Được coi là những nàng “điệp viên” quyến rũ của giới nhạc cổ điển và đương đại, tứ tấu Bond đã có gần một phần tư thế kỷ chinh phục hàng triệu khán giả qua nhiều thế hệ bởi khả năng sáng tạo không giới hạn, cùng 5 triệu album bán ra.
Được coi là những nàng “điệp viên” quyến rũ của giới nhạc cổ điển và đương đại, tứ tấu Bond đã có gần một phần tư thế kỷ chinh phục hàng triệu khán giả qua nhiều thế hệ bởi khả năng sáng tạo không giới hạn, cùng 5 triệu album bán ra.

Lý giải sức hút của BOND - nhóm tứ tấu đàn dây thành công nhất mọi thời đại

NDO - Được coi là những nàng “điệp viên” quyến rũ của giới nhạc cổ điển và đương đại, tứ tấu Bond đã có gần một phần tư thế kỷ chinh phục hàng triệu khán giả qua nhiều thế hệ bởi khả năng sáng tạo không giới hạn, cùng 5 triệu bản album bán ra.

Đầu những năm 2000 có thể nói là thời đại hoàng kim của những chiếc đĩa CD, VCD, DVD. Tại Việt Nam khi ấy, nhiều người có thói quen lên phố hằng ngày, hằng tuần mua đĩa nhạc, đĩa phim. Ở thời đại mạng xã hội còn chưa ra đời, tiệm băng đĩa là nơi duy nhất người ta có thể được cập nhật nhạc mới, mở ra một thế giới đầy màu sắc của văn hóa đại chúng.

Ở giai đoạn Spice Girls, Backstreet Boys, Boyzone, Westlife and ‘NSYNC vẫn “làm mưa làm gió” trong kỷ nguyên MTV, hình ảnh chiếc bìa đĩa “Born” của Bond gây ấn tượng mạnh về mặt thị giác.

Thoạt nhìn, bốn cô gái xinh đẹp quyến rũ giống như bốn nàng Bondgirl bước ra từ một tập phim về điệp viên 007 James Bond. Nhưng đây là đĩa nhạc, phải chăng một “Spice Girls” thế hệ mới đã xuất hiện? Nhiều người mua VCD “Born” của Bond vì tò mò và cuối cùng, một thứ âm nhạc vừa cổ điển lại vừa hiện đại, giao thoa giữa sâu lắng – êm đềm với đương đại – sôi động đã tạo nên một cơn sốt lớn và lan tỏa, len lỏi đi khắp nơi trong đời sống của người Việt khi đó.

Lý giải sức hút của BOND - nhóm tứ tấu đàn dây thành công nhất mọi thời đại ảnh 1

Những bản nhạc như “Viva”, “Quixote” hay “Duel” dù xuất hiện ở không gian nhà hát trang trọng, những quán cà-phê dân dã hay thậm chí là vũ trường với ánh đèn nhấp nháy đều có thể khiến người ta đang làm gì cũng phải dừng lại thưởng thức. Đặc biệt, bản nhạc kinh điển “Victory” từ những ngày đầu xuất hiện đến nay luôn là giai điệu vang lên trong những thời khắc quan trọng, khi một cá nhân hay một tập thể vừa đạt thành tích nào đó, hoàn thành mục tiêu nào đó và muốn ăn mừng chiến thắng cùng những người thân yêu nhất bên ly champagne.

Thứ âm nhạc “lạ” của Bond còn đi kèm với hình ảnh bốn cô gái xinh đẹp biểu diễn live ở nhà hát Hội trường Hoàng gia Albert tại London, Anh. Diện trang phục năng động bó sát cơ thể tạo nên vẻ mạnh mẽ và sexy, Bond thu hút mọi ánh nhìn tập trung lên sân khấu vừa chiêm ngưỡng nhan sắc của họ, lại vừa bị thứ âm nhạc vừa cổ điển lại rất hiện đại chinh phục.

NHẠC CỔ ĐIỂN CÓ THỂ DÀNH CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI

Trong thập niên 2000 và trước đó, có nhiều ý kiến cho rằng nhạc cổ điển chỉ phù hợp với một đối tượng khán giả cụ thể là giới quý tộc, người giàu, dân học thuật. Nhưng Bond đã xuất hiện và thể hiện sự phá cách, khẳng định được rằng nhạc cổ điển cũng thuộc về đại chúng.

Bond được thành lập sau cuộc trò chuyện ban đầu giữa nhà soạn nhạc và nhà sản xuất âm nhạc Mike Batt của huyền thoại violin gốc châu Á Vanessa-Mae và quản lý của cô, Mel Bush, sau khi Batt gợi ý với Bush rằng hai người nên lập ra một tứ tấu gồm “bốn nghệ sĩ tài năng và xinh đẹp”.

Các buổi thi tuyển được tổ chức tại Baden Powell House ở London. Lúc đó, nghệ sĩ violin Eos, nghệ sĩ cello Gay Yee và một nghệ sĩ viola được lựa chọn, cùng biểu diễn bản “Contradanza” mà Batt đã sáng tác cho Vanessa-Mae làm bài thi. Sau đó, hai nghệ sĩ đến từ nước Úc là Tania và Haylie đã trở thành hai mảnh ghép còn lại của Bond. Sau này, khi Haylie rời nhóm năm 2008, Tania trở thành first violin và Elspeth – nghệ sĩ đến từ nước Anh – đảm nhận vị trí viola.

Lý giải sức hút của BOND - nhóm tứ tấu đàn dây thành công nhất mọi thời đại ảnh 3

Từ khi thành lập vào năm 2000, Bond đã không ngừng khẳng định vị thế của mình trên sân khấu âm nhạc toàn cầu, không chỉ nhờ kỹ thuật sử dụng đàn dây điêu luyện mà còn nhờ khả năng kết hợp âm nhạc cổ điển với các yếu tố đương đại. Nhạc của Bond có thể dịu dàng, êm đềm nhưng ngay lập tức có thể trở nên dữ dội, mạnh mẽ và khiến cảm xúc người nghe luôn bị bất ngờ theo nhiều cung bậc. Điều này đã giúp họ vượt qua giới hạn của một nhóm nhạc cổ điển thông thường, mở ra cánh cửa tiếp cận khán giả đại chúng rộng lớn hơn.

Điểm khác biệt lớn nhất của Bond so với các nhóm đàn dây truyền thống là phong cách âm nhạc giao thoa, xóa nhòa đi khoảng cách về thời gian. Trong khi nhiều nhóm nhạc cổ điển giữ vững truyền thống với việc chơi các tác phẩm từ những nhà soạn nhạc kinh điển như Beethoven, Mozart hay Tchaikovsky, Bond tạo nên sự khác biệt bằng cách kết hợp âm nhạc cổ điển với các yếu tố hiện đại như pop, techno và rock. Một số bản nhạc họ phối lại các bản kinh điển và thêm vào âm thanh điện tử, một số bản nhạc lại là sáng tác riêng cho đàn dây.

Những tác phẩm của họ không chỉ dừng lại ở sự uyển chuyển, tinh tế của cello, violin, viola mà còn được thêm vào các hiệu ứng điện tử, tạo ra âm thanh mới mẻ và độc đáo. Các bản hit như “Victory”, “Viva” hay “Explosive” là những thí dụ điển hình cho sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc cổ điển và các thể loại hiện đại.

KỸ THUẬT SỬ DỤNG ĐÀN DÂY HOÀN HẢO

Không chỉ tạo dấu ấn độc nhất vô nhị với những sáng tạo phá cách trong phong cách âm nhạc, Bond còn được đánh giá cao về kỹ thuật chơi nhạc. Cả bốn cô gái của nhóm đều là những nghệ sĩ xuất sắc, có nền tảng học thuật vững chắc từ những trường âm nhạc danh tiếng như Royal College of Music ở London, Vương quốc Anh. Đặc biệt, kỹ thuật chơi đàn của họ được mô tả là điêu luyện và linh hoạt, với sự kiểm soát tuyệt đối về cường độ, tốc độ và sắc thái biểu cảm. Chính vì thế khi lên sân khấu, Bond thực sự làm chủ sân khấu và như những nàng Bondgirl của James Bond – họ quyến rũ, mê hoặc bất kỳ ai đang nhìn mình.

Một trong những điểm nổi bật trong kỹ thuật đàn dây của Bond là khả năng phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên. Trong một nhóm tứ tấu dây, sự hòa hợp giữa các nhạc cụ là yếu tố then chốt. Bond đã phát triển kỹ năng này ở mức độ hoàn hảo, tạo ra một âm thanh đồng nhất và sắc bén, bất kể họ chơi những bản nhạc cổ điển vĩ đại của các nhà soạn nhạc lẫy lừng hay những tác phẩm do họ tự sáng tác.

Bond còn biết cách tận dụng công nghệ trong biểu diễn để tạo hiệu ứng. Trong thời đại các âm thanh điện tử mới bắt đầu tạo xu hướng đầu thập niên 2000, Bond đã khai thác triệt để công nghệ âm thanh và hình ảnh để mang đến cho khán giả những màn trình diễn ấn tượng. Họ không chỉ chơi nhạc, mà còn tạo nên những trải nghiệm âm nhạc trực quan với ánh sáng, hình ảnh động và những hiệu ứng sân khấu độc đáo.

Họ sử dụng các loại vĩ cầm điện tử như Zeta và Bridge, cho phép mở rộng dải âm thanh và tạo ra những lớp âm thanh mà khó có thể thể đạt được bằng các nhạc cụ cổ điển thông thường. Sự kết hợp giữa kỹ thuật điêu luyện và công nghệ đã mang đến cho Bond một phong cách biểu diễn riêng biệt, khiến họ nổi bật trong số các nhóm nhạc tứ tấu trên thế giới.

Thành công của Bond đã chứng minh rằng âm nhạc cổ điển không phải là một lĩnh vực giới hạn, mà có thể phát triển và biến hóa theo nhiều cách khác nhau. Bond mở ra một xu hướng mới trong làng nhạc, nơi mà sự sáng tạo và phá cách được đặt lên hàng đầu. Điều này không chỉ giúp bộ tứ đàn dây trở thành biểu tượng âm nhạc, mà còn đóng góp vào việc mở rộng biên giới của thể loại nhạc cổ điển, giúp nó tiếp cận với nhiều thế hệ khán giả mới.

MỘT PHẦN TƯ THẾ KỶ CỦA NHÓM TỨ TẤU ĐÀN DÂY THÀNH CÔNG NHẤT MỌI THỜI ĐẠI

Đến nay, Bond đã ra mắt bốn album phòng thu gồm “Born” (2000), “Shine” (2002), “Classifield” (2004) và “Play” (2011). Với hơn 5 triệu đĩa hát được bán ra, Bond được công nhận là nhóm tứ tấu đàn dây thành công nhất mọi thời đại.

Qua một phần tư thế kỷ hoạt động, Bond khẳng định họ không chỉ là một nhóm nhạc xuất sắc trong kỹ thuật mà còn là những người tiên phong trong việc đổi mới âm nhạc cổ điển. Sự sáng tạo và nỗ lực không ngừng nghỉ đã giúp nhóm trở thành cái tên huyền thoại trong giới tứ tấu đàn dây.

Thành công của Bond không chỉ nằm ở số lượng đĩa album bán ra, mà còn ở sức ảnh hưởng mà họ tạo ra đối với nền âm nhạc thế giới. Bond đã tạo ra một sân chơi mới cho đàn dây, làm thay đổi cách mà khán giả toàn cầu nhìn nhận và thưởng thức âm nhạc cổ điển.

Lý giải sức hút của BOND - nhóm tứ tấu đàn dây thành công nhất mọi thời đại ảnh 4

Qua những bản nhạc đình đám mà tiêu biểu nhất như một lời khẳng định “chiến thắng” – “Victory”, Bond cho thấy nhạc cụ dây hoàn toàn có thể vươn tới một tương lai mới, nơi mà âm nhạc không còn bị giới hạn bởi các khuôn khổ cũ mà mở ra những chân trời mới, đầy màu sắc và cảm xúc.

Tới Việt Nam biểu diễn vào tối 5/10 trong đêm diễn quy mô lớn nhất so với hai lần trước, Bond Live In Vietnam sẽ giới thiệu 20 tác phẩm, một số được làm mới để hấp dẫn hơn.

Ông Nguyễn Thùy Dương - Giám đốc Sản xuất chương trình – chia sẻ: “Tôi khẳng định đây là một trong số ít concert được đầu tư về quy mô và có số người tham gia lớn nhất thế giới của Bond. Chúng ta rất vui vì Bond đã tới và tạo nên sự khác biệt kể từ khi nhóm nhạc biểu diễn từ 2001 đến nay. Là đơn vị có kinh nghiệm đưa nhiều huyền thoại âm nhạc quốc tế đến Việt Nam, IB Group tự hào cùng Báo Nhân Dân tiếp tục đóng góp cho dự án Good Morning Vietnam với sự tham gia của nhóm tứ tấu huyền thoại Bond”.

Bond Live In Vietnam diễn ra vào 20 giờ ngày 5/10/2024 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, hứa hẹn là một đêm nhạc nhiều cung bậc cảm xúc trên sân khấu Thủ đô. Toàn bộ số tiền bán vé của chương trình sẽ được dành ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3.

back to top