Lực bán mạnh trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới

NDO - Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), sắc đỏ áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong tuần giao dịch vừa qua (22-28/7). Toàn bộ 10 mặt hàng nhóm kim loại đều giảm giá, trong đó, kim loại quý đã bước sang tuần thứ ba suy yếu liên tiếp. Thị trường cà phê cũng ghi nhận một tuần giao dịch nhiều biến động, kết phiên, giá Robusta và Arabica lần lượt lao dốc 5% và 3,3%. Lực bán mạnh trên thị trường giao dịch đã kéo chỉ số MXV-Index hạ 1,71% xuống 2.132 điểm.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Giá kim loại quý tiếp đà đi xuống

Khép lại tuần giao dịch vừa qua, sắc đỏ tiếp tục phủ kín bảng giá kim loại. Đối với kim loại quý, giá bạc và giá bạch kim đã bước sang tuần thứ ba giảm liên tiếp. Trong đó, giá bạc giảm 4,37% về 28,02 USD/ounce, mức thấp gần ba tháng trở lại đây. Giá bạch kim để mất 3,03% giá trị, chốt tuần tại 944,4 USD/ounce, thấp nhất ba tháng.

Tuần trước, dữ liệu việc làm và GDP của Mỹ tích cực hơn so với dự báo đã xua tan mối lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ có thể “hạ cánh cứng”, nhu cầu trú ẩn đối với kim loại quý vì thế cũng giảm bớt, qua đó lực bán bạc và bạch kim gia tăng. Hơn nữa, sự không chắc chắn về triển vọng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng tạo áp lực lên giá kim loại quý. Công cụ theo dõi lãi suất CME FedWatch cho thấy giới đầu tư đặt cược 87% khả năng FED hạ lãi suất 25 điểm cơ bản trong tháng 9, giảm từ mức 100% đạt được vào tuần trước đó.

Lực bán mạnh trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới ảnh 1

Trong tuần này, cuộc họp lãi suất tháng 7 của FED sẽ diễn ra vào hai ngày cuối tháng 30-31/7 và quyết định về lãi suất sẽ công bố vào rạng sáng 1/8. Hiện nay, giới đầu tư gần như chắc chắn FED sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp lần này. Do vậy, điều thị trường quan tâm hơn là những bình luận trong cuộc họp báo của Chủ tịch FED Jerome Powell, những bình luận này có thể tiết lộ manh mối về lộ trình lãi suất của FED. Ngoài ra, báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ công bố vào thứ Sáu (2/8) cũng là tâm điểm chú ý của thị trường.

Giá cà phê hạ nhiệt mạnh

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá cà phê Robusta lao dốc 5,03% về mức 4.302 USD/tấn; giá cà phê Arabica cũng đánh mất 3,34% so với tham chiếu, ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp. Áp lực từ tỷ giá USD/BRL lấn át hỗ trợ từ các thông tin cơ bản trên thị trường.

Trong tuần qua, đồng Real nội địa của Brazil yếu đi đã đẩy tỷ giá USD/BRL tăng thêm 1,08%, sát mức cao nhất trong hơn hai năm. Đồng USD mạnh lên tương đối so với đồng Real giúp kích thích nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil, từ đó gây sức ép lên giá.

Lực bán mạnh trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới ảnh 2

Ngoài ra, hoạt động thu hoạch cà phê tại Brazil cũng tạo áp lực cho giá cà phê. Báo cáo tiến độ cho thấy nông dân nước này đang đẩy mạnh thu hoạch. Theo hãng tư vấn Safras&Mercado, tính đến ngày 26/7, Brazil đã thu hoạch 81% sản lượng cà phê vụ 2024-2025, cao hơn mức 74% của cùng kỳ năm ngoái và 77% của trung bình 5 năm gần nhất. Thời tiết khô ráo dự kiến sẽ giúp nông dân Brazil đẩy nhanh tốc độ, hướng tới việc hoàn thành sớm hoạt động thu hoạch vụ này.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (29/7), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ hiện dao động quanh 123.400-124.000 đồng/kg. Mức giá này ổn định so với ngày hôm qua nhưng giảm mạnh từ 2.000-3.000 đồng/kg so với cùng thời điểm tuần trước.