Trong ngày thi đấu hôm qua, VĐV cử tạ người khuyết tật hàng đầu của Việt Nam Lê Văn Công thi đấu ở hạng cân 49 kg nam sở trường. Lực sĩ đến từ Thành phố Hồ Chí Minh là niềm hy vọng huy chương của thể thao người khuyết tật nước ta bởi anh đang nắm giữ kỷ lục thế giới (183,5 kg) và kỷ lục Paralympic (183 kg) ở hạng cân này. Tại Paralympic lần này, Lê Văn Công phải cạnh tranh với tám VĐV rất mạnh đến từ các nước là: Omar Qarada (Jordan), Kayapinar (Thổ Nhĩ Kỳ), Tunkel (Hungary), Zheng Yu (Trung Quốc), Noorsaeed (Saudi Arabia), Parmjeet (Ấn Độ), Adelaide (Pháp), Beyour (Algeria). Trong đó, Lê Văn Công từng cạnh tranh HCV với Omar Qarada ở Paralympic Tokyo 2020 và anh chỉ đoạt HCB. Tại hạng cân 49 kg, các VĐV được thi đấu ba lượt theo mức tạ đăng ký từ thấp đến cao.
Ngay ở lượt đấu đầu tiên, Lê Văn Công cùng hai VĐV của Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt lên vào tốp ba tranh huy chương. Ở lượt đấu này, lực sĩ của Việt Nam đăng ký mức tạ ban đầu là 171 kg, Omar Qarada đăng ký mức 175 kg, còn Kayapinar đăng ký mức 172 kg và cả ba đều thành công ở lượt cử đầu tiên. Trong lượt cử thứ hai, Lê Văn Công nâng mức tạ lên 176 kg, nhưng anh có vẻ chịu áp lực và ảnh hưởng của chấn thương trước đó ở vai, cho nên nâng không thành công, trong khi Omar Qarada và Kayapinar đều nâng được mức tạ đăng ký lần lượt là 177 kg và 176 kg. Tại lượt thi đấu cuối cùng, VĐV Adelaide của Pháp quyết định nâng mức tạ lên 172 kg nhằm giành HCĐ, trong khi Lê Văn Công cũng nâng mức đăng ký lên 180 kg, ngang với Kayapinar, còn Omar Qarada đăng ký mức 184 kg với mục tiêu phá kỷ lục thế giới và Paralympic. Sau khi Adelaide và Kayapinar thất bại ở mức đăng ký, Lê Văn Công quyết định nâng mức tạ lên 181 kg, song cũng không thành công. Omar Qarada thi đấu sau đó cũng hạ mức tạ xuống 181 kg để bảo đảm “chắc ăn” và đã bảo vệ được HCV giành được tại kỳ Thế vận hội ở Tokyo. Với thành tích nêu trên, Kayapinar đoạt HCB, Lê Văn Công đoạt HCĐ. Tuy nhiên, lực sĩ của Việt Nam vẫn nắm giữ được kỷ lục thế giới và Paralympic của mình ở các giải đấu trước và hoàn thành trọn bộ huy chương đủ màu của Thế vận hội.
Năm nay tròn 40 tuổi, Lê Văn Công đã có bề dày thành tích đáng ngưỡng mộ trong gần 20 năm qua, bao gồm: HCV châu Á 2007, HCB thế giới 2007, HCV Para Games 2009 và 2014, HCB thế giới 2014, HCV ASIAD 2014, HCV châu Á 2015, phá kỷ lục Thế vận hội và đoạt HCV Paralympic 2016, lập kỷ lục thế giới và đoạt HCV thế giới 2017, đoạt HCB Paralympic 2020 và HCĐ Paralympic 2024.
* Cũng trong ngày 4/9, VĐV Phạm Nguyễn Khánh Minh của Việt Nam đã thi đấu vòng loại chạy 400m nam hạng thương tật T12. Vòng đấu này có ba lượt chạy, Khánh Minh cùng chung đường chạy với hai VĐV rất mạnh Rouay Jebabli của Tunisia, Oguz Akbulut của Thổ Nhĩ Kỳ và đã không thể làm nên bất ngờ. Tuy áp sát, chỉ kém Akbulut về thứ hai 1 giây 24, nhưng với thành tích 51 giây 28, Khánh Minh xếp cuối cùng và không được vào chung kết. Thành tích tốt nhất mà VĐV của Thành phố Hồ Chí Minh từng lập được là 49 giây 92 cách đây 5 năm ở Giải vô địch thế giới 2019. Xếp hạng chung cuộc của ba lượt chạy ở vòng loại, Khánh Minh xếp thứ bảy trong 10 VĐV, chỉ bốn VĐV dẫn đầu lọt vào chung kết.
Chaiwat Rattana hai lần liên tiếp phá kỷ lục Paralympic nội dung xe lăn tốc độ cự ly 100m tại Paris 2024. |
Bốn nước Đông Nam Á đều đoạt HCV
Đoàn Thể thao người khuyết tật Thái Lan đã thi đấu rất thành công sau sáu ngày thi đấu của Paralympic Paris 2024 khi giành 4 HCV, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Nổi bật là tấm HCV của VĐV Chaiwat Rattana ở nội dung đua xe lăn tốc độ cự ly 100m hạng T34 môn điền kinh. Ở vòng đấu loại, tay đua của Thái Lan đã xuất sắc phá kỷ lục Paralympic với thành tích 14 giây 81 và sau đó thêm một lần nâng kỷ lục của chính mình lên 14 giây 76 để giành HCV. Chaiwat Rattana đã truất ngôi của VĐV đang giữ kỷ lục thế giới từ năm 2019, ba lần vô địch Thế vận hội người Tunisia là Walid Ktila. “Tôi không thể tin rằng mình đã đoạt HCV. Đó là điều tôi luôn mong muốn” - VĐV 28 tuổi của Thái Lan vui mừng chia sẻ. Anh từng giành HCV T34 100m đầu tiên tại Asian Para Games 2018 và tiếp theo tại Paris 2023.
* Cũng ở môn điền kinh, VĐV đang giữ cả kỷ lục thế giới và kỷ lục Thế vận hội của Thái Lan là Paeyo Pongsakorn giành chiến thắng thuyết phục ở nội dung sở trường 400m xe lăn hạng T53. Đây là lần thứ hai liên tiếp, Paeyo Pongsakorn giành HCV tại Paralympic. Đáng tiếc, tay đua này không thể nâng cao thành tích kỷ lục cá nhân của riêng mình.
* Thái Lan cũng giành HCV ở môn bóng mầu (boccia) sau khi VĐV Worawut Saengampa đánh bại đối thủ người Indonesia Muhammad Bintang Herlangga trong trận chung kết hạng BC2 của nam với tỷ số 6-1. Trong trận chung kết môn đấu kiếm trên xe lăn, VĐV Saysunee Jana đã thắng sít sao 15-14 trước đối thủ người Trung Quốc Xiao Rong để giành HCV thứ tư cho Thái Lan. Jana cho biết: “Đây là lần thắng đầu tiên và vô cùng đặc biệt. Tôi chưa bao giờ đánh bại Xiao, cho nên phải chủ động đẩy nhanh tốc độ thi đấu bởi nếu đánh chậm, trận đấu sẽ không đi theo cách của tôi”.
* Đoàn Singapore đã giành hai HCV đều do công của VĐV bơi Yip Pin Xiu. Từng nhiều lần vô địch thế giới và Paralympic, Yip Pin Xiu hiện giữ cả hai kỷ lục thế giới và Thế vận hội được thiết lập tại Paralympic 2016. Mặc dù không còn sung sức như khi lập kỷ lục thế giới, người phụ nữ 32 tuổi này vẫn giành HCV với thành tích vượt trội trong đợt thi chung kết 50 m bơi ngửa hạng S2 với thời gian thi đấu 1 phút 5 giây 99, hơn gần 3 giây so với VĐV giành HCB. Ở cự ly 100m hạng S2, Yip Pin Xiu cũng là đương kim kỷ lục thế giới, nhưng thành tích giành HCV của VĐV này (2 phút 21 giây 73) chỉ hơn đối thủ 6% giây, kém gần 14 giây so với kỷ lục thế giới và kỷ lục Paralympic. Hiện tại, Yip Pin Xiu đã giành bảy HCV cho đoàn Singapore kể từ kỳ Paralympic 2008.
* Đoàn Indonesia cũng giành một HCV ở môn cầu lông. Hai VĐV Sadiyah Khalimatus Ramdani và Oktila Leani Ratri giành HCV đôi nam nữ ở hạng SL3-SU5. Điều đáng nói là Indonesia thể hiện ưu thế vượt trội ở hạng thi đấu SL3-SU5 khi trận chung kết chỉ là cuộc thi đấu nội bộ của họ. Kể từ khi cầu lông được đưa vào chương trình thi đấu Paralympic năm 2020, Indonesia giành cả hai HCV nội dung đôi nam nữ và đều do Sadiyah và Oktila lập công.
* Cầu lông cũng là nội dung thi đấu giúp đoàn Malaysia giành HCV tại Paralympic năm nay. Trong trận chung kết đơn nam hạng SU5, tay vợt Liek Hou Cheah của Malaysia giành thắng lợi 21-13, 21-15 trước tay vợt Suryo Nugroho của Indonesia để lần thứ hai liên tiếp vô địch Paralympic. Ngay sau khi Liek Hou Cheah giành HCV, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia Hannah Yeoh thông báo rằng, VĐV này sẽ nhận được phần thưởng trị giá 1 triệu RM (khoảng 5,8 tỷ đồng) từ chính phủ và trợ cấp hằng tháng là 5.000 RM (khoảng gần 30 triệu đồng) suốt đời thông qua Chương trình Khuyến khích thể thao Olympic.
* Với thành tích bơi kỷ lục thế giới ở nội dung 200 m hỗn hợp cá nhân SM13, VĐV Paralympic trung lập Ihar Boki của Belarus không chỉ giành HCV thứ năm tại Paralympic Paris 2024 mà còn là HCV Paralympic lần thứ 21. Ở nội dung bơi hỗn hợp 200m cá nhân, anh đã lập kỷ lục thế giới mới về thời gian 2 phút 2 giây 03, nhanh hơn 4,63 giây so với VĐV giành HCB ■