Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chủ tịch nước…
Báo cáo tại buổi làm việc cho biết: Cục Cứu hộ-Cứu nạn, Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; từ năm 1996 đến nay đạt một số kết quả nổi bật.
Trong đó, đã tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ứng phó khắc phục 222 cơn bão, 84 áp thấp nhiệt đới và 63.574 sự cố, thiên tai, dịch bệnh; điều động 4.162.629 lượt người và 164.941 lượt phương tiện, cứu được 73.865 người và 6.365 phương tiện, trong đó Quân đội tham gia 3.441.043 lượt cán bộ, chiến sĩ (chiếm 83%) và 110.354 lượt phương tiện (chiếm 67%) cứu được 56.788 người (chiếm 77%), 4.815 phương tiện (chiếm 76%)...
Chủ tịch nước đã kiểm tra lực lượng sẵn sàng tìm kiếm cứu nạn trên biển qua hệ thống truyền hình trực tuyến VSAT. Theo đó, Chủ tịch nước đã kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ và thăm hỏi, chúc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tại Quần đảo Trường Sa; Tầu Cảnh sát biển 6001, Tầu HQ 628 Vùng 3 Hải quân, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2…
Cán bộ, chiến sĩ và người dân tại buổi làm việc. |
Báo cáo với Chủ tịch nước về kết quả thực hiện nhiệm vụ, cuộc sống, sinh hoạt tại các đảo và vùng biển của Tổ quốc, các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân bày tỏ tình cảm xúc động được trò chuyện, đón nhận sự quan tâm của Chủ tịch nước và chia sẻ: Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư, các đảo trên quần đảo Trường Sa ngày càng thay đổi và phát triển xanh, đẹp, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển. Người dân và cán bộ, chiến sĩ xin hứa luôn sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để phát triển cuộc sống, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao cũng như thực hiện kịp thời nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ trên biển….
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ: Sự cố, thiên tai, thảm họa luôn là thách thức lớn đối với mỗi quốc gia trong đó có Việt Nam. Đảng, Nhà nước luôn xác định công tác ứng phó với sự cố, thảm họa, thiên tại do con người và thiên nhiên gây ra là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, liên tục cần sự phối hợp, hiệp đồng của cả hệ thống chính trị, huy động nguồn lực xã hội và cộng đồng, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt.
Những nỗ lực, hy sinh của các đồng chí đã góp phần to lớn khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, khắc phục các sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, làm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng
Chủ tịch nước nêu rõ: Nhiệm vụ của các đồng chí được nhân dân gọi là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” của lực lượng vũ trang. Những nỗ lực, hy sinh của các đồng chí đã góp phần to lớn khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, khắc phục các sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, làm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Chỉ rõ năm 2023 và những năm sắp tới, các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống trên thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với các dự báo đều lưu ý biến đổi khí hậu, thách thức thiên tai, môi trường, dịch bệnh ngày càng diễn ra bất thường, cực đoan, Chủ tịch nước đề nghị thời gian tới, Đảng ủy, Chỉ huy Cục Cứu hộ-Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiếp tục phát huy thành tích đạt được, nỗ lực cố gắng thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra.
Trong đó tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về phòng thủ dân sự, mới đây nhất là Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo…
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi làm việc. |
Chủ tịch nước đề nghị tham mưu kiện toàn hệ thống tổ chức, lực lượng phòng thủ dân sự các cấp đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh tổ chức lực lượng nòng cốt, lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm phải tập hợp được lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia. Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phòng, ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả.
Chủ tịch nước lưu ý: Đầu tư trang thiết bị, phương tiện cho các tình huống; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo. Nâng cao năng lực tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy, điều hành của người chỉ huy phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn. Chú trọng đào tạo, tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ cứu hộ, cứu nạn sát với thực tiễn, nâng cao kỹ năng, rèn luyện khả năng cơ động, ý chí quyết tâm của lực lượng cứu hộ, cứu nạn, không ngại gian khổ, không sợ hiểm nguy.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ, cần đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong phòng thủ dân sự, trong chuyển giao công nghệ, chia sẻ thông tin, dự báo thảm họa, thiên tai, hỗ trợ các nguồn lực tài chính, trang thiết bị, năng lực, kinh nghiệm trong ứng phó với sự cố, thảm họa, thiên tại và biến đổi khí hậu. Tích cực tham gia nghĩa vụ quốc tế, khẳng định chính sách đối ngoại, trách nhiệm cao trước cộng đồng quốc tế của Việt Nam.