Giải năm ngoái, tay vợt Trần Mai Ngọc đã gây sốc khi lọt vào tới trận chung kết đơn nữ ở tuổi 15, tái lập kỳ tích của tượng đài Nhan Vi Quân 31 năm trước. Chính từ bệ phóng ấy, cô bé trở thành tuyển thủ trẻ nhất của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 30.
Tại Giải vô địch bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân 2020, Mai Ngọc cùng với đàn anh Đinh Anh Hoàng được dự báo sẽ tỏa sáng, đủ sức tranh chấp sòng phẳng với các đối thủ hàng đầu.
Đến giờ, giới chuyên môn cùng người hâm mộ vẫn còn giữ nguyên ấn tượng đặc biệt về hành trình Trần Mai Ngọc đã vụt biến thành hiện tượng tại Giải vô địch toàn quốc Báo Nhân Dân 2019, cuộc đấu mà vào giờ chót cô bé 15 tuổi mới được giao vai “kép chính” thay thế cho Nguyễn Thị Nga vắng mặt.
Tay vợt 15 tuổi đã góp công lớn giúp Câu lạc bộ Hà Nội T&T đoạt tấm huy chương bạc đồng đội nữ, là chủ lực cùng Phạm Thị Thu Hương đứng thứ nhì đôi nữ, và tỏa sáng bằng sự xuất sắc khó tin với ngôi Á quân đơn nữ. Trong đó, bước ngoặt đối với thiếu nữ quê Bình Dương là cuộc lội ngược dòng ngoạn mục, hạ gục nhà đương kim Á quân Diệu Khánh với tỷ số 4-2 ngay ở vòng 32.
Chiến thắng ấy đã mang tới cho Ngọc sự tự tin và tinh thần quyết thắng cao độ, để rồi tiếp tục vượt qua các “đàn chị”, thậm chí “đàn cô” như Nguyễn Thảo Nguyên, Vũ Thị Hà, Nguyễn Bạch Thanh Thư theo các cách khác nhau, giành quyền vào chơi trận chung kết.
Điều đáng nể, tất cả trận thắng của Ngọc, kể cả trước các đối thủ được đánh giá cao hơn nhiều, tưởng như bất ngờ nhưng thực tế đều rất thuyết phục và xứng đáng, mà ở đó tay vợt trẻ luôn thể hiện được ý đồ chiến thuật, lối chơi biến hóa cùng bản lĩnh thi đấu hiếm có.
Ngay cả trận chung kết trước đối thủ lớn Mai Hoàng Mỹ Trang, tuy không thể làm nên đột biến, Mai Ngọc vẫn cho thấy tinh thần chiến đấu, cùng những pha tấn công ghi điểm, trả bóng phản công chất lượng và có nét riêng.
Theo HLV Đội tuyển Quốc gia Đoàn Kiến Quốc, dù có bất ngờ song thành quả của Mai Ngọc hoàn toàn xứng đáng và thuyết phục, đến từ tố chất, nội lực hiếm có của một tay vợt giàu nghị lực, sớm chịu thiệt thòi khi mồ côi cha, được CLB Hà Nội T&T phát hiện cách đây bảy năm cùng với người chị sinh đôi khi đang nhặt bóng. Tại đây, Ngọc đã không chỉ vượt lên cảnh sống xa nhà, sự tự lập, mà còn đáp ứng tốt quy trình đào tạo chuyên nghiệp, kỹ lưỡng của một mô hình xã hội hóa.
Chính từ bệ phóng giải quốc nội đỉnh cao nhất, cũng giống như Nhan Vi Quân của 31 năm trước, “sao mai” Trần Mai Ngọc đã lập tức được triệu tập vào đội tuyển bóng bàn Việt Nam. Sau đó, tay vợt 15 tuổi “bay” thẳng tới SEA Games 30 với tư cách tuyển thủ trẻ nhất của đoàn thể thao Việt Nam.
Qua một năm rèn giũa, nhất là với thời gian được tập huấn đội tuyển quốc gia và dự tranh SEA Games, nhà á quân đơn nữ Trần Mai Ngọc đã tiếp tục có những bước tiến vượt bậc về chuyên môn và bản lĩnh. Trong đó, quả giao bóng của tay vợt tay chiêu này đã trở nên rất lợi hại, bên cạnh lối đánh ôm bàn chủ động tấn công ngày càng thuần thục và hiệu quả.
Theo Tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam Phan Anh Tuấn, Mai Ngọc đã hội đủ các yếu tố cần thiết để vào vai người đi “chinh phục” chứ không còn “tạo bất ngờ” . Thiếu nữ 16 tuổi chính là gương mặt được chờ đợi nhất không chỉ ở sự đột phá về thành tích mà còn góp phần vào việc nâng cao chất lượng, màu sắc của giải. Bước trưởng thành thấy rõ của Mai Ngọc, cùng sự tái xuất của Nguyễn Thị Nga sẽ khiến cho các cuộc đấu của giải nữ đặc biệt hấp dẫn và quyết liệt.
Cùng với Mai Ngọc, người đàn anh cùng CLB Hà Nội T&T Đinh Anh Hoàng cũng được các chuyên gia đặt niềm tin vào một cuộc “vượt ngưỡng” mới tại giải. Năm ngoái, tay vợt 17 tuổi này đã xuất sắc đánh bại đương kim á quân Nguyễn Đức Tuân ở vòng tứ kết đơn nam, trong một trận đấu thuộc diện hay nhất giải, kết thúc với tỉ số nghẹt thờ 4-3.
Rất đáng tiếc, do vắt kiệt sức nên Hoàng đã để thua Tuấn Anh (người sau đó đăng quang) ở trận bán kết chỉ sau đó ít giờ. Tuy nhiên, chiến tích lọt vào Top 4 cũng đã giúp Hoàng được triệu tập vào đội tuyển quốc gia, và có kỳ SEA Games đầu tiên của mình.
Cũng như Ngọc, trình độ và kinh nghiệm của tay vợt 18 tuổi giờ đã nâng cao đáng kể. Chàng trai quê Đắk Lắk có tròn 10 năm ăn tập tại thủ đô, đang phát huy rất tốt quả giao bóng khó chịu cùng lối chơi linh hoạt, khó lường bậc nhất làng bóng bàn nam, dựa trên khả năng thay đổi mặt vợt khiến đối thủ không đoán được hướng bóng.
Điều thú vị, Anh Hoàng và Mai Ngọc còn là một cặp đánh đôi rất hay. Ở giải các đội mạnh toàn quốc 2019, bộ đôi này đã đoạt HCB. Họ hoàn toàn có thể tranh Vàng nội dung đôi nam nữ tại giải vô địch toàn quốc 2020.
Theo huấn luyện viên trưởng CLB T&T, cả Mai Ngọc và Anh Hoàng đã đủ sức để đóng vai chính, với mục tiêu đặt ra là phải thi đấu tốt hơn năm ngoái. Vấn đề lớn nhất, hai tay vợt phải vượt qua được áp lực và chính mình, vốn luôn là thử thách đối với các tài năng trẻ. Ban huấn luyện sẽ có chiến lược, giải pháp cho cả giải, từng trận để giúp họ thể hiện được cao nhất tài năng, sức vươn của mình.
Cùng với Mai Ngọc, Anh Hoàng, như tiết lộ từ Tổng thư ký Phan Anh Tuấn, qua thực tế theo dõi, có ít nhất 5 gương mặt trẻ, thậm chí rất trẻ khác của một số đơn vị như Hải Dương, Hà Nội T&T, TP.HCM hứa hẹn có thể “làm nên chuyện đáng kể” ở Giải vô địch bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân, khai mạc ngày 14-7.
Tổ chức thực hiện: NGÔ VIỆT ANH
Nội dung: TRÍ SƠN
Ảnh: DUY LINH
Đồ họa, kỹ thuật: ĐỨC DUY, MỸ TRANG