Đây là khẳng định của Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ tại Hội thảo quốc tế “Luật pháp về biên giới lãnh thổ: Giá trị và thực tiễn vận dụng”, diễn ra ngày 7/9 tại Hà Nội, do Bộ Ngoại giao phối hợp với Phái đoàn Wallonie-Bruxelles (Bỉ) tại Việt Nam tổ chức.
Tham dự hội thảo có khoảng 150 đại biểu là các học giả trong nước và quốc tế chuyên sâu về pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế, các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao, đại diện các ban, bộ, ngành, địa phương biên giới và ven biển, cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí.
Giải quyết hoà bình các tranh chấp lãnh thổ, phù hợp luật pháp quốc tế
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa của vấn đề chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia trong quan hệ quốc tế, mối quan hệ giữa chủ quyền, biên giới quốc gia đối với an ninh, hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển.
Điểm lại các kết quả trong quá trình giải quyết, xử lý các vấn đề biên giới lãnh thổ Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam về vai trò và tầm quan trọng của luật pháp quốc tế - cơ sở quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ.
Cùng với quá trình giải quyết, Việt Nam không chỉ tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế mà còn xây dựng và củng cố hệ thống pháp lý quốc gia, bảo đảm sự tương thích của hệ thống pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
“Là một quốc gia ven biển ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vừa có biên giới trên bộ, vừa có biên giới trên biển với các quốc gia láng giềng. Trong quá trình giải quyết tranh chấp biên giới lãnh thổ với các quốc gia láng giềng, Việt Nam luôn tôn trọng và thiện chí áp dụng các quy định của luật pháp quốc tế và cam kết giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, cho tới nay, với biên giới trên đất liền, Việt Nam đã hoàn tất việc phân giới cắm mốc, đồng thời đạt được nhiều thoả thuận quan trọng về quản lý biên giới trên bộ với Trung Quốc và Lào, đạt nhiều bước tiến quan trọng trong quá trình phân giới cắm mốc với Campuchia.
Với biên giới trên biển, Việt Nam cũng đã đàm phán và ký kết thành công nhiều hiệp định phân định biển với các quốc gia láng giềng như phân định Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc, phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với Thái Lan, phân định thềm lục địa với Indonesia.
Trong quá trình giải quyết tranh chấp biên giới lãnh thổ với các quốc gia láng giềng, Việt Nam luôn tôn trọng và thiện chí áp dụng các quy định của luật pháp quốc tế và cam kết giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ
Việt Nam cũng đã kết thúc quá trình đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế với Indonesia. Trong quá trình chờ phân định vùng thềm lục địa chồng lấn, Việt Nam cũng đã đạt được thoả thuận khai thác chung và cùng đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng với Malaysia.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ khẳng định, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ nỗ lực giải quyết một số khu vực còn khác biệt để hoàn tất việc xác lập biên giới trên bộ với Campuchia, đồng thời tiếp tục các nỗ lực để giải quyết một cách hoà bình các tranh chấp trên Biển Đông.
Trong quá trình này, kinh nghiệm giải quyết tranh chấp lãnh thổ của các quốc gia, trong đó có các quốc gia châu Âu, là bài học quý báu để Việt Nam tiếp tục thực hiện nỗ lực và cam kết của mình trong việc giải quyết hoà bình các tranh chấp lãnh thổ phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Pháp luật Việt Nam về biên giới lãnh thổ phù hợp luật pháp quốc tế
Các chuyên gia, học giả cùng đại diện các bộ, ngành tham gia thảo luận tại hội thảo. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Tại hội thảo các chuyên gia đã cùng thảo luận, cập nhật về cách thức áp dụng một cách thiện chí luật pháp quốc tế vào việc xác lập biên giới lãnh thổ và giải quyết tranh chấp hòa bình giữa các quốc gia, cũng như cùng nhìn lại quá trình Việt Nam vận dụng luật pháp quốc tế để xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới lãnh thổ quốc gia.
Tại Phiên 1 với chủ đề “Nhìn lại quá trình Việt Nam xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới lãnh thổ quốc gia”, các chuyên gia, học giả trong nước cũng như đại diện các bộ, ngành đã có các tham luận đánh giá, nêu bật ý nghĩa và kết quả triển khai Luật Biên giới quốc gia sau 20 năm ban hành và đi vào cuộc sống, thực tiễn thực thi Luật Biển Việt Nam sau 10 năm có hiệu lực, qua đó khẳng định pháp luật Việt Nam về biên giới lãnh thổ phù hợp với luật pháp quốc tế.
Phiên 2 với chủ đề “Một số vấn đề pháp lý và thực tiễn liên quan đến Biển Đông” đã thu hút sự quan tâm với những tham luận của các học giả, chuyên gia quốc tế đến từ Bỉ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Cộng hòa Síp…, tập trung vào các chủ đề có tính thời sự: Tranh chấp lãnh thổ tại Tòa án Công lý quốc tế, giá trị của đường cơ sở thẳng bao quanh quần đảo ngoài khơi, vấn đề IUU, một số khía cạnh pháp lý quan trọng, có ý nghĩa với việc giải quyết tranh chấp hoà bình tại Biển Đông…
Các đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận, chia sẻ nhiều nội dung có liên quan đến việc xây dựng, bảo vệ và quản lý biên giới lãnh thổ, nhất trí về tầm quan trọng của luật pháp quốc tế đối với tiến trình này, cũng như đề xuất các biện pháp nhằm hài hòa giữa luật pháp quốc gia với luật pháp quốc tế trong công tác biên giới lãnh thổ.