Đánh thức cảm xúc...
Chiều cuối tuần trên góc vỉa hè phố cổ Hà Nội, một nhóm người nhiều lứa tuổi, trong đó có những cô bé, cậu bé tiểu học và cả những ông, bà mái tóc ngả màu sương gió với bảng mầu, giá vẽ, ngồi mải mê vẽ. Thỉnh thoảng, mọi người chụm lại trao đổi, sau đó lại chăm chú vào bức vẽ của mình. Không quá cầu kỳ, người dùng mầu nước, người dùng bút chì, người dùng bút sắt và rồi những hình ảnh phố phường bắt đầu đi vào tranh. Một gốc cây già cỗi, cây cột điện kiểu Pháp hoen màu thời gian, bức tường rêu phong bên những chiếc bạt che bị gió cuốn và cả những ban công với mấy chậu cây nhỏ hay hình ảnh các bà, các cô gồng gánh, một bác xích-lô đang gò mình đạp xe… Tất cả, đều là những điều rất đỗi bình dị của cuộc sống, hiển hiện qua từng nét vẽ sống động. Đây là một buổi “trực họa” của nhóm Ký họa đô thị Hà Nội (Urban Sketchers Hanoi).
Hơn hai năm trước, kiến trúc sư (KTS) Trần Thị Thanh Thủy (giảng viên Trường đại học Kiến trúc Hà Nội) cùng ba người bạn đã lập ra nhóm “Ký họa đô thị Hà Nội”. Khởi điểm của câu chuyện “ký họa đô thị” là tình yêu. Chị Thủy sinh ra, lớn lên tại Hà Nội. Công việc của một KTS, khiến chị cảm nhận sâu sắc hơn về nét đẹp của thành phố quê hương. Hà Nội cổ, Hà Nội cũ ngoài vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc của vùng đất kinh thành, phố thị xưa với bao tầng lớp bề dày lịch sử còn có cả cái đẹp của buổi đầu giao thoa văn hóa Đông - Tây và có cả Hà Nội của một thời bao cấp, điển hình là những khu tập thể được xây lên. Ký ức về những khu tập thể cũ kỹ có thể với những ai đó là điều không đáng nhớ song với nhiều người, thời gian khó ấy là cái đẹp của sự bình dị, ấm áp, tình cảm. Và có cả Hà Nội thời hiện tại đang đổi thay. Phố xá chật chội hơn, ăm ắp những phương tiện giao thông. Cao ốc, chung cư hiện đại chen lấn nhau mọc lên. Bộ mặt đô thị thay đổi từng ngày. Những mái ngói nâu nứt vỡ. Nhiều hàng cây cũ không còn để nhường chỗ cho các kiến trúc mới. Người Hà Nội cũng thay đổi theo, trong cả văn hóa, lối sống, sinh hoạt thường ngày. Có những cái đẹp đã phôi pha. Nhưng với những người như chị Thủy, nói đến Hà Nội, là nói đến niềm thân thương, tự hào về những điều tưởng như cũ kỹ ấy. Cái cũ, cái mới đan xen, song vẫn lẩn khuất quanh đây những nét riêng của xứ Kinh Kỳ - Kẻ Chợ. Chị Thủy và bạn bè vẽ, để lưu lại những câu chuyện, những ký ức đẹp đẽ về phố xá, về cuộc sống, về con người Hà Nội. KTS Trần Thị Thanh Thủy chia sẻ: “Cái giá trị mất đi sẽ không bao giờ quay trở lại. Thay vì nuối tiếc, chúng ta hãy gìn giữ những gì đang có, những giá trị rất riêng của Hà Nội mà không phải đô thị nào cũng có được”.
Nhóm “Ký họa đô thị Hà Nội” nhận được sự đồng cảm của rất nhiều người. Số lượng thành viên ngày một tăng. KTS Trần Thị Thanh Thủy thường dẫn nhóm đi vẽ thực tế vào những dịp cuối tuần. Có thể đó là phố cổ, khu phố kiến trúc Pháp, hay một không gian di sản, một ngôi làng cổ… của thành phố. Những bất ngờ cứ nối tiếp bất ngờ qua những chuyến đi. Có người vì thấy những bức tranh về “góc phố nhà mình”, “tập thể nhà mình” được đăng trên mạng, đã tìm đến và trở thành thành viên của “Ký họa đô thị Hà Nội”. Có người, thấy một nhóm hí hoáy vẽ, tò mò, lặng lẽ đi theo và xin nhập hội. Một cách tình cờ, Ký họa đô thị Hà Nội đã “đánh thức” những tình cảm mà bình thường, người ta không nhận ra. Những ký ức bao nhiêu năm gắn bó với hàng cây, con phố, cột điện thân quen dội về qua nét vẽ của người xa lạ. Người ta bỗng nhận ra đằng sau trong cái bình dị, và có phần xô lệch ấy, ẩn chứa những câu chuyện, những ký ức, những kỷ niệm về thời thơ ấu, kỷ niệm với gia đình, người thân... Bạn Lê Ngọc Quang, sinh viên Trường đại học Đại Nam chia sẻ: “Nhiều người chọn nhiếp ảnh để ghi lại những khoảnh khắc đẹp về Hà Nội. Nhưng cuộc sống quá vội vã. Khi vẽ, người ta phải chậm lại, để rồi, mỗi người sẽ cảm nhận sâu sắc hơn về những góc phố, hàng cây, con người theo cách của mình”.
Lan tỏa một tình yêu
Ký họa là thuật ngữ rất quen thuộc với những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Đó là lối “vẽ nhanh”, ghi lại những nét chính, ghi lại những cảm xúc về cuộc sống, thiên nhiên, con người… Nhóm “Ký họa đô thị Hà Nội” đã “trao cơ hội” cho những người yêu Hà Nội, thể hiện tình yêu của mình qua nét vẽ. Có những cô bé, cậu bé, có thể hằng ngày vẫn nhõng nhẽo mẹ đòi quà cũng là thành viên của nhóm cũng bút, cũng giá vẽ trong các chuyến “du hành” cùng người lớn. Có những người là họa sĩ chuyên nghiệp, hay làm việc liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật, kiến trúc, song cũng có nhiều người độ tuổi ngoài 60, lần đầu học vẽ. Ngần ngại buổi đầu. Nhưng rồi có điều gì đó thôi thúc họ vượt qua. Và họ mạnh dạn vẽ những gì mình yêu, những điều mình cảm nhận. Đó là vì nhóm “Ký họa đô thị Hà Nội” khơi đúng cái “mạch ngầm” tâm hồn và tình yêu của mọi người với thành phố. Khởi đầu với bốn thành viên, hiện giờ, fanpage trên facebook của nhóm đã có tới hơn 3.500 thành viên. Trong đó, có khoảng 50 người thường xuyên tham gia các hoạt động của nhóm. Như chính KTS Trần Thị Thanh Thủy chia sẻ, những nét vẽ, không phải lúc nào cũng đẹp, nhưng nó chất chứa cảm xúc của mỗi người.
Những ngày đầu năm mới, nhóm “Ký họa đô thị Hà Nội” vừa cho ra mắt cuốn sách “Tập thể cũ Hà Nội - Ký họa và hồi ức”, giới thiệu 250 bức tranh trong triển lãm “Ký họa Hà Nội” (tại địa chỉ 70 Nguyễn Du, Hà Nội) sẽ diễn ra đến hết tháng 1-2019. Khi triển lãm ra mắt, nhiều người mới nhận ra, trong sáng tác hội họa về Hà Nội, lâu nay, những khu tập thể cũ xuất hiện không nhiều. Nhưng, đó lại là nơi gắn bó với không ít thế hệ người Hà Nội, nhất là những người sinh ra vào khoảng các năm từ 60 đến 80 của thế kỷ trước. Nếu những bức ký họa là tác phẩm của “họa sĩ” trong nhóm - phần lớn là những người “ở ngoài nhìn vào”, thì ở phần “hồi ức”, nhóm “Ký họa đô thị Hà Nội” đã huy động từ chính cộng đồng, những người đã, đang sống trong các khu tập thể. 40 hồi ức là 40 câu chuyện của những người phần nhiều không chuyên viết lách. Nhưng những trang viết lại thấm đẫm tình cảm chân thành, như câu chuyện về khu tập thể Thanh Xuân: “Hơn 20 năm qua đi. Tôi cũng đã chuyển khỏi cái tổ nhỏ trên tầng bốn nhà A6 kia, bãi đất trống ấy đã trở thành những ngôi nhà liền kề san sát. Tiếng dế kêu giữa đêm không còn nghe thấy nữa, những ánh sao khuya như tắt hẳn giữa quầng sáng suốt đêm của một đô thị không ngủ. Nhưng tôi nhận ra nhịp sống cũ vẫn còn ở đó. Và những chiếc lồng sắt bên những cánh cửa mầu xanh vẫn sáng lên ánh đèn bình yên sau mỗi buổi hoàng hôn” (Nguyễn Thị Vĩnh Hà). Những hồi ức góp phần bổ sung cho “phần hồn” của những bức vẽ. Thực tế, nhiều người muốn xóa đi thật nhanh hình ảnh về những khu tập thể đầy “ba-lô”, “chuồng cọp”. Khi nhóm “Ký họa đô thị Hà Nội” vẽ tập thể Nguyễn Công Trứ, đã có người dân sinh sống ở đó lầu bầu khi đi qua: “Tập thể thì xập xệ. Các cô vẽ thế này thì đến bao giờ chúng tôi được thay bằng những ngôi nhà mới?”. Nhưng rồi, qua các bức vẽ, chính những người trong khu tập thể ấy đã nhìn lại nơi mình đang sống. Người ta phải nhìn sâu hơn vào những điều bình dị. Trân trọng nó hơn, dù nó đang xuống cấp, và cần thay thế trong một thời gian không xa…
Các thành viên nhóm “Ký họa đô thị Hà Nội” thường hướng hoạt động đến các bạn nhỏ. Thành lập năm 2016, nhưng đến nay, nhóm đã hai lần tổ chức triển lãm chuyên đề “Bé vẽ Hà Nội” vào dịp Ngày quốc tế Thiếu nhi 1-6 các năm 2017 và 2018. Những cô bé, cậu bé như: An Duy, Huy Khánh, Ngọc Linh, Duy Anh… trong nhóm đều có những bức họa thể hiện góc nhìn thú vị về Hà Nội. Đó là vì những người sáng lập “Ký họa đô thị Hà Nội” muốn ươm mầm tình yêu, muốn các bé khám phá, cảm nhận cuộc sống chung quanh, gieo mầm tình yêu di sản. Bạn sinh viên Lê Ngọc Quang chia sẻ: “Hà Nội vẫn đang đổi thay. Và chúng tôi vẫn ham mê vẽ. Để mọi người nhận ra, thêm yêu Hà Nội, để đánh thức mọi người nghĩ nhiều hơn đến việc bảo vệ những nét đẹp ấy. Đừng để khi mất đi rồi, mới tiếc nuối”.