng cao cả”.

Tết lên biên giới

Cùng với những xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, những ngày này ở 13 xã biên giới thuộc bốn huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy và Ia H’Drai của tỉnh Kon Tum cũng diễn ra nhiều hoạt động chăm lo Tết cho người dân.

Tại huyện Ia H’Drai, ngay trước thềm năm mới, UBMTTQ Việt Nam huyện đã trao bảy nhà đại đoàn kết với tổng trị giá 390 triệu đồng cho 7 hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Phó Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Huyện đã phân bổ trên 700 triệu đồng để chăm lo hỗ trợ Tết cho hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Rồi từ nhiều nguồn khác nhau hỗ trợ mỗi xã hơn 100 triệu đồng để tổ chức Tết chung cho người dân các thôn.

“Việc chăm lo Tết cho nhân dân trên địa bàn được chúng tôi đặc biệt quan tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương. Chúng tôi đang triển khai hết sức tích cực. Ngày hội bánh chưng xanh cũng được lồng ghép để làm sao thực sự đây là một Ngày hội gói bánh chưng xanh của khu dân cư. Tránh những trường hợp làm hình thức, chung chung không mang lại hiệu quả. Kết hợp với các đêm văn nghệ Xuân biên cương rồi mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới”, đồng chí Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm.

Lan tỏa tinh thần sẻ chia yêu thương chung tay chăm lo Tết cho người dân biên giới, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Kon Tum cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động trên suốt dọc tuyến biên giới dài trên 292km giáp nước bạn Lào và Campuchia.

Những “Tết ấm yêu thương”; trao nhà tình nghĩa; thi gói bánh chưng và làm các món ăn truyền thống; phiên chợ không đồng; hỗ trợ mô hình phát triển kinh tế của hội viên phụ nữ, trao học bổng cho học sinh, tặng quà dịp Tết… với tổng trị giá các chương trình khoảng 500 triệu đồng đã mang lại nhiều niềm vui Tết cho người dân nơi biên giới.

Chị Y Tháo, làng Grập, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy với niềm vui khi nhận được nhiều đồ dùng để sử dụng trong dịp Tết từ phiên chợ không đồng, chia sẻ: “Em được nhận mũ len với quần áo, bao tay, bánh quà với lại dầu gội đầu em vui lắm. Món quà này ý nghĩa, để mình đội trong mùa rét mình đi đâu mình cũng đội nó”.

Với quyết tâm không để hộ dân nào không có Tết, UBND tỉnh Kon Tum đã quyết định chi gần 11 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Theo đó, hơn 12.000 hộ nghèo của tỉnh trong Tết này được hỗ trợ mỗi hộ 600.000 đồng. Hơn 2.000 hộ nghèo theo tiêu chí thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản và hộ cận nghèo được hỗ trợ mỗi hộ 300.000 đồng.

Với quyết tâm của Đảng, Nhà nước “không để ai bị bỏ lại phía sau”, bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết. Những người dân nghèo, đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có hoàn cảnh khó khăn trên toàn tỉnh Kon Tum không còn phải thấp thỏm lo âu chuyện thiếu trước hụt sau vào những ngày Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2021. Niềm vui Tết đang lan tỏa khắp nơi.