Lung linh sắc màu trong đêm khai hội đền Trần tỉnh Thái Bình

NDO - Một chương trình nghệ thuật bán thực cảnh ấn tượng kéo dài hơn 1 tiếng được hàng trăm nam, nữ diễn viên trình diễn trong đêm khai mạc Lễ hội đền Trần tổ chức ngày 22/2 (tức ngày 13 tháng Giêng năm Giáp Thìn), tại Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và Đền thờ các vị vua triều Trần, thuộc xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình).
0:00 / 0:00
0:00
Âm thanh, ánh sáng hòa quyện trên sân khấu chính của Lễ hội đền Trần tỉnh Thái Bình trong đêm khai mạc 22/2.
Âm thanh, ánh sáng hòa quyện trên sân khấu chính của Lễ hội đền Trần tỉnh Thái Bình trong đêm khai mạc 22/2.

Dự lễ có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; đại biểu đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng; các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

Lung linh sắc màu trong đêm khai hội đền Trần tỉnh Thái Bình ảnh 1

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tại Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và Đền thờ các vị vua triều Trần.

Lung linh sắc màu trong đêm khai hội đền Trần tỉnh Thái Bình ảnh 2
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nổi trống khai hội.

Sau đại dịch Covid-19, đây là lần thứ 2 Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình tổ chức khai mạc Lễ hội đền Trần. Qua mỗi năm, việc đầu tư cho lễ hội quan trọng nhất trong năm ở địa phương ngày càng được quan tâm, chú trọng và từng bước được nâng tầm.

Tại buổi lễ, bà Trần Thị Bích Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo tổ chức Lễ hội đền Trần cho biết, đây là nơi phát tích, dựng nghiệp Vương triều Trần, nơi chứa đựng những dấu ấn lịch sử, gắn chặt với Triều đại nhà Trần, là nơi gia tộc nhà Trần dấy nghiệp, cũng là nơi yên nghỉ của các liệt tổ nhà Trần.

Lung linh sắc màu trong đêm khai hội đền Trần tỉnh Thái Bình ảnh 4

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Trần Thị Bích Hằng cho biết, qua nhiều năm Lễ hội đền Trần được tổ chức ngày càng quy mô, thắm đượm bản sắc dân tộc.

Lễ hội đền Trần Thái Bình là hoạt động văn hóa tâm linh đầu xuân tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước, mang đậm giá trị nhân văn, dấu ấn văn hóa, có ý nghĩa lịch sử lớn lao, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, thể hiện nét văn hóa đặc sắc của mảnh đất, con người Thái Bình và vùng đất Long Hưng, Hưng Hà.

Lung linh sắc màu trong đêm khai hội đền Trần tỉnh Thái Bình ảnh 5

Sân khấu chính rộng hơn 1.000m2 tái hiện những giai đoạn dựng nước, giữ nước của quân, dân nhà Trần.

Lung linh sắc màu trong đêm khai hội đền Trần tỉnh Thái Bình ảnh 6

Vở diễn bán thực cảnh "Hào khí Đông A-Tiếng vọng ngàn năm" với gần 400 nam nữ diễn viên tham gia, kết hợp công nghệ trình chiếu 3D Mapping gây ấn tượng với người xem.

Kể từ khi di tích được phục dựng và tôn tạo, Lễ hội đền Trần tỉnh Thái Bình đã được khôi phục và duy trì vào ngày 13 tháng Giêng hằng năm theo đúng định lệ cổ truyền.

Năm 2014, Khu lăng mộ và Đền thờ các vị vua triều Trần, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Lễ hội đền Trần đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tháng 9/2021, quần thể Khu di tích đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tổng thể với diện tích 195,01ha.

Lung linh sắc màu trong đêm khai hội đền Trần tỉnh Thái Bình ảnh 7

Các đại biểu dự khai mạc Lễ hội đền Trần tỉnh Thái Bình.

Lễ hội đền Trần tỉnh Thái Bình diễn ra trong 5 ngày (từ ngày 22 đến ngày 26/2/2024 (tức ngày 13 đến ngày 17 tháng Giêng).

Trong sáng 22/2, đã diễn ra lễ tế mở cửa đền; sau đó là lễ rước nước được tổ chức với quy mô lớn. Trong các ngày tiếp theo sẽ có nhiều hoạt động phong phú, đa sắc màu gắn liền với nét văn hóa truyền thống của nhà Trần.

Điểm nhấn chính là tổ chức thi cỗ cá, đây là một nét văn hóa riêng có tại lễ hội đền Trần tỉnh Thái Bình để nhắc nhớ đến nguồn cội của nhà Trần làm nghề chài lưới.