Gần 100% diện tích tỏi trên đảo bị hư hỏng, giảm năng suất, thậm chí mất trắng. Một vụ tỏi thất bát không chỉ làm cho người dân Lý Sơn điêu đứng, lo toan mà còn gây khó cho nhiều đơn vị ký hợp đồng thu mua tỏi Lý Sơn để cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước.
Thiệt hại nặng nhất từ trước đến nay
Sau Tết Nguyên đán hằng năm là thời điểm nông dân Lý Sơn tập trung ra đồng để thu hoạch vụ tỏi đông-xuân. Năm nay, nông dân huyện đảo ra đồng thu hoạch thứ được gọi là “vàng trắng” này với một tâm trạng khác hẳn mọi năm. Không còn cảnh tấp nập vui tươi như những năm qua, thay vào đó là không khí buồn bã bao trùm các cánh đồng. Ai cũng nhanh tay dọn cho xong đám tỏi để lấy đất xuống giống vụ mới với mong muốn gỡ gạc lại vụ tỏi thất bát.
“Cả đám còn chẳng được mấy cây, toàn ngã rạp xuống sát đất hết vậy thì lấy đâu ra củ”, lão nông Dương Hiền (70 tuổi), ở thôn Tây, xã An Hải buồn rầu nói. Theo ông Hiền, chưa có năm nào ông thấy một mùa tỏi mà hầu như đám nào cũng bị thiệt hại tới hơn 50%. Chỉ tay về phía những đám tỏi khác nằm gần ruộng tỏi nhà mình, ông Hiền nói thêm: “Tôi đã sống gần hết cuộc đời ở đảo nhưng chưa bao giờ thấy tỏi bị hư hại nhiều như năm nay. Nhà tôi có bốn sào tỏi, trung bình mỗi mùa thu về gần hai tấn tỏi tươi. Vậy mà vụ này tôi chỉ thu được hơn 500kg, mà toàn tỏi bị hỏng củ rất khó bán. Không chỉ riêng mình tôi, mà hầu như cả đảo nhà ai cũng bị mất mùa nặng…”.
Nhà chị Nguyễn Thị Hoa, ở xã An Vĩnh vụ này xuống giống bảy sào tỏi. Tổng số tiền mà chị Hoa bỏ ra để đầu tư cho việc cải tạo đất, giống, phân và thuốc trừ sâu… đã ngót nghét 40 triệu đồng. Thế nhưng, diện tích mà năm ngoái cho sản lượng khoảng hơn 2,5 tấn tỏi tươi thì năm nay ước tính giỏi lắm cũng chỉ được khoảng bốn tạ, coi như chị cầm chắc phần lỗ khoảng 70% chi phí. Nhìn ruộng tỏi xơ xác ngoài đồng, chị Hoa than thở: “Cả ruộng tỏi ngã rạp như bị bò dẫm thế này thì làm sao có củ được. Tới ngày thu hoạch rồi nhưng tôi cũng chẳng buồn nhổ nữa, vì tiền thu được chẳng đủ trả tiền nhân công thì thu làm gì!”.
Nhiều nông dân trồng tỏi lâu năm trên đảo cho rằng, việc tỏi mất mùa không chỉ diễn ra ở một hộ hay một cánh đồng mà xảy ra trên toàn đảo. Nơi được xác định là thiệt hại nặng nề nhất là đảo Bé (xã An Bình). Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Lý Sơn, vụ tỏi đông xuân năm nay toàn đảo Bé xuống giống 25ha tỏi, sản lượng thu hoạch chỉ bằng 1/3 niên vụ trước. Theo những nông dân có kinh nghiệm thì việc tỏi Lý Sơn năm nay mất mùa xuất phát từ việc đầu mùa xuất hiện nhiều đợt sương muối và rầy nâu hoành hành. Tỏi mất mùa còn đặt nông dân huyện đảo vào một tình cảnh thiếu giống để gieo trồng vụ sau, khi nhiều diện tích mất trắng, số còn vớt vát được thì phẩm chất rất kém không thể làm tỏi giống được.
Theo thống kê của phòng Kinh tế và hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn toàn huyện có 325ha diện tích trồng tỏi. Tổng năng suất vụ tỏi 2015 là 5.260 tấn, bình quân 7,9 tấn/ha. Nhưng vụ tỏi năm 2016, thống kê sơ bộ trên diện tích này toàn huyện chỉ thu về khoảng 3.000 tấn tỏi, mà phần lớn tỏi trong số này cũng không đạt được kích cỡ và phẩm chất như những vụ trước.
Trao đổi với phóng viên Nhân Dân điện tử, bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: Vụ tỏi năm nay, toàn huyện thiệt hại rất nặng, lên đến 70%. Nhiều người dân sống nhờ vào số tiền thu được từ cây tỏi nhưng giờ đang rất khó khăn. Năm nay thời tiết không thuận lợi, khiến dịch bệnh diễn biến rất phức tạp gây hại cho cây tỏi. Mặc dù đã có nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng không được.
Trước việc vụ tỏi mất mùa nặng nề chưa từng thấy này, bà Hương cho biết thêm, chính quyền huyện Lý Sơn đang tiến hành xác định rõ nguyên nhân và thống kê thiệt hại một cách cụ thể. Đồng thời, nghiên cứu tìm phương án hỗ trợ để bà con sản xuất vụ sau.
Xe ôm ế ẩm, doanh nghiệp khó thu mua
Mặc dù là thời điểm chính vụ thu hoạch tỏi để xuất bán, nhưng hiện tại lượng tỏi thương phẩm ở Lý Sơn còn không nhiều do tỏi vụ trước người dân đã xuất bán từ trước Tết Nguyên đán, còn tỏi vụ này do mất mùa nên nguồn cung bị giảm nghiêm trọng. Những ngày này không khí tại chợ tỏi Lý Sơn vắng lặng hơn hẳn cùng kỳ nhiều năm. Anh Bùi Văn Hùng, xe ôm chuyên chở tỏi từ chợ tỏi ra cảng Lý Sơn để vận chuyển vào đất liền cho biết: Từ Tết tới giờ anh mới chỉ chở được vài chuyến hàng, mọi năm thời điểm này những xe ôm như anh phải hoạt động hết công suất, chưa năm nào lượng tỏi ít như năm nay.
Người trồng tỏi trắng tay, còn các đơn vị thu mua và cung ứng hành tỏi ra thị trường trong và ngoài nước cũng như đang ngồi trên lửa. Ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc công ty TNHH MTV Hải Đảo Lý Sơn, đơn vị trực tiếp mua và cung ứng tỏi cho các siêu thị và thị trường ngoài nước như: Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… cho rằng, công ty đang gặp khó trong việc mua tỏi Lý Sơn đủ tiêu chuẩn để bán cho đối tác.
“Công ty chúng tôi vừa ký được một hợp đồng cung ứng tỏi với một đối tác đến từ Hoa Kỳ, nhưng giờ tỏi Lý Sơn mất mùa nặng khiến khâu thu mua của chúng tôi gặp không ít khó khăn, giờ không biết lấy đâu ra tỏi cung ứng cho người ta”, ông Định nói.
Trong khi đó, ông Lê Hồng Ca - Giám đốc siêu thị Co.op Mart Quảng Ngãi, đơn vị tham gia bao tiêu tỏi Lý Sơn với sản lượng khoảng sáu tấn mỗi tuần để cung ứng cho toàn bộ 78 siêu thị Co.op Mart trong toàn bộ hệ thống cho biết: Co.op Mart đã ký hợp đồng thu mua hành, tỏi với giá ổn định cho nông dân huyện Lý Sơn từ nhiều năm nay. Trước thông tin tỏi Lý Sơn mất mùa nặng, phía siêu thị buộc phải đưa ra phương án dự phòng để giải quyết bài toán khó khăn về nguồn cung trong thời điểm này.
“Đây là lý do bất khả kháng, chúng tôi buộc phải đưa ra phương án dự phòng là đẩy mạnh thua mua ở các địa phương khác như: Hải Dương, Ninh Thuận…để bù vào sản lượng thu mua tỏi Lý Sơn. Trước mắt chúng tôi sẽ bán tỏi của những địa phương này, đây là giải pháp tình thế vì tỏi Lý Sơn đang được khách hàng rất ưa chuộng và siêu thị đang tiêu thụ rất mạnh”- Ông Ca nói.