Sáng nay 11-9 tại Nhà hát Lớn TP Hà Nội, Hội Văn nghệ dân gian đã tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (1967-2007) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh.
Hội đã đề ra kế hoạch Tầm nhìn 2010, đặt ra mục tiêu sưu tầm tối đa những gì còn sưu tầm được trong vốn văn hóa văn nghệ dân gian đến năm 2010. Bởi lẽ kho tàng văn hóa dân gian các dân tộc Việt Nam chủ yếu được sáng tạo và lưu truyền trong xã hội từ Cách mạng Tháng Tám 1945 trở về trước mà người nắm giữ chính là các nghệ nhân. Vào năm 1945, thế hệ nghệ nhân này ít nhất đã 15 tuổi. Như vậy, đến năm 2010, nếu còn sống, họ đã ở cái “ngưỡng” cuối cùng là 80 tuổi. Ở tuổi đó, trí nhớ sẽ không còn minh mẫn và cùng với sự “ra đi” của họ, nguy cơ mai một các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian là điều không tránh khỏi.
Để thực hiện kế hoạch này, Hội tổ chức kiểm kê toàn bộ vốn di sản văn hóa dân gian có ở từng địa phương, trong đó xác định cái gì đã mất, sắp mất, cái gì còn tồn tại, còn khả năng phục dựng hay sưu tầm được. Trên cơ sở đó, Hội sẽ tiến hành chọn những loại hình tiêu biểu, cùng nhân dân địa phương phục dựng, tổ chức truyền dạy cho thế hệ sau để bảo tồn và phát huy tốt nhất vốn văn hóa dân gian.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: “Trong thời kỳ hội nhập, việc bảo tồn và phát huy vốn văn nghệ dân gian càng phải được quan tâm vì đó là bản sắc văn hóa dân tộc, là nhân tố quan trọng cho sự phát triển mang tính bền vững của quốc gia. Tuy nhiên, mỗi người làm công tác bảo tồn các giá trị này cần biết chọn lọc tinh hoa nhân loại đồng thời không làm mất đi nét văn hóa truyền thống...”
Nghệ nhân Phạm Thị Mơn (ca trù Cổ Đạm).
Một trong những việc làm cần thiết của Hội là ghi nhận và tôn vinh các nghệ nhân như những báu vật dân gian sống. Đến nay, Hội đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho 100 vị trong cả nước. Nhân dịp này, một cuốn sách tập hợp, giới thiệu 86 nghệ nhân được phong tặng từ tháng 4-2007 trở về trước cũng được ấn hành.
Kỷ niệm 40 năm thành lập, Hội vinh dự được nhận Huân chương Hồ Chí Minh.
40 năm qua, từ 159 hội viên hồi đầu sáng lập, đến nay Hội đã có đội ngũ gồm 1104 người, sinh hoạt trong 87 chi hội, tỉnh hội, thành hội trên cả nước. Đặc biệt, Hội có nhiều hội viên là người dân tộc thiểu số như: Ê đê, Giơrai, Bahnar, Chăm, Thái, Tày, Nùng... Chỉ tính trong 15 năm trở lại đây đã có 758 công trình của Hội được giải thưởng hàng năm, 494 công trình được tài trợ và 126 công trình trại viết được nghiệm thu... Hội đã có 10 hội viên được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 24 hội viên được tặng giải thưởng Nhà nước đợt I. Năm nay, có thêm 11 hội viên được trao tặng Giải thưởng Nhà nước đợt II.