Man United: Bao giờ trở lại vinh quang?

NDO - Ở mùa giải trước, Quỷ đỏ đã vô địch cúp Liên đoàn và giành được vị trí thứ 3 tại Premier League. Những tưởng đà thăng hoa này sẽ tạo nên động lực giúp đội bóng chuyển mình và phát triển rực rỡ hơn, nhưng tham vọng ấy đã gần như tan biến.
0:00 / 0:00
0:00
Man United chưa thể thoát khỏi cơn khủng hoảng. (Ảnh: Reuters)
Man United chưa thể thoát khỏi cơn khủng hoảng. (Ảnh: Reuters)

“Bia đỡ đạn” nhọc nhằn leo dốc

Tính đến vòng 34, khung thành của Onana đã phải "hứng chịu" khoảng 574 cú sút trúng đích ở Premier League mùa này. Chưa có đội bóng nào trong top 6 phải đón nhận nhiều pha dứt điểm như Man United. Nếu phân tích kỹ chỉ số này trong những mùa giải gần đây, chúng ta có thể mường tượng hoàn cảnh của Quỷ đỏ.

Từ mùa giải 2016-2017, có khoảng 15 đội bóng tại Premier League gặp phải vấn đề trên. Tám trong số đó đã phải xuống hạng. Không có bất kỳ tập thể nào "hứng chịu" trung bình 600 cú sút trúng đích một mùa "chen chân" qua nổi vị trí thứ 15.

Do còn tới năm trận chưa đá, Quỷ đỏ nhiều khả năng sẽ "vượt trội" hơn cả 15 đội bóng kia về số pha dứt điểm trúng đích phải đón nhận. Song, rất khó để Manu có thể tụt xuống vị trí thấp hơn trên bảng xếp hạng nhờ cách biệt về điểm số.

Trung bình, thủ môn Onana phải đón nhận 20 lần bắn phá mỗi trận từ phía đối thủ. Họ sẽ để lọt lưới một bàn sau khoảng 10 cú ra chân. Manu là đội bóng hiếm hoi nằm trong top 6 sở hữu hiệu số bàn thắng thua ở mức âm, và chỉ mới vươn lên +1 sau vòng đấu 34.

Man United: Bao giờ trở lại vinh quang? ảnh 1
Onana vất vả cản phá trong khung thành. (Ảnh: The Sun)

Xuyên suốt mùa giải này, người hâm mộ bóng đá cũng từng vô số lần bất ngờ khi đội bóng bằng một cách diệu kỳ nào đó vẫn đủ sức cạnh tranh dù liên tục bị thủng lưới nhiều hơn số bàn thắng ghi được. Điển hình như cuộc đọ sức mới đây với Coventry, Manu dù thắng tới 3-0 vẫn bất ngờ để đối thủ gỡ hòa 3-3 chỉ trong 24 phút cuối.

Theo thống kê trên tất cả đấu trường, Man United có 11 trận vươn lên dẫn trước các đối thủ tới hai bàn. Song, có tới ba trận họ không thể chiến thắng nhờ lợi thế ấy, chiếm 27,3%. Thành tích này chỉ hơn ba đội trong nhóm cầm đèn đỏ là Nottingham Forest (28,6%), Luton Town (40%) và Sheffield United (50%).

Cơn bão “chấn thương”

“Suốt 18 tháng qua (kể từ cuộc đụng độ Man City đầu năm ngoái), tôi chưa bao giờ có được đội hình mạnh nhất trên sân vì các cầu thủ liên tục gặp chấn thương. Điều đó khiến tôi lo lắng. Khi phải đối mặt quá nhiều tổn thất ở những vị trí quan trọng, bạn không thể mang lại kết quả như mong muốn”, Huấn luyện viên Erik Ten Hag than thở.

Trước thềm trận gặp Sheffield United vừa qua, đội 1 của Man United còn 16 cầu thủ, trong đó có đến ba thủ môn. Ở hàng phòng ngự, số lượng nhân sự chỉ còn ba người gồm Harry Maguire, Aaron Wan-Bissaka và Diogo Dalot. Đáng chú ý, Dalot và Wan-Bissaka đều là hậu vệ phải, và Maguire là trung vệ duy nhất có khả năng ra sân.

Man United: Bao giờ trở lại vinh quang? ảnh 2
Cặp trung vệ Casemiro (giữa) và Maguire (phải) là hậu quả của “cơn bão” chấn thương. (Ảnh: Reuters)

Tại khu trung tuyến, Casemiro, Sofyan Amrabat, Christian Eriksen, Kobbie Mainoo, Bruno Fernandes và Scott Mctominay là những cái tên có thể thi đấu. Trên hàng công, chỉ có Rasmus Hojlund, Antony, Alejandro Garnacho Amad Diallo vẫn còn lành lặn.

Thiếu hụt trung vệ, Huấn luyện viên Ten Hag buộc phải kéo Casemiro về đá cặp với Maguire. Trong khi đó, Dalot phải thi đấu trái sở trường nơi hành lang cánh trái và Wan-Bissaka đảm nhiệm vai trò phía cánh đối diện nhằm bảo đảm khả năng phòng ngự.

Trên hàng công, ông thầy người Hà Lan gần như không có sự lựa chọn. Ngoài Amad Diallo có thể thế chỗ Antony bên cánh phải, những Bruno, Garnacho và Hojlund đều phải gồng mình qua từng trận đấu.

Vì thế, Ten Hag buộc phải triệu tập các cầu thủ trẻ để làm dày băng ghế dự bị. Nhưng những măng non này chưa có nhiều kinh nghiệm thi đấu ở Ngoại hạng Anh, do đó cũng gây ra không ít khó khăn cho nhà cầm quân sinh năm 1970 trong việc lựa chọn nhân sự.

Có thể thấy, mùa giải của Man United đã bị “cơn bão” chấn thương tàn phá nặng nề. Tính đến hiện tại, chỉ Bruno Fernandes, Andre Onana, Diogo Dalot và Alejandro Garnacho có thể bảo đảm khả năng thi đấu thường xuyên.

Trận hòa 2-2 trước Bournemouth tại vòng 33 là lần tiếp theo - kể từ hai trận mở màn mà Quỷ đỏ giữ nguyên đội hình xuất phát. Theo thống kê từ Transfermarkt, những “bệnh binh” của Man United đã phải ngồi ngoài 1.710 ngày tính từ đầu mùa.

Lỏng lẻo vị trí “mỏ neo”

Sau một mùa giải thăng hoa, Casemiro lập tức đánh mất phong độ trong năm thứ 2 ở Man United. Tiền vệ 32 tuổi đã phải nhận bảy thẻ vàng và một thẻ đỏ trên mọi đấu trường.

Có thể kể đến hai nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Thứ nhất là những sai lầm cá nhân của đồng đội, buộc anh phải phạm lỗi vì hết phương án xử lý. Thứ hai là sự xuống sức khi đua tốc độ và tỳ đè đối phương. Cựu cầu thủ Real Madrid khi đó không còn cách nào khác phải ngăn chặn đối thủ bằng mọi giá.

Man United: Bao giờ trở lại vinh quang? ảnh 3
Casemiro đánh mất phong độ ở mùa giải này. (Ảnh: The Mirror)

Nhiều chuyên gia khẳng định Casemiro không còn theo kịp nhịp độ chơi bóng tại Anh. Bên cạnh sự suy giảm thể lực, anh cũng gặp vấn đề với các chấn thương.

Theo thống kê của Transfermarkt, trong mùa giải năm nay, tiền vệ người Brazil có quãng thời gian nghỉ thi đấu vì chấn thương dài nhất sự nghiệp (83 ngày - cao hơn lần nghỉ dài nhất trước đó ở mùa giải 2016-2017 tới 16 ngày).

Không những vậy, giới chuyên môn không hài lòng với phong cách thi đấu của anh. Theo cựu danh thủ Dwight Yorke, dù đảm nhận vị trí tiền vệ phòng ngự nhưng Casemiro lại quá ham dâng cao. Do đó, anh không thể lùi về hỗ trợ phòng ngự kịp thời.

Vốn được xem như chiếc “mỏ neo” trong lối chơi của Man United, sự sa sút của Casemiro kéo theo sự đổ gãy mang tính hệ thống. Thay vì được anh bọc lót, không ít lần các đồng đội phải rời vị trí để hỗ trợ tiền vệ này. Bên cạnh đó, mỗi khi cầu thủ số 18 bị vượt qua, hàng thủ Quỷ đỏ lập tức phải đối mặt với các pha phản công sắc bén.

Trong năm trận gần nhất trên mọi đấu trường, thầy trò Ten Hag phải chống đỡ tới 104 cú sút. Điều này đã nói lên sự thiếu hụt khả năng đánh chặn từ xa ở khu vực giữa sân.

“Premier League rất bùng nổ. Mọi thứ đều diễn ra với tốc độ 100 km/h. Vì thế, việc sở hữu một hàng tiền vệ thiếu năng lượng được xem là vấn đề lớn với Man United. Đó cũng là nguyên nhân khiến hàng thủ rơi vào rắc rối”, Rene Meulensteen – cựu trợ lý Huấn luyện viên của Quỷ đỏ chia sẻ.

Thiếu hụt nhân tố chủ lực

Theo lý giải của Ten Hag, những chấn thương của các cầu thủ trụ cột đã ảnh hưởng lớn đến toàn đội.

Ở vị trí hậu vệ trái, nhà cầm quân sinh năm 1970 mất cả Tyrell Malacia và Luke Shaw. Sự vắng mặt của Shaw tác động đáng kể đến khả năng triển khai lối chơi theo cách ông mong muốn.

Man United: Bao giờ trở lại vinh quang? ảnh 4
Shaw từng là phương án tấn công hiệu quả bên cánh trái. (Ảnh: Getty)

Cầu thủ số 23 có khả năng thực hiện các tình huống dâng cao chồng cánh. Đây được xem là vũ khí lợi hại khi sát cánh với những ngôi sao tấn công phía trên.

Khi chạm trán những hàng phòng ngự lùi sâu, các cầu thủ tấn công của Man United sẽ phối hợp với hậu vệ sinh năm 1995 để dâng cao khối đội hình. Họ cũng có thể tận dụng những bước chạy của anh để đánh lạc hướng hoặc loại bỏ đối phương. Khi đối thủ phải cắt cử người theo kèm Shaw, khoảng trống sẽ mở ra để các đồng đội đột phá vào trong và dứt điểm.

Không những thế, Ten Hag gần như không thể sử dụng Lisandro Martinez - cầu thủ có nhiều ảnh hưởng trong khả năng xây dựng lối chơi của ông. Vì chấn thương, cựu trung vệ Ajax chỉ ra sân vỏn vẹn 11 trận cho Man United trên mọi đấu trường.

Martinez sẽ giúp Man United cải thiện khả năng luân chuyển bóng từ tuyến dưới. Cầu thủ số 6 thực hiện nhuần nhuyễn phần việc này nhờ chiếc chân trái điêu luyện, kết hợp với tố chất dẫn bóng, nhãn quan chiến thuật tinh tế và sự chuẩn xác của những đường chuyền dài.

Khi trung vệ người Argentina gặp chấn thương, Ten Hag buộc phải sử dụng các cầu thủ thuận chân phải để trám vào vị trí của anh. Quá trình triển khai bóng từ phía sau bị ảnh hưởng, Manu cũng khó có thể tìm được sự cân bằng trong lối chơi.

Hơn thế, việc sở hữu một trung vệ có khả năng cầm bóng tốt cũng khiến hàng tiền vệ giảm bớt áp lực, cho phép họ thu hẹp khoảng trống và kiểm soát tốt khu vực giữa sân. Man United vừa xây dựng được các đợt tấn công từ tuyến dưới, vừa có thể cải thiện cấu trúc hàng tiền vệ. Nhờ đó, chất lượng phòng ngự cũng được cải thiện rõ rệt.

Man United: Bao giờ trở lại vinh quang? ảnh 5
Martinez (phải) không thể thi đấu thường xuyên ở mùa giải năm nay. (Ảnh: Reuters)

Ở khu trung tuyến, khả năng đóng góp của tân binh Mason Mount cũng bị ảnh hưởng đáng kể vì chấn thương. Gia nhập Man United từ mùa hè năm ngoái, cựu cầu thủ Chelsea mới thi đấu 17 trận, với 673 phút góp mặt trên sân.

Chấn thương của anh khiến Ten Hag không thể có cầu thủ để luân chuyển với Bruno, nhằm giảm gánh nặng cho cầu thủ này ở vị trí “số 8” - vị trí chủ chốt trong lối chơi của nhà cầm quân 54 tuổi. Bên cạnh đó, Mount còn có thể dâng cao để dồn ép và kéo dãn hàng thủ đối phương, tạo điều kiện cho đồng đội xâm nhập.

Các nhân tố chủ lực dính chấn thương, thủ lĩnh tuyến giữa cũng sụt giảm phong độ nghiêm trọng. “Hòn đá tảng” không còn cứng cáp, Man United tiếp tục bị khó khăn bủa vây qua từng trận đấu.

Song, hy vọng đang mở ra trong thời điểm này, khi Manu chào đón những nhà lãnh đạo mới.

Hy vọng hồi sinh từ "những đầu tàu mới"

“Các cổ động viên đã quá ngán ngẩm với mớ hỗn độn trong ban lãnh đạo Man United. 10 năm qua, đội bóng này không có nổi một Giám đốc Thể thao hay đội ngũ tuyển trạch có tâm. Sự xuất hiện của Sir Jim Ratcliffe sẽ đem đến nguồn năng lượng mới, cũng như sự đổi thay tích cực trong quá trình đưa ra quyết định của câu lạc bộ”, cựu danh thủ Gary Neville bày tỏ.

Man United: Bao giờ trở lại vinh quang? ảnh 6

Sir Jim Ratcliffe được kỳ vọng sẽ hồi sinh Man United. (Ảnh: Getty)

Kể từ mùa giải 2019-2020, Quỷ đỏ đã chi đến 776,2 triệu bảng cho các cầu thủ mới nhưng hiếm khi có được những bản hợp đồng tốt nhất. Đáng chú ý, số tiền này chỉ kém Chelsea (1,27 tỷ bảng).

Vào dịp lễ Giáng sinh năm ngoái, Sir Jim Ratcliffe - Chủ tịch tập đoàn INEOS đã hoàn tất hợp đồng mua lại 25% cổ phần Man United. Thương vụ này chính thức được đội chủ sân Old Trafford thông qua vào ngày 14/2, đồng nghĩa Ratcliffe chính thức nắm quyền kiểm soát các hoạt động bóng đá của Quỷ đỏ.

Sau hơn một tháng nhậm chức, tỷ phú người Anh lập tức tạo ra thay đổi trong nội bộ Man United. Với vị trí Giám đốc điều hành, ông quyết định bổ nhiệm Omar Berrada từ Man City để thay thế người tiền nhiệm Richard Arnold. Dự kiến, Berrada sẽ chính thức nắm quyền từ mùa hè tới.

Trước khi gia nhập đội chủ sân Old Trafford, Berrada đảm nhận vai trò Giám đốc vận hành mảng bóng đá của City Football Group - tập đoàn sở hữu Man City và một loạt câu lạc bộ khác trên toàn cầu.

Ông còn hợp tác chặt chẽ với Txiki Begiristain - Giám đốc bóng đá của Man City về các hoạt động chuyển nhượng. Đáng chú ý, Berrada cũng tham gia vào quá trình chiêu mộ Erling Haaland vào mùa hè năm 2022.

Không dừng lại ở đó, tuần trước, Man United tiếp tục thông báo chiêu mộ thành công James Wilcox từ Southampton. Việc bổ nhiệm Wilcox được thúc đẩy bởi Berrada, do hai người từng làm việc cùng nhau tại nửa Xanh thành Manchester. Gia nhập đội chủ sân Old Trafford, cựu danh thủ Blackburn sẽ thay thế Darren Fletcher trong vai trò Giám đốc kỹ thuật.

Ở Man United, Wilcox được giao nhiệm vụ thực hiện tầm nhìn bao quát về lối chơi, và bảo đảm quá trình này phải tập trung vào một phương pháp và bản sắc cụ thể. Vì thế, ông sẽ trực tiếp kiểm tra sự hiệu quả của Ten Hag trong quá trình huấn luyện, tầm nhìn, cách tiếp cận trận đấu và mối quan hệ với các cầu thủ.

Tiếp theo, Wilcox sẽ xác định nguyên nhân trong chuỗi phong độ bết bát của Man United mùa này thực sự xuất phát từ đâu: Do ảnh hưởng của chấn thương hay cách làm việc của nhà cầm quân người Hà Lan. Sau cùng, ông sẽ thống nhất với Giám đốc thể thao về phong cách chơi bóng và bắt đầu tuyển dụng cầu thủ.

Ngoài ra, Wilcox, Berrada và ban lãnh đạo sẽ đánh giá lại chất lượng của tất cả các cầu thủ đội một. Nhiều khả năng, Man United sẽ phải bán đi nhiều người trước khi nghĩ tới việc mang về những bản hợp đồng mới trong những kỳ chuyển nhượng sắp tới.

Man United: Bao giờ trở lại vinh quang? ảnh 7
Ashworth là mục tiêu hàng đầu của Man United. (Ảnh: The Irish Sun)

Không những vậy, để bảo đảm quá trình xây dựng kế hoạch chuyển nhượng và định hướng phát triển đội bóng trong dài hạn, Man United đang nỗ lực chiêu mộ Dan Ashworth. Ashworth có bề dày kinh nghiệm làm việc ở Đội tuyển Anh, cũng như đội bóng có tài chính eo hẹp như Brighton hoặc “đại gia” mới nổi như Newcastle.

Bên cạnh việc đưa Gareth Southgate lên làm “thuyền trưởng” Tam sư, ông đã khai phá Moises Caicedo, Leandro Trossard và Kaoru Mitoma, nâng tầm họ trở thành những cầu thủ đắt giá của Brighton. Gia nhập Newcastle cách đây hai năm, Ashworth đã giúp đội bóng này tái xuất Champions League sau hơn hai thập kỷ.

Ngoài ra, các cầu thủ như Alexander Isak, Anthony Gordon hay Sven Botman đang là những nhân tố chủ lực dưới thời Huấn luyện viên Eddie Howe. Họ đều được Ashworth mang về trong thời gian tại vị ở sân St James Park. Bên cạnh công tác chuyển nhượng, ông còn đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố hoạt động của học viện để bổ sung những tài năng sáng giá cho đội bóng.

Do đó, Man United rất kỳ vọng Ashworth sẽ giúp họ vạch ra hướng đi rõ ràng, cùng những bản hợp đồng chất lượng trong tương lai. Nhưng trước khi trông chờ sự hiện diện của người đàn ông này, Quỷ đỏ phải bảo đảm suất dự cúp châu Âu trong năm vòng đấu còn lại.

Họ chỉ hơn ba đội xếp sau là Newcastle, West Ham, Chelsea lần lượt từ ba đến sáu điểm và kém top 4 tới 13 điểm. Do đó, một tấm vé dự Europa League được xem là mục tiêu phù hợp nhất với Quỷ đỏ.

Quan trọng hơn cả, chức vô địch FA Cup cũng được xem như liều thuốc xoa dịu tinh thần của đội bóng, nhằm cứu vãn mùa giải đầy bất ổn.