Mùa dâu chín dưới đỉnh Tà Xùa
Huyện miền núi Mai Sơn cách trung tâm thành phố Sơn La khoảng 40km về phía bắc. Nói đến Mai Sơn, mọi người thường nghĩ đến na bởi na Mai Sơn rất ngon. Chúng tôi tới xã Cò Nòi, nơi gắn liền với Di tích lịch sử quốc gia Ngã ba Cò Nòi và thời kỳ chiến đấu oanh liệt của lực lượng thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954).
Ngã ba Cò Nòi là điểm nối giữa đường số 41 (quốc lộ 6) và đường số 13 (quốc lộ 37) từ Sơn La đi Hà Nội, con đường huyết mạch phục vụ cho chiến dịch Ðiện Biên Phủ, hàng trăm thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh. Năm 2002, Ðài tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong được tỉnh Sơn La khánh thành và đưa vào sử dụng. Năm 2004, Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia.
Ðến Ngã ba Cò Nòi với tâm trạng xúc động, chúng tôi rẽ vào con đường đi huyện Bắc Yên. Con dốc quanh co dài chừng 5km dẫn chúng tôi đến Hợp tác xã Dâu tây Xuân Quế. Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Văn Nam đưa chúng tôi tham quan vườn dâu nằm cách không xa trụ sở. Anh rất háo hức muốn giới thiệu ngay thành quả lao động của các thành viên hợp tác xã.
Chúng tôi dừng chân bên vườn dâu tây Bình Thúy của chủ hộ sản xuất Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dâu tây Xuân Quế. Nhìn từ ngoài đường vào thấy một mầu xanh bạt ngàn, phủ khắp các ngọn đồi khiến những ngôi nhà nằm xen kẽ trở nên nhỏ bé hơn. Hình ảnh này hoàn toàn khác với những gì chúng tôi thấy ở các vườn dâu tây dành cho khách du lịch tham quan và hái mang về ở Mộc Châu hay Ðà Lạt (Lâm Ðồng). Lấp ló dưới tán lá xanh rậm rạp là những quả dâu tây đủ kích cỡ, đủ sắc đỏ ngọt ngào. Khom người, ngắt từng quả dâu đỏ tươi, căng mọng đưa lên ngắm nghía rồi cắn nhẹ. Vị ngọt đậm của trái chín đang vào mùa thấm dịu nơi đầu lưỡi. Thế mới hiểu vì sao khách du lịch vẫn thích hái, ăn quả tại vườn hơn là ăn ở nhà.
Theo anh Nam, hiện tại mỗi ngày Hợp tác xã Dâu tây Xuân Quế thu hoạch sáu đến bảy tấn quả trên diện tích 30ha. Nếu tính cả xã Cò Nòi với diện tích 200ha, sản lượng một ngày sẽ vào khoảng 40 tấn. Tính từ đầu mùa (tháng 12/2022) đến đầu tháng 3/2023, xã đã thu hoạch 1.200 tấn dâu tây. Giờ đang là giữa vụ; nếu năng suất thu hoạch được duy trì đến hết tháng 4, khả năng Cò Nòi đạt sản lượng 2.000 tấn dâu tây/năm là hoàn toàn có thể, mặc dù huyện chỉ ước tính con số này từ 1.600 đến 1.700 tấn.
Vì sao dâu tây Xuân Quế đạt sản lượng cao và chất lượng tốt như vậy? anh Nam cho biết: Lợi thế cho dâu tây đạt sản lượng cao là vì ở Cò Nòi có nhiều sương mù. Do nằm ở độ cao 700-800m so với mực nước biển, khí hậu ôn hòa, rất phù hợp cho dâu tây phát triển. Ðặc biệt, Cò Nòi nằm gần đỉnh Tà Xùa cao 2.650m thuộc huyện Bắc Yên, thời tiết mát mẻ quanh năm. Núi Tà Xùa là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Sơn La và Yên Bái nhưng nếu tính theo đường chim bay, Cò Nòi chỉ cách đỉnh Tà Xùa khoảng 12km.
Vì thế, như anh Nam giải thích, vào ban đêm, luồng khí lạnh từ Tà Xùa tràn về, nhưng sáng sớm, mây bồng lên, nhiệt độ tăng cao, giúp dâu tây sinh trưởng, phát triển, ra quả đỏ đều, ngọt đậm trong điều kiện thời tiết ngày nắng, đêm lạnh. Quan trọng không kém, dâu tây trồng ở Cò Nòi hay Mộc Châu là giống dâu tây chịu nhiệt Tochiotome của Nhật Bản hay còn gọi là dâu tây Hana được đặt theo tên Nahana Shojiro, kỹ sư người Nhật Bản đã mang giống Tochiotome từ vùng Tochigi đến Việt Nam năm 2012 và trồng thử nghiệm ở Mộc Châu.
Ðóng gói sản phẩm dâu tây tại Hợp tác xã Dâu tây Xuân Quế, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn. (Ảnh NGUYỄN ÐĂNG) |
Cây làm giàu cho người dân vùng cao
Theo ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, xã Cò Nòi có địa hình tương đối phức tạp, mang nét đặc trưng của vùng núi Tây Bắc với những dãy núi đá xen lẫn đồi. Cò Nòi có nhiều ưu thế để hình thành vùng sản xuất nguyên liệu với quy mô tập trung theo hướng hàng hóa và cơ cấu đa dạng, gồm phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, cây màu, chăn nuôi và trồng rừng.
Tuy nhiên, một thời gian dài, người dân nơi đây vẫn loay hoay giữa việc chọn cây trồng gì phù hợp để cố gắng thoát nghèo, chứ chưa nói đến việc làm giàu. Họ vẫn trồng mận, xoài, nhãn và một số cây phổ thông khác nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Thậm chí, như trường hợp gia đình anh Nam, năm 2016, anh thua lỗ khá lớn khi chăn nuôi lợn do chưa có kinh nghiệm. Trong lúc hoang mang chưa biết phải làm gì thì may mắn có một người bạn khuyên anh chuyển sang trồng dâu tây. Anh đã thử nghiệm, năm đó, gia đình anh thu lãi khoảng 600 triệu đồng. Ðến năm 2017, hưởng ứng Quyết định số 105/QÐ-TTg về việc công nhận Ðiều lệ Liên minh hợp tác xã Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ, anh Nam quyết định thành lập Hợp tác xã Dâu tây Xuân Quế, tập trung sản xuất một số sản phẩm như dâu tây, rau và cây ăn quả.
"Vạn sự khởi đầu nan", và cũng phải mất gần một năm sau, bước ngoặt mới đến với anh Nam và quả dâu tây Cò Nòi. Ban đầu, anh và hợp tác xã đưa dâu tây giống Mỹ đá vào trồng nhưng không phù hợp, quả lại chua. Rồi đến giống dâu tây của Hàn Quốc, mẫu mã đẹp nhưng mềm, khó tránh khỏi dập nát khi vận chuyển. Ðó là chưa kể trong những năm đầu, họ gặp nhiều khó khăn khi chưa có kinh nghiệm trồng nên cây nhiễm bệnh. Những lúc này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đều cử người xuống giám sát kỹ thuật, hướng dẫn các thành viên hợp tác xã cách nhận biết và chữa trị cho cây.
Tuy vậy, do giống dâu tây Mỹ đá và Hàn Quốc không phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu ở Cò Nòi, một lần nữa anh Nam lại phải đau đầu tìm hướng đi mới cùng các thành viên. May mắn, anh gặp được kỹ sư người Nhật Bản Nahana Shojiro tại một cuộc họp ở Mộc Châu. Nahana Shojiro đã thành công trong việc trồng thử nghiệm giống dâu tây Tochiotome ở Mộc Châu. Nhưng do cái tên này dài, Nam và những người dự họp đã xin phép kỹ sư người Nhật Bản đặt tên giống dâu tây là Hana cho dễ nhớ.
So với dâu tây Hàn Quốc, dâu tây Ðà Lạt, dâu tây Hana có vị ngọt đậm, mọng nước, dễ trồng và cho năng suất cao. Theo anh Nam, ở Cò Nòi, có những mảnh đất mà cây sả không mọc được thì dâu tây Hana lại mọc được bởi nó chỉ cần đất sạch, không cần đất màu. Cũng nhờ đó, diện tích dâu tây của Hợp tác xã Dâu tây Xuân Quế ban đầu chỉ có 5ha thì bây giờ là 30ha. Ngoài ra, hợp tác xã còn liên kết sản xuất với một số hộ nông dân ở xã Ðông Sang, huyện Mộc Châu, qua đó nâng diện tích lên 60ha. Toàn bộ diện tích đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, bởi vậy, dâu tây trên các vườn của hợp tác xã rất sạch, có thể ăn trực tiếp tại chỗ.
Nếu tính mỗi héc-ta, sau khi trừ chi phí sẽ lãi khoảng 300-350 triệu đồng. Dâu tây Hana đã trở thành loại cây trồng có giá trị kinh tế cao tại Mai Sơn. Vào mỗi vụ thu hoạch, Hợp tác xã Dâu tây Xuân Quế giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động, chủ yếu là người dân tộc thiểu số lúc nông nhàn. Theo anh Nam, mặc dù việc tỉa, hái, đóng gói đều thủ công nhưng công việc này nhẹ nhàng, phù hợp các lứa tuổi.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn Nguyễn Khắc Hào, Hợp tác xã Dâu tây Xuân Quế được xem là một trong những hợp tác xã hạt nhân của Cò Nòi. Hợp tác xã có thể cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm trên địa bàn. Hiện dâu tây Xuân Quế chủ yếu được tiêu thụ ở thị trường trong nước, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng về lâu dài, anh Nam và các thành viên hợp tác xã đặt mục tiêu đưa dâu tây Cò Nòi vươn ra thị trường quốc tế... Ngoài sản lượng dâu tươi, Hợp tác xã Dâu tây Xuân Quế có cơ sở cấp đông tại vùng sản xuất và một kho cấp đông tại quận Long Biên (Hà Nội) để thuận tiện cho việc vận chuyển và tiêu thụ. Dâu tây cấp đông được dùng để sản xuất, chế biến rượu, si-rô, sấy dẻo, phục vụ chủ yếu cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang Nga, Thái Lan.
Lẽ thường, khi đầu ra đang tốt, một người làm kinh doanh như anh Nam có thể nghĩ đến việc mở rộng diện tích vùng sản xuất. Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề này, anh Nam cho biết, trước mắt Hợp tác xã Dâu tây Xuân Quế sẽ tập trung nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu. Nếu làm tốt hai điều này, việc họ mở rộng phát triển sau này là đương nhiên. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn Nguyễn Khắc Hào chia sẻ thêm, quan điểm của huyện là giữ nguyên diện tích 11.000ha cây ăn quả, trong đó có dâu tây. Ðịa phương sẽ tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, xây dựng thương hiệu tốt cho cây trồng.
Ðúng là nếu không làm tốt, sản phẩm của Hợp tác xã Dâu tây Xuân Quế không thể có chỗ đứng trên thị trường trong những năm qua và trên những vườn dâu tây ở bản Xuân Quế, chúng tôi sẽ không thể bắt gặp được hình ảnh cả một gia đình người H’Mông tham gia hái, vận chuyển, đóng gói và nụ cười rạng rỡ trên gương mặt của các thành viên Hợp tác xã Dâu tây Xuân Quế. Ðất đã chọn cây, cây đã không phụ công người! Ở Cò Nòi, mùa này sắc đỏ của những vườn dâu đang mang lại ấm no cho bao người dân nơi đây.