Khi cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương
Tháng 11-2011, đồng chí Trần Ðình Thất được luân chuyển về làm Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn (Bắc Cạn). Thời điểm đó, tình trạng khai thác vàng trái phép tại địa phương diễn ra rất phức tạp. Một trong những nguyên nhân để xảy ra tình trạng này là do đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của huyện thiếu kiên quyết trong xử lý, có biểu hiện bao che tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Với hàng loạt khó khăn khi được luân chuyển về làm Chủ tịch UBND huyện, đồng chí Trần Ðình Thất kể: Tôi đã chịu rất nhiều áp lực, kể cả sự đe dọa qua tin nhắn của các chủ khai thác vàng. Thời gian đầu, nhiều cuộc họp của UBND huyện về triển khai các biện pháp ngăn chặn, xóa bỏ các điểm khai thác vàng trái phép bị lộ. Các cuộc ra quân truy quét các bãi vàng của huyện đều không thành công. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các xã xảy ra tình trạng khai thác vàng trái phép thì hầu như bất lực, do quan hệ họ hàng, làng, bản chi phối. Nhưng với quyết tâm ngăn chặn bằng được tình trạng này, tôi đã lãnh đạo các phòng, ban liên quan triển khai nhiều biện pháp và đến nay đã cơ bản khắc phục việc khai thác vàng trái phép. Tôi nghĩ rằng, nếu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền không phải là người địa phương sẽ rất thuận lợi trong xử lý các vụ việc, điểm nóng.
Không phải là người địa phương, tháng 12-2011, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân (nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi) được luân chuyển về làm Bí thư Huyện ủy Tư Nghĩa. Ðây là địa bàn cửa ngõ TP Quảng Ngãi, đang trong quá trình phát triển, triển khai nhiều dự án lớn của tỉnh. Trong nửa nhiệm kỳ qua, Tư Nghĩa có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong công tác xây dựng Ðảng cũng như trong phát triển kinh tế - xã hội. Có được kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của đồng chí Bí thư Huyện ủy. Ðồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết: "Sau gần hai năm về cơ sở, tôi thấy chủ trương luân chuyển cán bộ gắn với bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương đã đi vào cuộc sống, có nhiều chuyển biến tích cực về công tác cán bộ. Ðể nắm địa bàn, nắm cán bộ, khi mới về luân chuyển, tôi thường xuyên đi cơ sở, gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, đảng viên; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng công tác xây dựng Ðảng; tập trung giải quyết sớm những vấn đề nảy sinh ở cơ sở".
Cán bộ kiểm lâm Khu bảo tồn Kim Hỷ vận động bà con xã Lạng San (Na Rì, Bắc Cạn) trồng và bảo vệ rừng.
Từ kết quả bước đầu nêu trên, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã chọn huyện Tư Nghĩa làm điểm thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương theo Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng, Kết luận 24-KL/TW của Bộ Chính trị, ngày 5-6-2012, về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Theo đó, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã luân chuyển đồng chí Huỳnh Chánh (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi) về giữ chức danh Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa. Như vậy, cả Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa lần đầu tiên đều không phải là người địa phương. Trao đổi với chúng tôi, các đồng chí đều thể hiện quyết tâm khắc phục khó khăn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo địa phương phát triển toàn diện.
Nhớ về những ngày đầu luân chuyển về làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đồng chí Võ Văn Thưởng kể: Khi mới về địa phương, có một đồng chí nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy đến gặp tôi nói rằng: "Tôi biết cậu luân chuyển về đây chỉ là "tráng men". Cho nên, tôi khuyên cậu, làm việc gì cũng từ từ thôi, nếu không sẽ rất khó lãnh đạo, dễ làm mất lòng anh em, nhất là đối với các đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt". Sau hai năm, cũng đồng chí ấy lại đến gặp tôi phấn khởi nhận xét: "Vừa qua đồng chí đã có nhiều đóng góp cho địa phương, nhất là về công tác xây dựng Ðảng. Cách lãnh đạo, chỉ đạo như vậy là quyết liệt và hiệu quả". Trong nửa nhiệm kỳ qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã cùng tập thể Tỉnh ủy lãnh đạo Ðảng bộ Quảng Ngãi tập trung giải quyết nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc kéo dài nhiều năm liên quan các vấn đề về: Quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; các vụ việc khiếu nại, khiếu kiện của nhân dân; tình trạng chậm trễ và nợ đọng trong đầu tư xây dựng các dự án; thủ tục cải cách hành chính; công tác tổ chức cán bộ; việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của cán bộ, đảng viên và những vấn đề mà dư luận đặt ra. Ðối với công tác xây dựng Ðảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do HÐND bầu để làm thước đo đánh giá hiệu quả công việc của cán bộ; chú trọng công tác luân chuyển cán bộ gắn với bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương; tăng cường thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn trong Ðảng; tăng cường đối thoại với dân...
Sinh năm 1975, quê ở xã Hòa Thắng (Phú Hòa, Phú Yên), đã từng là Bí thư Thành đoàn, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Tuy Hòa, cuối tháng 11-2012, đồng chí Lê Thị Thùy Dâng được luân chuyển về làm Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND phường 2. Ðây là địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, quản lý đô thị, tôn giáo... Ðồng chí đã xác định rõ những việc cần làm ngay khi được luân chuyển; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy sức mạnh đoàn kết; tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của những cán bộ đi trước để xử lý, giải quyết công việc ở cơ sở. Nhờ vậy, đến nay, các vấn đề phức tạp trên địa bàn đã được giải quyết.
Là một trong các địa phương sớm triển khai chủ trương luân chuyển gắn với bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương, đến nay, Tỉnh ủy Phú Yên đã luân chuyển 6/9 đồng chí Bí thư Huyện ủy (Tuy Hòa, Sông Cầu, Ðồng Xuân, Sông Hinh, Ðông Hòa, Tây Hòa), 3/9 đồng chí Chủ tịch UBND cấp huyện (Tuy Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa) không phải là người địa phương. Theo đồng chí Ðào Tấn Lộc, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, chủ trương luân chuyển, bố trí một số cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương nhằm khắc phục tình trạng cục bộ trong công tác cán bộ, "dây mơ, dễ má" trong xử lý công việc, góp phần rèn luyện đội ngũ cán bộ trong diện quy hoạch. Các đồng chí được luân chuyển về làm Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện không phải là người địa phương đều sớm nắm bắt cơ sở, giải quyết nhiều vụ việc tồn đọng một cách khách quan, công tâm. Triển khai Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định cần tiếp tục thực hiện việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Phú Yên chủ trương ở đâu yếu về lĩnh vực nào thì luân chuyển cán bộ thuộc ngành đó về giữ chức danh cán bộ chủ chốt tại địa phương. Phú Yên sớm thực hiện một số chủ trương mới của Trung ương như việc chất vấn và trả lời chất vấn trong Ðảng, luân chuyển gắn với bố trí một số chức danh chủ chốt không phải là người địa phương...
Khắc phục những hạn chế, bất cập
Từ năm 2002 đến nay, việc luân chuyển, bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương đã được triển khai tại các tỉnh, thành phố trên cả nước và bước đầu đạt kết quả quan trọng. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, Tỉnh ủy Bắc Cạn đã luân chuyển, bố trí 7/8 Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện; Thái Nguyên (3/9 Bí thư, 4/9 Chủ tịch UBND cấp huyện); Quảng Ninh (11/14 Bí thư, 4/14 Chủ tịch UBND cấp huyện); Quảng Ngãi (3/14 Bí thư, 5/14 Chủ tịch UBND cấp huyện)... không phải là người địa phương. Theo đánh giá của Bộ Chính trị tại Kết luận số 24-KL/TW, ngày 5-6-2012, về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo, kết quả luân chuyển một số chức danh cán bộ không là người địa phương ở cấp tỉnh và cấp huyện đạt kết quả tốt. Hầu hết cán bộ qua luân chuyển đều có bước trưởng thành, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có quan điểm nhìn nhận và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện hơn, sát thực tế hơn...
Tuy nhiên, chủ trương luân chuyển, bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo không phải là người địa phương trong thời gian qua gặp một số hạn chế, bất cập. Việc lựa chọn địa bàn, chức danh luân chuyển trong một số trường hợp còn bất hợp lý, thậm chí còn trái ngành, trái nghề, vừa không đáp ứng yêu cầu đào tạo, vừa hạn chế sự đóng góp của cán bộ luân chuyển. Sự quản lý, giám sát, quan tâm, tạo điều kiện đối với cán bộ luân chuyển từ phía các cơ quan, nhất là từ nơi đi, nơi đến chưa được quy định cụ thể, dẫn đến việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ sau luân chuyển có trường hợp còn bất cập, thiếu chính xác. Về phía cán bộ được luân chuyển, một số ít còn chậm tiếp cận công việc, đóng góp đối với địa phương còn hạn chế, cá biệt còn có biểu hiện chọn địa bàn, chọn vị trí sau luân chuyển... Chế độ nhà công vụ và một số chế độ, chính sách khác chưa được nghiên cứu quy định cụ thể, làm hạn chế công tác luân chuyển cán bộ.
Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng, ngày 16-1-2012, xác định: "Tiếp tục thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt ở cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương". Kết luận số 24-KL/TW, ngày 5-6-2012 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo, nêu rõ: "Ðẩy mạnh công tác luân chuyển, đào tạo cán bộ, đồng thời thực hiện chủ trương luân chuyển, bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt (bí thư, chủ tịch UBND, trưởng các ngành công an, tòa án, viện kiểm sát) không là người địa phương, phấn đấu đến năm 2015 trên 25% tỉnh, thành phố và trên 50% quận, huyện thực hiện chủ trương này; kết hợp bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở các cấp, các ngành, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu cán bộ và hiện tượng cục bộ, trì trệ, quan liêu, tham nhũng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước".
Ðể đạt được mục tiêu trên, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các ban, bộ, ngành tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu: Ðẩy mạnh công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ đồng thời với việc đổi mới đồng bộ các khâu khác trong công tác cán bộ; trước hết là đổi mới công tác đánh giá cán bộ, xác định thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và trong quy hoạch, luân chuyển cán bộ; cần xây dựng và thực hiện quy định về luân chuyển cán bộ, trong đó xác định cụ thể về thời gian, điều kiện, tiêu chuẩn, đối tượng luân chuyển theo quy hoạch và quy trình luân chuyển, bố trí một số chức danh lãnh đạo, quản lý ở cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương...
Ðể đội ngũ cán bộ được luân chuyển yên tâm công tác, các cơ quan chức năng cần xây dựng và thực hiện quy định về việc quản lý, giám sát đối với cán bộ luân chuyển; thực hiện chế độ nhà công vụ và ban hành khung chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển, tạo điều kiện để cán bộ luân chuyển yên tâm rèn luyện và cống hiến; cần sự phối hợp đồng bộ và trách nhiệm của cấp ủy nơi đi, nơi đến và nơi về sau khi cán bộ kết thúc luân chuyển.
TẠ QUANG DŨNG
----------------
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 11-9-2013.