Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đang là thách thức với Viện Kiểm sát

NDO - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước với những quy định trách nhiệm rất chặt chẽ đang là thách thức lớn đối trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí. (Ảnh: Duy Linh)
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí. (Ảnh: Duy Linh)

Sáng 6/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Trình bày Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, để triển khai hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của ngành, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo toàn ngành kiểm sát thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã đạt được kết quả tích cực trong việc thực hiện các Nghị quyết quan trọng về quản lý đất đai và xử lý tội phạm xâm hại trẻ em.

Các Viện Kiểm sát nhân dân đã chủ động và nghiêm túc thực hiện chỉ thị của Đảng và Nhà nước, đồng thời phối hợp tốt với các cơ quan liên quan để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Những con số biết nói

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 82/2019/QH14 về quản lý đất đai tại đô thị đã đạt được những thành tựu đáng kể. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi phạm tội liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai. Nhờ hoạt động này, đã đưa ra 14 kiến nghị nhằm áp dụng biện pháp phòng ngừa và xử lý tội phạm trong quản lý đất đai.

Ngoài ra, việc thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 về xử lý tội phạm xâm hại trẻ em cũng đạt được kết quả tích cực. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã lãnh đạo và phối hợp các bộ, ngành liên quan để ban hành thông tư liên tịch về việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết các vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em; bảo đảm truy tố đúng thời hạn đạt tỷ lệ 100%, vượt 10% và truy tố bị can đúng tội danh đạt tỷ lệ 99,99%, vượt 4,99% so với chỉ tiêu của Quốc hội.

Các Viện Kiểm sát nhân dân đã thực hiện tốt công tác công tố và kiểm sát, đồng thời chặt chẽ phối hợp với cơ quan điều tra từ khi có tố giác, tin báo về tội phạm. Công tác truy tố và xét xử đã được bảo đảm đúng thời hạn và đạt tỷ lệ cao. Trong đó, tỷ lệ người bị bắt, tạm giữ sau đó chuyển xử lý hình sự đạt 99%; số vụ án Viện kiểm sát truy tố đúng thời hạn đạt tỷ lệ 100% và số bị can Viện kiểm sát truy tố đúng tội danh đạt tỷ lệ 99,99%.

Công tác thực hiện quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp cũng đã đạt được kết quả tích cực theo Nghị quyết số 134/2020/QH14. Tỷ lệ người bị bắt, tạm giữ và chuyển xử đã vượt quá các chỉ tiêu được đề ra, đồng thời tỷ lệ truy tố bị can cũng đạt mức cao.

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đang là thách thức với Viện Kiểm sát ảnh 1
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí báo cáo trước Quốc hội. (Ảnh: Duy Linh)

Luật vẫn đang là thách thức

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, quá trình triển khai công tác còn một số tồn tại, hạn chế như: Nhiều quy định mới của các đạo luật về tư pháp đã có hiệu lực thi hành nhưng nhận thức giữa các cơ quan tiến hành tố tụng còn chưa thống nhất; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước với những quy định trách nhiệm rất chặt chẽ đang là thách thức lớn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân.

Bên cạnh đó, thực hiện Bộ luật Tố tụng hình sự, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát tăng lên rất nhiều, xuyên suốt từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

Đặc biệt, việc thực hiện quy định kiểm sát viên phải tham gia một số hoạt động điều tra và trực tiếp điều tra đang gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với đơn vị có địa bàn rộng, chưa có điều kiện bố trí đủ công chức, kiểm sát viên.

Đề ra giải pháp cho thời gian tới, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, cần thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; tập trung tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra theo Bộ luật Tố tụng hình sự, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu nghiệp vụ, đặc biệt là chỉ tiêu theo yêu cầu Nghị quyết số 96 của Quốc hội, phấn đấu không để xảy ra các trường hợp đình chỉ bị can do không phạm tội, tòa án tuyên bị cáo không phạm tội.

Bên cạnh đó, tập trung giải quyết tốt các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án hình sự nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.