Mặn mòi nước mắm cá đồng

Trong các loại nước chấm hiện nay, nước chấm công nghiệp đang khá phổ biến. Tuy vậy, đâu đó ở miền Tây Nam Bộ vẫn còn duy trì nghề làm nước mắm từ cá đồng truyền thống. Không ít người yêu thích sử dụng loại nước mắm này trong bữa ăn vì hương vị đậm đà.
0:00 / 0:00
0:00
Nước mắm cá đồng truyền thống được đóng chai thành phẩm.
Nước mắm cá đồng truyền thống được đóng chai thành phẩm.

Miền Tây Nam Bộ nói chung, tỉnh Hậu Giang nói riêng, là vùng đất có nhiều sông, rạch với sản vật trù phú. Trong đó, cá đồng là nguồn thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày của người dân vùng sông nước này và mang lại nguồn lợi dồi dào từ những sản phẩm được chế biến từ cá đồng, chẳng hạn như nước mắm.

Nước mắm cá đồng từng là gia vị không thể thiếu trong gian bếp của các bà nội trợ xưa ở miền Tây Nam Bộ. Giờ đây, dù nước mắm cá đồng không còn thông dụng nhưng vẫn chiếm một vị trí đặc biệt trong ký ức của những ai lớn lên từ miền quê này.

Hiện, nguồn cá đồng dù không còn dồi dào như xưa nhưng vẫn đủ để mang lại đời sống kinh tế bền vững cho những người biết tận dụng từ lợi thế của thiên nhiên. Nhằm góp phần gìn giữ, phát huy nét đẹp truyền thống của nền ẩm thực dân tộc, đồng thời tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào từ cá đồng (cá lóc, cá sặc rằn, cá rô…) của quê hương, cơ sở sản xuất nước mắm cá đồng Thảo Nguyên ở ấp 3, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang đã khởi nghiệp và duy trì sản xuất, được thị trường tin tưởng sử dụng loại nước mắm truyền thống này từ năm 2014 đến nay.

Theo bà Lê Thị Trường Hận, chủ cơ sở sản xuất nước mắm cá đồng Thảo Nguyên, sau khi chọn những con cá đồng lớn để làm mắm, số cá vụn còn lại sẽ là nguồn nguyên liệu để làm nước mắm. Cá làm nước mắm được chọn lựa từ các loại cá đồng tươi sống, được sơ chế thật sạch, ủ muối, phơi nắng cho đủ ngày rồi đem đi nấu. Làm nước mắm cá đồng truyền thống đòi hỏi sự khéo léo, kinh nghiệm của người thợ, tốn khá nhiều thời gian. Để cho ra một lô nước mắm cá đồng phải mất từ 9-12 tháng và đòi hỏi quy trình nghiêm ngặt để có mùi vị, mầu sắc đẹp nhất. Nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu làm nước mắm truyền thống, cơ sở Thảo Nguyên đã liên kết tiêu thụ cá đồng thịt cho người nuôi và đánh bắt trong, ngoài địa phương. Cơ sở này giải quyết việc làm cho 5-6 phụ nữ ở địa phương với mức thu nhập ổn định và thường xuyên từ 200.000-300.000 đồng/người/ngày.

Mỗi năm, cơ sở nước mắm cá đồng Thảo Nguyên sản xuất hơn 2.000 lít, được bán lẻ tại cơ sở và bỏ sỉ tại nhiều cửa tiệm, nhà hàng, quán ăn,... trong và ngoài tỉnh Hậu Giang.

Bà Lê Thị Trường Hận chia sẻ: “Chúng tôi rất vui và tự hào khi sản phẩm đạt giải khuyến khích tại cuộc thi khởi nghiệp của phụ nữ tỉnh Hậu Giang năm 2024 vừa được tổ chức. Qua cuộc thi, không chỉ quảng bá nghề làm nước mắm truyền thống của địa phương, về một sản phẩm an toàn từ nguồn nguyên liệu tự nhiên mà còn tạo điều kiện giúp các hội viên có việc làm, cải thiện kinh tế gia đình cũng như tạo đầu ra ổn định cho nguồn cá đồng tại chỗ, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương”.

Theo ông Mai Hoàng Hiếu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, với nhiều ưu điểm, sản phẩm nước mắm cá đồng của cơ sở Thảo Nguyên được địa phương chọn dự thi dự án khởi nghiệp của phụ nữ cấp tỉnh vì dễ nhân rộng do chủ yếu sản xuất thủ công, trang thiết bị truyền thống nên không đòi hỏi nhiều vốn đầu tư. Với nghề này, hội viên phụ nữ dễ tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm nếu muốn khởi nghiệp làm chủ cơ sở sản xuất.

Thời gian tới, địa phương sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để cơ sở Thảo Nguyên đăng ký sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, trở thành một trong những địa chỉ làng nghề truyền thống của địa phương, phục vụ du khách khi đến Hậu Giang…■