Kỷ niệm 77 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945-23/9/2022)

Mãi xứng đáng là “Thành đồng Tổ quốc”

77 năm đã trôi qua, những nhân chứng của một thời Nam Bộ kháng chiến ngày càng thưa vắng. Trên vùng đất lịch sử năm xưa, cảnh vật và con người cũng đã đổi khác. Nhưng tinh thần của những tháng ngày lịch sử Nam Bộ kháng chiến vẫn sống mãi, nhắc nhở chúng ta về một giai đoạn quật khởi, bất khuất của vùng đất Nam Bộ-Thành đồng Tổ quốc...
0:00 / 0:00
0:00
Họp mặt truyền thống Chợ Lớn-Trung Huyện. (Ảnh tư liệu)
Họp mặt truyền thống Chợ Lớn-Trung Huyện. (Ảnh tư liệu)

Chợ Lớn-Trung Huyện xưa là vùng đất hoang sơ, sình lầy, kênh rạch dày đặc, nằm giữa khu Sài Gòn-Gia Định và vùng nông thôn Tân An (Long An). Hiện nay, địa bàn này là các huyện Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa, Đức Huệ (tỉnh Long An) và huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, các quận 5, 6, 8, 10, 11 (Thành phố Hồ Chí Minh). Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lần lượt các tổ chức Đảng được thành lập ở Chợ Lớn-Trung Huyện. Nhiều quần chúng tích cực sớm giác ngộ cách mạng rồi trở thành những “hạt giống đỏ”, những chiến sĩ cộng sản tham gia đánh đuổi kẻ thù xâm lược...

Theo đồng chí Nguyễn Đô Lương, Trưởng Ban Liên lạc truyền thống Chợ Lớn-Trung Huyện, ngay những ngày đầu kháng chiến chống Pháp vào đầu thế kỷ 20, những người “mến nghĩa mà làm quân chiêu mộ” của vùng đất Chợ Lớn-Trung Huyện đã sớm có mặt trong những đội nghĩa binh chống xâm lược như Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Trí, Hầu Voi, Bộ Ngộ, Ba Húng,...

Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lần lượt các tổ chức Đảng được thành lập, nhiều quần chúng tham gia các cao trào cách mạng và những trận đánh kết hợp quân-dân chống các cuộc càn quét lớn của thực dân Pháp, như: Trận Quéo Ba-Ba Thu ở Đức Huệ; trận Láng Le-Bàu Cò ở Bình Chánh; trận Vườn Thơm-Bà Vụ ở Bến Lức; trận Hựu Thạnh ở Đức Hòa; trận đánh Bót Côm-man-đô ở Gò Đen,... Những mốc son ghi dấu chiến công tại vùng đất Chợ Lớn-Trung Huyện luôn có sự đóng góp tích cực của Chi đội 15, Trung đoàn 308 Nguyễn An Ninh.

Đồng chí Huỳnh Thị Minh Tâm, Phó Ban Liên lạc truyền thống Chợ Lớn-Trung Huyện là con gái đồng chí Huỳnh Văn Một, Chi đội trưởng Chi đội 15, Trung đoàn 308 Nguyễn An Ninh, hồi tưởng về cha mình: “Cha tôi kể, khi tiếng súng đang nổ ran tại nhiều nơi trong thành phố, sáng 23/9/1945, ông và các đồng chí đã tập họp lại sau Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ. Từ đó đến khi thành lập chính thức vào ngày 14/5/1948, Xứ ủy Nam Bộ đã nâng cấp biên chế từ Chi đội 15 lên thành Trung đoàn 308 Nguyễn An Ninh với địa bàn hoạt động trên toàn tỉnh Chợ Lớn-Trung Huyện.

Tôi còn giữ lại được hình cha mình là Trung đoàn trưởng Huỳnh Văn Một, ngoài ra có Trung đoàn phó Nguyễn Văn Quợt (còn gọi là Nguyễn Văn Hượt), Chính trị viên Nguyễn Văn Truyện. Thời điểm này, Trung đoàn cùng quân và dân quận 8 đã có những trận đánh oanh liệt tại mặt trận cầu Nhị Thiên Đường vào tháng 11/1945, góp phần giữ vững tuyến phòng thủ và đánh bại cuộc phản công xâm lược của thực dân Pháp, buộc chúng phải rút về thành Ô Ma và đồn Cây Mai”.

Đồng chí Nguyễn Đô Lương kể, Trung đoàn 308 Nguyễn An Ninh lúc này có ba tiểu đoàn, gồm: Tiểu đoàn 922 do đồng chí Trương Văn Bang làm Tiểu đoàn trưởng; Tiểu đoàn 923 do đồng chí Nguyễn Văn Bào là Tiểu đoàn trưởng; Tiểu đoàn 924 do đồng chí Hồng Son Đỏ chỉ huy. Trung đoàn 308 Nguyễn An Ninh còn có hai đại đội pháo binh, một đại đội công binh đặc công, bốn đội biệt động và một trung đội nữ binh do đồng chí Dương Thị Huê làm Trung đội trưởng. Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, thử thách, gian khổ, nhưng họ luôn chiến đấu quả cảm, anh dũng cho đến ngày thắng lợi cuối cùng. Từ đó, khi nhắc đến tên Chi đội 15-Trung đoàn 308 Nguyễn An Ninh là nức lòng nhân dân Chợ Lớn-Trung Huyện, còn kẻ thù thì hoang mang, khiếp sợ.

Ngày 23/9/1945 đã đi vào lịch sử - Ngày Nam Bộ kháng chiến, mở đầu cho chín năm kiên cường kháng chiến chống thực dân Pháp. Với sự kiên cường, bất khuất, quân và dân Sài Gòn-Chợ Lớn (Trung Huyện)-Gia Định nói chung đã nêu cao ý chí Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, chiến đấu anh dũng, kìm chân, tiêu hao nhiều sinh lực địch, khiến quân Pháp bị động, tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ chuẩn bị lực lượng kháng chiến khi quân Pháp mở rộng chiến tranh...

Vùng đất, con người, truyền thống lịch sử hào hùng đã hòa quyện tạo nên hồn cốt rất riêng cho cuộc sống nơi đây. Nếu năm xưa Nam Bộ thành đồng dũng cảm, quyết chiến với quân xâm lược bằng tất cả vũ khí có trong tay, sẵn sàng xả thân vì đất nước thì hiện nay chính quyền và người dân địa phương đang nỗ lực tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xây dựng đời sống văn hóa. Trong xây dựng và phát triển, hiện các quận, huyện thuộc vùng Chợ Lớn-Trung Huyện (cũ) đã duy trì tốt tốc độ tăng trưởng kinh tế theo đúng định hướng và tăng dần tỷ trọng các ngành kinh tế chủ lực của địa phương trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học-công nghệ.

Nhiều địa phương thu ngân sách vượt hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch được các đơn vị thực hiện kịp thời và đầy đủ, đúng định hướng phát triển của quận, huyện và phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An. Điển hình là việc quy hoạch và phát triển Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền tại quận 8 với quy mô lớn nhất khu vực phía nam; khu công nghiệp PouYuen; khu công nghiệp Đức Hòa, Bến Lức,...

Bên cạnh đó, Chương trình giảm nghèo bền vững, đa chiều được các quận, huyện triển khai đồng bộ, với nhiều giải pháp như giải quyết việc làm, dạy nghề, hỗ trợ vay vốn, vật nuôi, cây trồng, trao tặng phương tiện sinh kế,... cho người dân. Công tác chăm lo thực hiện chính sách người có công với cách mạng luôn được quan tâm thực hiện thường xuyên, bảo đảm đủ các chế độ theo quy định, không để hộ chính sách, người có công trong diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đặc biệt, các quận 5, 6, 10, 11 và Bình Tân không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020.

Các địa phương đều ưu tiên bố trí ngân sách để đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất và trang, thiết bị cho các trường học theo hướng tiên tiến, hiện đại. Các cơ sở y tế tại các quận, huyện không ngừng nâng cao chất lượng khám và điều trị, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân. Việc đưa vào hoạt động Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tại huyện Bình Chánh có quy mô 1.000 giường bệnh với tổng mức đầu tư 4.500 tỷ đồng đã góp phần chăm lo sức khỏe của nhân dân trong khu vực ■

Chiều 23/9/1945, người dân Sài Gòn-Chợ Lớn (Trung Huyện)-Gia Định tổ chức 6.500 chiến sĩ bám trụ tại các vị trí chiến đấu chống lại thực dân Pháp. Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ chia ra năm mặt trận: Mặt trận Nội thành và bốn mặt trận chung quanh nội đô (gồm Thị Nghè; Bà Điểm-Tham Lương; Phú Lâm; Nhà Bè-Cần Giuộc). Mỗi mặt trận bố trí các đơn vị vũ trang, được bổ sung quân số và trang bị thêm vũ khí, chuẩn bị mọi mặt, phối hợp chặt chẽ với các tầng lớp đồng bào nổi dậy. Các đội tự vệ chiến đấu nhanh chóng được thành lập. Chỉ trong thời gian ngắn, ta tổ chức 320 đội tự vệ chiến đấu, bố trí 16 khu vực tác chiến...