Tồn tại tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá
Theo Tờ trình về dự án Luật đấu giá tài sản do Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày, đấu giá là một trong những hình thức mua bán tài sản phổ biến trong nền kinh tế thị trường. Tại nhiều nước trên thế giới, hoạt động đấu giá tài sản đã có lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm. Ở nước ta, việc đấu giá tài sản do các hỗ giá viên thực hiện đã hình thành và tồn tại trong thời kỳ Pháp thuộc.
Hoạt động đấu giá tài sản được quy định trong một số văn bản pháp luật. Quốc hội đã ban hành Luật thương mại quy định việc bán đấu giá tài sản của thương nhân. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành các Nghị định quy định về lĩnh vực này, trong đó gần đây nhất là Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 4-3-2010 về bán đấu giá tài sản.
Tính đến ngày 31-12-2014, cả nước có 619 đấu giá viên đang làm việc tại các tổ chức đấu giá trong tổng số 1.259 người được cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá, 63 trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản được thành lập tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc xã hội hóa hoạt động đấu giá tài sản bước đầu có kết quả với sự ra đời 190 doanh nghiệp đấu giá tài sản.
Theo số liệu thống kê từ tháng 7-2010 đến tháng 12-2014, các tổ chức đấu giá tài sản đã ký 47.449 hợp đồng đấu giá với giá khởi điểm hơn 62.010 tỷ đồng, giá trị tài sản bán được hơn 67.273 tỷ đồng, vượt hơn 5.262 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động đấu giá tài sản đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung còn chưa có hiệu quả, còn tồn tại tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá; chưa có cơ chế hữu hiệu kiểm soát việc đấu giá, nhất là đấu giá tài sản nhà nước.
Gần một nửa số đấu giá viên hiện nay chưa qua đào tạo nghề, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề còn hạn chế. Doanh nghiệp đấu giá đã có sự phát triển đáng kể về số lượng nhưng tổ chức và hoạt động còn chưa chuyên nghiệp, quy mô nhỏ, cơ sở vật chất yếu kém. Chỉ có khoảng 20/190 doanh nghiệp hoạt động chuyên nghiệp về đấu giá tài sản trong tổng số doanh nghiệp có đăng ký hoạt động đấu giá. Phần lớn doanh nghiệp còn lại chỉ đăng ký hoạt động đấu giá tài sản mà không thực hiện phiên đấu giá nào trên thực tế.
Số trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tự chủ về kinh phí hoạt động còn chưa nhiều; một số trung tâm hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách của nhà nước.
Ngoài ra, vẫn còn tình trạng thành lập Hội đồng để bán đấu giá tài sản không đúng quy định của pháp luật. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động đấu giá, nhất là giữa doanh nghiệp đấu giá tài sản là tổ chức kinh tế hoạt động theo pháp luật doanh nghiệp với trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản là đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, tại Việt Nam hoạt động đấu giá chủ yếu tập trung vào các tài sản mà theo quy định của pháp luật bắt buộc phải đấu giá, có rất ít tổ chức, cá nhân tự nguyện lựa chọn dịch vụ đấu giá để xử lý tài sản của mình mà chủ yếu thường tự bán tài sản. Trong cả nước mới chỉ có 37 cuộc đấu giá tự nguyện.
Nguyên nhân chính là do thể chế pháp luật về đấu giá tài sản hiện hành chưa đồng bộ, chưa thống nhất. Dịch vụ đấu giá là một hoạt động quan trọng trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp nhưng đến nay vẫn chưa có đạo luật riêng điều chỉnh.
Xây dựng luật nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động đấu giá
“Việc ban hành Luật đấu giá tài sản nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đối với lĩnh vực này theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới là rất cần thiết”, tờ trình của Chính phủ nhấn mạnh.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật đấu giá tài sản do Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày cũng thể hiện quan điểm nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật đấu giá tài sản.
Việc ban hành Luật đấu giá tài sản nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu về xã hội hóa và tính chuyên nghiệp trong hoạt động đấu giá tài sản, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Đa số ý kiến đề nghị Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật này tại kỳ họp thứ 10 và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 11 vào tháng 3-2016, thay vì để đến Quốc hội khóa 14 xem xét, thông qua để Luật sớm có hiệu lực, kịp thời giải quyết những vướng mắc hiện nay.
Đa số ý kiến cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật là phù hợp, không chồng chéo, trùng lắp với phạm vi điều chỉnh tại các luật có liên quan về đấu giá tài sản.
Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng dự án Luật cần quy định việc đấu giá các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu để thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu, bảo đảm tính minh bạch và bảo đảm quyền sở hữu tài sản của các chủ thể.
Ủy ban Kinh tế cho rằng, thực tế thời gian vừa qua việc xử lý các khoản nợ xấu của các ngân hàng thương mại diễn ra chậm và cho rằng đây là nguồn lực quan trọng, cần sớm phát huy tạo hiệu quả cho nền kinh tế, trong đó có nguyên nhân lớn do vướng mắc từ các văn bản pháp luật. Hiện nay việc xử lý các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được điều chỉnh bởi các văn bản dưới luật mà tính ổn định chưa cao, vẫn chưa mang tính thị trường. Do đó, đề nghị nghiên cứu, thiết kế một số quy định mang tính nguyên tắc điều chỉnh việc đấu giá các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại dự án Luật và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết.
Dự kiến, dự thảo luật này sẽ được Quốc hội thảo luận ở tổ vào ngày 9-11 và ở hội trường vào ngày 19-11.