Mâm ngũ quả

NDO - Tết Trung thu không thể thiếu được mâm ngũ quả. Ngũ quả là 5 loại quả, thường không thể thiếu những thức quả mùa thu đặc trưng như chuối, bưởi, bòng, na, hồng đỏ, hồng ngâm, thị…. Mâm ngũ quả thường bày cùng với bánh Trung thu, các con vật hoặc hoa lá được tỉa từ trái cây hay một số loại củ như cà rốt, củ cải, đu đủ xanh… Có nhà cầu kỳ bày thêm đĩa cốm đặt trên lá sen.
0:00 / 0:00
0:00
Mâm ngũ quả của một gia đình khá giả ở Hà Nội. (Ảnh trong bộ sưu tập của nhà sử học Dương Trung Quốc)
Mâm ngũ quả của một gia đình khá giả ở Hà Nội. (Ảnh trong bộ sưu tập của nhà sử học Dương Trung Quốc)

Sách “Việt Nam phong tục” của soạn giả Phan Kế Bính liệt kê khá cụ thể những món đồ ăn trong dịp Tết Trung thu: “Ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt. Đầu cỗ là bánh mặt giăng, và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sắc sặc sỡ xanh, đỏ, trắng, vàng. Con gái hàng phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa nọ hoa kia, nặn bột làm con tôm, con cá coi cũng đẹp”.

Những món đồ trang trí trong mâm cỗ Trung thu hầu hết đều được những người phụ nữ trong gia đình tự tay làm từ hoa quả, bánh trái…

Sách “Hội hè lễ tết của người Việt” của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên viết: “Tết được chuẩn bị từ hai ba tháng trước. Tất cả các cô gái trong gia đình đều bắt tay vào việc làm ra những vật tí xíu dưới sự chỉ dẫn của bà mẹ. Với các quả cây, các cô làm những bông hoa hồng, hoa nhài, bông sen… Những cô gái khác làm hoa bằng giấy, bằng lụa, nhung… Những cô gái khác nữa gọt bằng bột nhuộm nhiều màu những con cá, tôm, tôm hùm, những con vật hoang đường và những cây hiếm có”.

Một mâm cỗ Trung thu trong một gia đình người Việt thập niên 1940 được mô tả như sau: “Một chiếc bàn được kê giữa nhà. Chiếc bàn được biến thành một khu rộng có tường bao quanh, trong đó có cung điện, vườn, đền chùa và có những cảnh sinh hoạt hoang đường và lịch sử được dựng lại với những đồ vật bằng giấy, bằng bột và quả cây.

Và tất cả những vật đó được trình bày giữa vô số những quả trứng nhuộm ngũ sắc, biểu tượng của khả năng sinh sôi nảy nở, các quả dừa được biến thành những con thỏ hiền lành và nhút nhát, những con sư tử và kỳ lân lởm chởm lông làm bằng quả bưởi đã bóc vỏ, các bó mía màu thẫm đẹp, biểu tượng của sự sum họp lứa đôi bền vững, những hiếc bánh dẻo và bánh nướng tiêu biểu cho mặt trăng với đàn thỏ, con cóc hay hai con rồng cuộn quanh vì tinh tú lớn ban đêm…

Phòng lớn được thắp những đèn lồng hình con cá, hình những đèn kéo quân tả những chiến trận lừng danh, những cảnh lịch sử, cảnh một vị anh hùng tiến vào một tòa thành, hay một nhà sư đang tụng kinh trước bàn thờ Phật…”

Mâm ngũ quả ảnh 1

Mâm ngũ quả hiện đại tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Ngày nay, cùng với sự sáng tạo được lưu truyền và phát huy qua nhiều thế hệ, mâm cỗ Trung thu được trình bày với rất nhiều hình tượng con vật làm từ trái cây khác nhau như chuột Mickey từ quả bưởi, con cóc làm từ quả su su, con lật đật từ bưởi và cam, con nhím làm từ quả nho và quả lê, con cá từ quả thanh long, cua, bươm bướm làm từ táo…

Nhiều nơi bày cỗ Trung thu cầu kỳ còn ghép các loại hoa quả thành hình rồng, phượng, hoặc tỉa rau củ quả thành hình trang trí, điêu khắc dưa hấu thành những bức tranh rất đẹp.