Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương thành phố, Nguyễn Nguyên Phương cho biết: Sau ba ngày thực hiện không cho thịt heo thiếu thông tin truy xuất nguồn gốc vào chợ đầu mối (từ ngày 16-10), tỷ lệ thịt heo có thông tin truy xuất nguồn gốc đã tăng dần lên. Ðiều đáng ghi nhận là một số thương lái kinh doanh thịt heo trong ngày đầu thực hiện Ðề án đã bất hợp tác trong việc truy xuất nguồn gốc thì nay đã tham gia. Theo ông Phương, lượng heo về thị trường thành phố ngày
18-10 đạt hơn 10 nghìn con, trong đó heo về chợ đầu mối là 8.394 con, chiếm 83%. Số lượng heo đưa vào thị trường thành phố có thông tin truy xuất nguồn gốc của trại chăn nuôi được kích hoạt là 9.632 con, chiếm 95%; heo được kích hoạt tại lò giết mổ 8.687 con, chiếm 86% và số heo đưa vào chợ đầu mối có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc tăng lên gần 6.000 con, chiếm 59%, trong khi ngày 16-10 chỉ có gần 3.000 con vào chợ đầu mối có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc, chiếm 30%.
Ðại diện Ban quản lý chợ Hóc Môn cho biết, ngày
15-10, Ban quản lý chợ gửi văn bản ký cam kết thực hiện Ðề án đến tận tay các thương nhân, thương lái và thời gian thực hiện là năm ngày. Hiện tại phần lớn các thương nhân, thương lái đều ký văn bản cam kết và số chủ thể tham gia thực hiện đã tăng dần. Phó Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Ðiền Tsàn A Sìn giải thích, Bình Ðiền là chợ đầu mối cửa ngõ của khu vực miền Tây Nam Bộ, lượng heo nhập về chợ chủ yếu là chăn nuôi theo phương thức nhỏ lẻ, tập trung ở các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang. Nguồn heo nhập về chợ Bình Ðiền đang tồn tại thực trạng là người chăn nuôi, thương lái ở miền Tây chưa cập nhật được hết thông tin về Ðề án truy xuất nguồn gốc thịt heo của thành phố, hạ tầng công nghệ thông tin (điện thoại thông minh, sóng wifi,...) còn kém, mua vòng để đeo cho heo còn gặp khó, tốn chi phí... Thực tế cũng đã có thương lái đem vòng ở miền Ðông về đeo cho heo ở miền Tây, thương lái thường thu gom heo ở nhiều nơi nên công tác thực hiện truy xuất còn hạn chế, một số thương lái còn bất hợp tác trong những lần tập huấn để nắm bắt thông tin. Ðể hạn chế số heo không có thông tin truy xuất nguồn gốc vào chợ đầu mối Bình Ðiền, ông Sìn cho hay, Ban quản lý chợ đã gửi văn bản cam kết đến các thương nhân, thương lái, thời gian thực hiện là ba ngày, kể từ ngày đầu thực hiện 16-10, hiện nay đã có một số thương nhân, thương lái ký cam kết và thực hiện, số khác kiến nghị Ban quản lý cho họ thêm thời gian để thực hiện.
Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Nguyễn Ngọc Hòa cho biết: Vừa qua, có sự cố thương nhân, thương lái chưa thực hiện việc truy xuất nguồn gốc thịt heo buộc Ban quản lý chợ đầu mối phải mở cửa nhưng tình hình hiện nay đã khá hơn. Theo ông Hòa, văn bản chỉ đạo thực hiện Ðề án Quản lý, truy xuất nguồn gốc thịt heo vẫn còn hiệu lực, vì thế ngành công thương và các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện, quyết liệt tháo gỡ vướng mắc và sẽ tổng hợp tình hình thực hiện Ðề án để ngày 30-10 báo cáo UBND thành phố. Hiện tại, Ban quản lý Ðề án tiếp tục hợp tác với các cơ quan chức năng của địa phương, người chăn nuôi, thương nhân, thương lái, lò mổ để tập huấn, trực tiếp giải quyết những điểm nghẽn của đề án. "Cho dù phía trước còn gian nan, mỗi ngày chúng tôi được tiếp thêm một chút niềm tin thông qua sự tăng dần của các con số để thực hiện chủ trương người dân TP Hồ Chí Minh có bữa ăn sạch", Phó Giám đốc Sở Nguyễn Ngọc Hòa chia sẻ thêm.