Lửa vẫn đỏ, than vẫn đượm

Nhẩm tính, đã hơn chục năm lên sống trên chung cư khép kín, nhưng chưa Tết năm nào tôi bỏ được cái bếp củi gộc nấu bánh chưng, nhóm lên dưới xóm nhà cấp bốn, chen chúc, quây quần người lao động. Vốn là hàng xóm, tắt lửa tối đèn có nhau, khi tôi được “lên đời”, họ vẫn phải sống thấp thỏm trong diện chờ giải phóng mặt bằng. Sống trên tầng cao, mà chẳng thể dứt được nếp sống tầng thấp. Khói bếp củi lửa, tro trấu, theo gió vẫn cuốn lên, lách vào khe cửa mỗi chiều muộn. Vào buổi chiều cuối cùng của năm cũ, những đống củi nhặt nhạnh, gom góp của mọi nhà lại được mang ra, chụm lại, đốt lên bếp lửa rực hồng giữa đêm đông, bốn bề gió buốt lạnh…

Không khí gia đình đầm ấm trong ngày Tết cổ truyền. Ảnh: HOÀNG HÀ
Không khí gia đình đầm ấm trong ngày Tết cổ truyền. Ảnh: HOÀNG HÀ

Khoảng trống ấy chưa đủ rộng để gọi là sân chung. Trẻ con chạy nhảy vẫn cuồng chân, chơi cầu lông, bóng đá càng chật chội. Chỉ đủ chỗ cho mấy bàn cờ tướng của những cụ cao tuổi, rỗi việc nhà, ham quây quần. Chỗ đó là không gian cách biệt cuộc sống giữa hai lớp cư dân rất khó trộn lẫn, hòa nhập. Chẳng có hàng rào, bức tường nào ngăn cách, mà không thấy ai vượt qua. Cuộc đời phải nhìn lên, mấy ai nhìn xuống. Những người ở sát đất, lụp xụp, chen chúc, thường ngước mắt ngó lên những ô cửa kính khi buông rèm sang trọng, khi sáng choang như khách sạn. Ở trên mấy tầng chót vót đầy đủ tiện nghi, điều hòa hai chiều nóng – lạnh, mưa không tới mặt, nắng không tới đầu, mấy người ngó xuống. Tôi, chả hiểu vì cơn cớ gì, dây dợ vẫn chằng chịt, không dứt nổi. Hễ thấy tấm bạt rách trùm kín mảnh trời trống trải, là tôi sà xuống ngay. Nếu không phải chuyện ăn hỏi, cưới xin thì cũng là ma chay, giỗ chạp. Nếu không có chỗ đất trống đó, có lẽ họ chẳng tìm đâu ra nơi để san sẻ việc hiếu hỉ, chung nhau buồn vui. Đâu phải như ở trên những căn hộ biệt lập hiện đại. Quanh năm suốt tháng đóng chặt cửa, mấy lần khóa. Nhà nào biết nhà đó, hiếm thấy mặt nhau, có khi hàng xóm không biết tên, nói gì hỏi han, trò chuyện. Cả một hành lang thênh thang, bặt im ngỡ nhà hoang. Tuyệt nhiên, không tiếng trẻ nô đùa, la hét hay khóc lóc. Thi thoảng, buổi sáng, giờ đi làm, xế chiều lúc tan tầm mới thấy những bóng người thấp thoáng. Vội vã bước ra, vội vã đi vào…

Mới xế trưa ngày 30 Tết, bạt đã được căng lên, phần phật gió như cánh buồm no gió. Qua những ngày tạnh ráo hửng nắng giữa tiết đông giá, gió mùa đông bắc ập về mang theo cái rét căm căm từ bên kia sông Đuống, sông Hồng. Lại có cả mưa phùn rắc bụi, dù không đọng thành hạt, mà thấm sâu, tê buốt. Ngồi trong căn phòng chung cư kín bưng, vẫn cảm thấy lạnh lẽo, cô đơn. Nhưng, khi phong phanh giữa bốn bề hoang hoải gió, tôi chợt nghe trong lòng ấm lạ. Ấm cúng bởi ba bếp củi đang rực cháy, chỉ một phần. Hơi ấm tỏa ra từ mấy chục người đang tíu tít, ríu rít rửa lá dong, chẻ lạt, vo gạo, ngâm đỗ, pha thịt. Một ngày cuối đông trở gió. Thấy gió phũ phàng dứt đứt những chiếc lá vàng cuối cùng cố bấu víu trên cành khô. Thấy gió ào ào cuốn bay đám lá khẽ rụng đầy lòng đường, ngõ xóm nghèo thưa vắng bóng người. Gió ấy vun gom những người lao động vào chỗ đất chật hẹp này. Mọi thiếu thốn được san sẻ cho nhau, hóa nên đầy đủ. Nồi bánh chưng chẳng phải của riêng nhà nào. Trong thùng có bao nhiêu gạo nếp để dành, trong nhà có mấy cân thịt, đỗ xanh, măng miến… đều đổ ra, nấu chung. Tết đâu phải của riêng ai! Lo xong nồi bánh chưng, nồi cá kho, vại dưa hành, coi là xong Tết, đơn giản thế thôi. Cả xóm vo tròn lại, với gần hai chục hộ thành một bếp ăn tập thể. Chẳng khác gì Tết quê giữa thành phố, khuất sau chung cư hiện đại.

Quá nửa đời đón Tết, hưởng hương vị Tết, giờ trong tôi chỉ là sự thờ ơ, nguội lạnh. Còn một chút háo hức, náo nức chẳng qua vì mấy đứa cháu nhỏ. Đã bao giờ chúng được ngửi mùi khói củi, mùi gạo vo, đỗ xanh? Đã bao giờ tận mắt thấy ngọn lửa bập bùng, rừng rực cháy, nồi bánh chưng ngập đầy nước, sôi sùng sục, nghi ngút hơi? Tôi cứ sợ lũ trẻ rồi sẽ quên mất thứ “mùi” lam lũ, vất vả từ cha mẹ vắt sang đời mình. Những người lam lũ ở ngay dưới chân những căn hộ cao tầng, cao cấp, sát trên mặt đất mà dường như nhiều người không ngó ngàng tới. Hiện tại mà họ đang sống từng ngày chẳng phải là quá khứ mà mình đã nếm trải sao? Nên, thay vì phải lục tìm trong ký ức, kể lể những chuyện ngày xưa, tôi thường dắt hai đứa cháu, lê la trên mảnh sân bừa bộn, ngổn ngang từng chồng lá dong, những thúng gạo nếp đầy ụ. Nghe bảo, vào dịp Tết, ở viện bảo tàng người ta tổ chức cho học trò tham quan, tận mắt xem người lớn rửa lá dong, đãi đỗ, tước lạt, pha thịt. Rồi nhìn những thợ gói bánh chưng thuê, vuông thành, chặt tay, đầy đặn, chẳng cần khuôn sẵn. Đằng này, ở đây, những bàn tay bé bỏng chỉ quen nhấn “chuột”, lướt trên bàn phím, iphone… được bốc từng vốc gạo, bỏ nắm đỗ vàng, đặt miếng thịt nhỏ xíu lên tấm lá dong xanh mướt. Tự tay gói chiếc bánh chưng tí hon, méo mó, mà gói trọn cả một niềm vui chưa từng có. Niềm vui trẻ thơ có thể đọc trong đôi mắt đầy nôn nao, bồn chồn ngồi canh nồi bánh sôi lục bục. Buồn ngủ, con bé vẫn cố căng mắt chờ đến lúc vớt bánh, ép bánh. Bởi nó được nếm chiếc bánh tự tay mình gói. Xuýt xoa, hoan hỉ thưởng thức “sản phẩm” đầu tay. Ngắm nhìn nó, tự dưng tôi ứa nước mắt như thấy lại hình ảnh mình hồi bé. Cũng bên nồi bánh chưng đêm 30, mình cũng được mẹ bóc cho chiếc bánh “vét” nho nhỏ, dồn tất cả gạo đỗ, thịt còn lại. Đó là tấm bánh ngon nhất ngày Tết, nhớ nhất qua mấy chục năm buồn vui. Hoài niệm, hoài cổ, người bảo dễ cổ hủ, có lẽ đúng. Nhưng từ quá khứ đến hiện tại là một dòng chảy liên tục, không thể đứt đoạn. Nếu không có những ngày xưa thiếu thốn, chạy vạy ăn bữa sớm lo bữa tối thì làm sao thấm thía cho hết ngày hôm nay? Ngay cả mấy thứ nước gội đầu, nước tắm ngoại đắt tiền, làm sao át nổi mùi bồ kết, hương nhu, lá mùi ngào ngạt mà mẹ tôi thường đặt cạnh nồi bánh chưng, tắm gội cho con cái. Mẹ thường bảo, tắm nước lá mùi, lá bưởi, người nhẹ nhõm, tẩy rửa được hết bụi trần, phiền muộn trong lòng…

Khi hương vị Tết xưa đã chìm vào ký ức, chỉ cần chụm củi, nhóm lên bếp lửa. Quây quần bên nồi bánh chưng, thức cùng nhau, dường như tất thảy vẫn còn nguyên vẹn như ngày nào. Khi lửa vẫn đỏ, than vẫn đượm, nghĩa là tình người chưa thể tàn lụi, nguội tắt. Dù chỉ một góc bánh chưng, một khúc cá kho ủ vùi trong trấu mùn cưa nóng âm ỉ hay một đĩa dưa hành… cũng đủ gợi nhớ đến nao lòng chái bếp của mọi nếp nhà một thời chưa xa. Nếu lửa còn cháy lên trong những sớm mai mưa rét mướt, nhập nhòe hơi sương mờ mịt, nếu lửa còn nhen lên, khói củi không thể tan loãng những chiều đông, những đêm đông ngày thường cũng như ngày áp Tết, thì hơi ấm chắc hẳn vẫn truyền từ người này sang người khác. Bếp ga, bếp điện, bếp từ, vừa nhanh vừa sạch. Có ai muốn quay về với bếp củi bận bịu, lem luốc. Hẳn nhiên, cuộc sống tiện nghi phải vươn tới hiện đại. Nhưng cuộc đời mai này liệu có nguội lạnh dần khi thiếu ngọn lửa ấm cúng trong mỗi nếp nhà khép kín, lòng người khép chặt? Làm sao giữ mãi cho bếp đỏ lửa, cho than đượm nồng từ đời mình cho tới đời con cháu? Dặn mình thôi đừng nghĩ, đừng lo xa. Cứ nhìn ánh lửa bập bùng, rạo rực trong đáy mắt hai đứa cháu, trong sâu thẳm những đôi mắt người hàng xóm, tự dưng thấy trong lòng bình yên, thanh thản. Lửa còn cháy trong mắt, than còn ủ trong lòng, lụi tắt sao được.