Kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (7-1-1979 - 7-1-2019)

Lực lượng vũ trang Quân khu 9 trong chiến thắng chiến tranh biên giới Tây Nam

Trong chiến thắng chiến tranh biên giới Tây Nam, lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu (QK) 9 tham chiến từ đầu và đóng vai trò quan trọng cùng các lực lượng khác giải phóng đất nước Cam-pu-chia, giúp bạn thoát khỏi họa diệt chủng. Bên cạnh đó, LLVT QK 9 là đội quân chủ lực trong việc giúp bạn xây dựng quân đội, chính quyền, khôi phục lại sản xuất, đời sống sau chiến tranh.

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, trong khi LLVT QK 9 đang cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn tập trung cho các nhiệm vụ ổn định đời sống nhân dân, xây dựng củng cố hệ thống chính trị, thì tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari (lực lượng Khmer Ðỏ nắm quyền ở Cam-pu-chia) đưa quân chiếm đóng một số đảo trong vùng biển Tây Nam và biên giới trên bộ của nước ta. Những ngày đầu tháng 5-1975, chúng đổ bộ lên phía bắc đảo Phú Quốc, đảo Thổ Chu, Hòn Ông, Hòn Bà cướp bóc tài sản, giết hại dã man đồng bào ta, bắt đi gần 600 người dân vô tội.

Trước tình hình nêu trên, QK 9 tổ chức lực lượng và được sự chi viện không quân, hải quân của Bộ Quốc phòng, từ ngày 15-5-1975 đến ngày 14-6-1975, LLVT QK 9 đã chiến đấu giải phóng hoàn toàn các đảo Thổ Chu, Hòn Ông, Hòn Bà. Tại đảo Phú Quốc, lực lượng ta ngăn chặn địch ở phía bắc đảo, sau đó tổ chức đấu tranh chính trị, ngoại giao buộc chúng phải rút đi.

Ở biên giới trên bộ, từ giữa tháng 5-1975, Khmer Ðỏ dùng lực lượng xâm lấn biên giới, có nơi thọc sâu vào lãnh thổ đất nước ta, nhổ cột mốc, tung dư luận sẽ lấy lại sáu tỉnh Nam Bộ... Ngày 4-6-1975, QK 9 sử dụng một bộ phận lực lượng Sư đoàn 4 và Trung đoàn 101, kết hợp lực lượng tại chỗ, tiến công đẩy địch ra khỏi biên giới. Sau đó, QK 9 rút toàn bộ lực lượng chủ lực, các trận địa pháo dọc biên giới về phía sau, chỉ để lại các đồn biên phòng, lực lượng dân quân du kích và duy trì ban liên lạc các tỉnh biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia nhằm củng cố mối quan hệ đoàn kết, giải quyết kịp thời mọi xung đột vũ trang.

Tuy nhiên, sau thời gian khiêu khích vũ trang, xâm lấn biên giới, đêm 30-4-1977, Khmer Ðỏ bất ngờ nổ súng tiến công vào lãnh thổ Việt Nam. Trên địa bàn QK 9, địch tiến công vào tuyến biên giới thuộc tỉnh An Giang từ Vĩnh Gia đến Vĩnh Xương, gồm 14 trong tổng số 16 xã dọc biên giới. Chúng bao vây, đánh chiếm một số đồn biên phòng và các chốt của ta vùng biên giới; dùng hỏa lực đánh mạnh vào các đồn Long Bình, Ðông Ðức, Xóm Chùa, Vĩnh Xương của huyện Phú Châu. Ðánh chiếm đến đâu chúng bắn giết nhân dân, đốt nhà, cướp của đến đó, gây nhiều tội ác với nhân dân ta.

Tuy bước đầu có bất ngờ, nhưng lực lượng ta trên tuyến biên giới đã chặn đánh quyết liệt, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Ngay trong đêm 30-4-1977, QK 9 ra lệnh cho Trung đoàn Hải quân 962 đưa bốn tàu PCF lên Phú Châu và ra lệnh cho Trung đoàn 1, Sư đoàn 330 sẵn sàng cơ động đánh địch. Ðồng thời, báo động cho các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Ðồng Tháp, Long An nắm chắc tình hình biên giới, sẵn sàng đối phó mọi tình huống. Ngày 4-5-1977, Trung đoàn 1, Sư đoàn 330 lên biên giới, phối hợp hai tiểu đoàn tỉnh An Giang đánh địch, khôi phục được khu vực bắc và tây sông Bình Di. Sau đó, tiếp tục đánh địch, khôi phục toàn bộ biên giới khu vực Phú Châu và Bắc Ðay đến Long Bình (dài 11 km).

Cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam diễn ra ngày càng quyết liệt. Ngày 11-6-1977, địch chuyển hướng tiến công sang tuyến biên giới thuộc tỉnh Kiên Giang, đánh vào khu vực phía bắc Hà Tiên và tuyến Giang Thành - Vĩnh Ðiều, làm bàn đạp đánh chiếm Hà Tiên. QK 9 điều Sư đoàn 330 cùng một bộ phận của Sư đoàn 4, có xe M113 và không quân chi viện tổ chức tiến công, đẩy địch về đất Cam-pu-chia từ 3 đến 5 km, sau đó ta rút về biên giới; khôi phục được tuyến Vĩnh Ðiều - Ðầm Chích.

Trên cơ sở xác định những hành động xâm lấn đất đai, giết hại đồng bào ta của Khmer Ðỏ sẽ còn tiếp diễn, Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh QK 9 đề ra nhiệm vụ cho các LLVT phải bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân… Ðầu tháng 12-1977, QK 9 mở chiến dịch tiến công từ biên giới An Giang và Kiên Giang sâu sang đất Cam-pu-chia, nhằm mục đích: tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận sinh lực địch; bảo vệ công cuộc xây dựng hòa bình của nhân dân ta; đánh phá bàn đạp xuất phát tiến công của địch sang đất ta; đồng thời tạo điều kiện cho lực lượng cách mạng và nhân dân Cam-pu-chia nổi dậy. Cuộc tiến công này ta đánh chiếm nhiều mục tiêu, gây cho chúng tổn thất nặng nề, tình hình biên giới tạm ổn.

Chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, QK 9 rút toàn bộ lực lượng về biên giới, sẵn sàng tiêu diệt địch khi chúng tiến công sang đất ta. Ðồng thời, chỉ đạo các địa phương nhanh chóng củng cố, xây dựng và phát triển lực lượng du kích, dân quân tự vệ; tiếp tục truy quét tàn quân và bọn phản động đang ẩn náu trên địa bàn… Ngoài ra, để tăng cường lực lượng cho tuyến biên giới, QK 9 điều động một số tiểu đoàn của các tỉnh phía sau lên phối hợp lực lượng các tỉnh biên giới, bố trí từng khu vực phòng thủ và sẵn sàng sử dụng lực lượng chủ lực của QK 9 cơ động đánh địch.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, LLVT QK 9 luôn thể hiện tinh thần nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh cấp trên, nhất là chiến đấu bảo vệ biên giới đầu năm 1978. Ðể tăng cường lực lượng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, QK 9 thành lập thêm Sư đoàn 339. Ngay sau khi thành lập, Sư đoàn vừa củng cố bổ sung, vừa tham gia chiến đấu tại địa bàn các tỉnh An Giang, Ðồng Tháp.

Trong khi quân và dân các tỉnh biên giới trên địa bàn vẫn tiếp tục kiên trì giải quyết vấn đề biên giới với Cam-pu-chia bằng biện pháp hòa bình, hữu nghị, hợp tác, thì Khmer Ðỏ gấp rút phát triển LLVT. Từ tháng 5-1978 đến tháng 12-1978, Khmer Ðỏ đã huy động 10 sư đoàn mở cuộc tổng tiến công trên toàn biên giới nước ta. Trước hành động dã man của Khmer Ðỏ, đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Ðoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia (thành lập tháng 12-1978), LLVT QK 9 cùng với các đơn vị của Bộ Quốc phòng đã mở cuộc tổng phản công - tiến công trên toàn tuyến biên giới, phá vỡ hệ thống phòng thủ vòng ngoài của Khmer Ðỏ, lần lượt tiêu diệt và làm tan rã cơ bản ba cụm quân chủ lực của Khmer Ðỏ án ngữ các trục đường tiến vào thủ đô Phnôm Pênh - đầu não của chế độ diệt chủng.

Trong đợt tổng phản công này, LLVT QK 9 (tham chiến bốn sư đoàn bộ binh gồm: Sư đoàn 4, Sư đoàn 8, Sư đoàn 330 và Sư đoàn 339), được giao nhiệm vụ phối hợp Quân đoàn 4 tiến công trên hướng chủ yếu đánh chiếm thủ đô Phnôm Pênh; đánh chiếm sân bay quốc tế Pô-chen-tông, thọc sâu đánh chiếm phủ Thủ tướng, Bộ Quốc phòng, khu nhà cố vấn và cán bộ cấp cao Pôn Pốt, Bộ Tư lệnh Thiết giáp, Ðài phát thanh và các mục tiêu chủ yếu khác. Trong đó, Bộ Quốc phòng tăng cường cho QK 9 Sư đoàn 304, thuộc Quân đoàn 2. Riêng Sư đoàn 4 và Sư đoàn 8 làm nhiệm vụ truy quét ở khu vực Tà-keo, Ki-ri-vông và Công-pông Trách.

Ngày 6-1-1979, các hướng tiến công của QK 9 đã đập tan các tuyến phòng thủ ngăn chặn của địch. Trong đội hình của Sư đoàn 330, Trung đoàn 3 có xe tăng chi viện, từ phía nam đánh thẳng vào núi Sang-công và chiếm được khu vực này. Trung đoàn 2 phát triển theo hướng Thnốt-bak đánh chiếm các mục tiêu ở Tà-ni. Ðêm 6 rạng ngày 7-1-1979, QK 9 điều động xe quân sự và xe dân sự từ Tịnh Biên (An Giang) sang, nối dài trên quốc lộ 2, sẵn sàng cho cuộc hành quân thọc sâu vào Phnôm Pênh.

Cũng trong sáng 6-1-1979, đội hình của Sư đoàn 4 hành quân bằng các loại xe quân sự, xe dân sự huy động từ các tỉnh hậu phương sang. Từ Tà-ni và bắc điểm cao 87, Sư đoàn 4 hành quân cấp tốc, vừa chiến đấu vừa mở đường mà tiến. Ðến 9 giờ ngày 7-1, Sư đoàn 4 làm chủ hoàn toàn khu vực Tà-ni. Sau khi phá vỡ tuyến ngăn chặn Tà-ni, các sư đoàn thực hiện thọc sâu theo phương án. Sư đoàn 330 được tăng cường Trung đoàn 9 thuộc Sư đoàn 339 hành quân tiến theo quốc lộ 3, nhanh chóng thọc sâu tiêu diệt các mục tiêu đã định. Chiều 7-1, Sư đoàn 339 vừa tới Pô-chen-tông thì Sư đoàn 330 đã chiếm được sân bay Pô-chen-tông còn nguyên vẹn, với hàng chục máy bay các loại. Sư đoàn 339 tiến thẳng vào phối hợp các đơn vị giải phóng thủ đô Phnôm Pênh. Các lực lượng của QK 9 phối hợp Quân đoàn 4 giải phóng hoàn toàn thủ đô Phnôm Pênh lúc 17 giờ ngày 7-1-1979.

Trong chiến thắng chiến tranh biên giới Tây Nam, LLVT QK 9 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu mà Bộ Quốc phòng giao, giải phóng gần nửa triệu dân Cam-pu-chia, cùng các đơn vị của Bộ Quốc phòng và lực lượng của bạn giải phóng hoàn toàn đất nước Cam-pu-chia, thoát khỏi họa diệt chủng.

Sau giải phóng, đất nước Cam-pu-chia còn nhiều khó khăn, đáp lời kêu gọi của cách mạng Cam-pu-chia và thực hiện Hiệp định giữa hai Chính phủ, LLVT QK 9 cùng với Quân tình nguyện Việt Nam sang giúp bạn xây dựng quân đội, chính quyền, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Trong 10 năm giúp bạn, LLVT QK9 phối hợp lực lượng của bạn loại khỏi vòng chiến đấu hơn 157 nghìn tên địch, trong đó tiêu diệt gần 40 nghìn tên; xây dựng lại các phum, sóc, hệ thống giao thông, thủy lợi, giúp dân khôi phục sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống.

Thiếu tướng Lê Xã Hội, nguyên Phó Tư lệnh QK 9, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 4, khẳng định: Trong chiến thắng chiến tranh biên giới Tây Nam, LLVT QK 9 có mặt từ đầu giải phóng các đảo ở vùng biển Tây Nam khi lực lượng Khmer Ðỏ mới chiếm đóng. LLVT QK 9 nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của Khmer Ðỏ và các thế lực thù địch cho nên chủ động tiến công tiêu diệt địch dọc tuyến biên giới và tiến sâu vào nước bạn tiêu diệt hoàn toàn sinh lực để chúng không còn cơ hội quay lại xâm chiếm biên giới nước ta. Thực hiện chủ trương giúp bạn là giúp mình, LLVT QK 9 làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, tích cực giúp nước bạn Cam-pu-chia xây dựng quân đội, chính quyền, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Ðặc biệt, chiến thắng này ngoài sự đóng góp của LLVT QK 9, còn có sự đóng góp to lớn của nhân dân khu vực Tây Nam Bộ đã chi viện sức người, sức của trong chiến tranh để giành chiến thắng trong giai đoạn đất nước hết sức khó khăn…