Lúa thơm - tôm sạch ở Sóc Trăng

Mô hình luân canh tôm - lúa ở Sóc Trăng được hàng nghìn hộ nông dân áp dụng, duy trì và mở rộng diện tích canh tác một cách hiệu quả gần 30 năm qua. Sản phẩm làm ra được người tiêu dùng tín nhiệm vì phương thức sản xuất theo hướng tự nhiên, an toàn thực phẩm. Tỉnh Sóc Trăng định hình vùng sản xuất ổn định, xác định đây là mô hình canh tác thông minh, bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững...

Mô hình tôm - lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên.
Mô hình tôm - lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên.

Sản xuất thuận theo tự nhiên

Dưới cái nắng ấm áp những ngày đầu tháng 3, niềm vui trúng mùa đang lan tỏa trên vùng sản xuất tôm - lúa của huyện Mỹ Xuyên, vùng quê vốn là khu căn cứ cách mạng trước đây. Nông dân Huỳnh Thanh Bằng, ngụ xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên vừa thu hoạch hơn 16 tấn lúa ST25 từ 2 ha, bán gần 8.300 đồng/kg, mức giá cao nhất từ trước đến nay. Trừ chi phí, anh Bằng lãi hơn 90 triệu đồng. Trước đó, anh Bằng cũng thu hoạch hơn 400 kg tôm sú tự nhiên từ ruộng lúa này, lãi hơn 40 triệu đồng. Như vậy, chỉ trong vụ tôm - lúa, anh Bằng đã thu hơn 130 triệu đồng.

"Khi nuôi tôm, mặt đáy ao hình thành lớp dưỡng chất rất tốt cho lúa và lại không có mầm sâu bệnh, vì vậy tôi hầu như không cần sử dụng thêm phân, thuốc trong vụ lúa này. Ngược lại, nuôi tôm sau vụ lúa thì nền đáy ao đã được tạo thêm khoáng cho nên các chất độc hại được giảm bớt, cắt mầm bệnh trong ruộng nuôi. Nhờ vậy, ruộng tôm sạch hơn, khi nuôi không cần phải sử dụng nhiều thuốc, hóa chất dẫn đến chi phí sản xuất thấp, lợi nhuận tăng", anh Bằng chia sẻ.

Theo nhiều nông dân ở huyện Mỹ Xuyên, nuôi tôm theo mô hình thuận thiên, tôm lớn tự nhiên, không tốn nhiều chi phí thức ăn và nhẹ công chăm sóc, lại ít bệnh, thịt chắc và ngon ngọt. Sản xuất lúa thì hoàn toàn không sử dụng phân bón và thuốc hóa học, bảo đảm sức khỏe cho nhà nông. Do là sản phẩm "sạch" cho nên tôm - lúa sau thu hoạch được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra với giá ổn định ở mức cao. So với trước đây khi độc canh cây lúa, các hộ chuyển đổi sang mô hình tôm - lúa, cho năng suất tôm nuôi bình quân đạt khoảng 380 đến 500 kg/ha, giúp người dân tăng lợi nhuận lên gấp hai, ba lần.

Các tỉnh ven biển vùng bán đảo Cà Mau gồm Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang có diện tích sản xuất lúa - tôm lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long. Riêng tỉnh Sóc Trăng, mô hình luân canh tôm - lúa được hình thành từ những năm 90 của thế kỷ trước. Gần 30 năm qua, mô hình đã mang lại thu nhập khá cao và ổn định cho người dân địa phương. Mặc dù diện tích sản xuất lúa - tôm ở Sóc Trăng chỉ 17.700 ha, tập trung ở huyện Mỹ Xuyên nhưng là nơi có mô hình sản xuất lúa - tôm hiệu quả. Sản xuất lúa - tôm tại vùng này được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế và còn là phương thức canh tác phù hợp điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng và hạn hán xâm nhập mặn.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên Đặng Văn Phương cho biết, Huyện ủy, UBND huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo giữ vững mô hình lúa - tôm bền vững hằng năm ổn định diện tích nuôi tôm nước lợ 17.700 ha, diện tích trồng lúa trên nền tôm 10.000 ha. Tổng sản lượng gần 40.000 tấn tôm và gần 46.000 tấn lúa. Nhờ phát huy tốt tiềm năng đất đai, cơ cấu cây trồng vật nuôi chuyển đổi theo hướng tích cực, trình độ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người dân được nâng lên đáng kể. Mô hình kinh tế tập thể từng bước được quan tâm và phát triển, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt gần 200 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 16,5% (5 năm trước) xuống còn hơn 1%.

Xu hướng đẩy mạnh sản xuất ngành hàng thủy sản theo hướng hữu cơ có nhiều lợi thế xuất khẩu là lựa chọn đúng của địa phương. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã nhận định, hiện nay, con tôm là đối tượng nuôi thủy sản chủ lực trong định hướng phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng. Hơn nữa, lúa ST25 - giống lúa thuộc nhóm lúa thơm ST được sản xuất và rất thích nghi với điều kiện sinh thái vùng lúa - tôm huyện Mỹ Xuyên đã đoạt giải gạo ngon nhất thế giới đang là cơ hội lớn để tiếp tục phát triển vùng sản xuất tôm - lúa chất lượng cao, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Trước đây, luân canh theo mô hình tôm - lúa, nuôi tôm thiệt hại khoảng 20%/năm. Nhưng nhờ biện pháp canh tác giảm sử dụng tối đa phân bón và thuốc trừ sâu trong sản xuất lúa để bảo vệ môi trường nuôi tôm nên hiệu quả nâng lên rõ rệt. Trong hai năm qua diện tích nuôi tôm bị thiệt hại giảm dần, từ 10% xuống còn 8,4%.

Vẫn tiềm ẩn rủi ro

Trong những năm gần đây, hiệu quả và tính bền vững của mô hình tôm - lúa được khẳng định là hướng đi đúng của ngành nông nghiệp Sóc Trăng. Tuy nhiên qua thực tế canh tác nhiều năm, mô hình này bộc lộ những yếu tố chưa ổn định do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Diện tích trồng lúa bị thu hẹp, cơ giới hóa trong sản xuất lúa trên nền tôm còn hạn chế, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng; nuôi tôm còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do dịch bệnh, môi trường... ảnh hưởng đến cuộc sống người dân địa phương.

TS Huỳnh Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng phân tích, qua thực tiễn sản xuất và các đề tài nghiên cứu khoa học của các viện, trường, luân canh tôm - lúa ở Sóc Trăng được khẳng định là mô hình có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và có tính bền vững cao. Tuy nhiên, trong quá trình duy trì và phát triển mô hình sản xuất còn gặp những khó khăn nhất định, nguyên nhân là do điều kiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như hệ thống thủy lợi, giao thông, điện sản xuất và hậu cần dịch vụ cho sản xuất tôm - lúa còn hạn chế, chưa đồng bộ. Đặc biệt là hệ thống thủy lợi chưa phù hợp và đáp ứng được đòi hỏi có tính đặc thù cho người nuôi tôm nước lợ nói chung và nuôi tôm - lúa nói riêng.

Sản xuất lúa - tôm ở Sóc Trăng cũng còn nhiều nhược điểm cần khắc phục để phát triển một cách hiệu quả và bền vững. Chẳng hạn quy trình kỹ thuật luân canh tôm - lúa chưa được tổng kết và hướng dẫn có hệ thống; phần lớn các hộ nuôi đều quy mô nhỏ lẻ, tự phát, chưa ổn định. Tuy bước đầu nông dân tổ chức sản xuất theo chuỗi nhưng chưa bền vững. Kết cấu hạ tầng hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất lúa - tôm sử dụng chung với hệ thống thủy lợi sản xuất nông nghiệp còn nhiều bất cập, thiếu hiệu quả và khó quản lý trong điều tiết nước ngọt, nước mặn; thiếu chính sách riêng khuyến khích phát triển sản xuất lúa - tôm... Mặt khác, mô hình lúa - tôm vùng này cũng đang đứng trước nhiều thách thức, nhất là sự tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng nhanh hơn dự báo, sự xâm nhập mặn sâu vào đất liền, mùa khô kéo dài, nắng nóng, mùa mưa ngắn, lượng mưa ít...

Cái khó không bó cái khôn

Thấy được tiềm năng phát triển vùng sản xuất tôm - lúa theo hướng hữu cơ là phù hợp với xu hướng chung của ngành, thời gian qua, Bộ NN-PTNT thường xuyên cử các đoàn công tác đến Sóc Trăng nhằm giúp địa phương hình thành chuỗi sản xuất an toàn. Mới đây, trong chuyến làm việc với địa phương, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã xem xét khả năng xây dựng thương hiệu gạo quốc gia ST25. Theo đó, mô hình lúa thơm - tôm sạch sẽ được chú trọng thực hiện như mô hình kiểu mẫu nhằm xây dựng thương hiệu lúa thơm - tôm sạch có chỉ dẫn địa lý kết hợp phục vụ du lịch vùng nông thôn mới ở Sóc Trăng. Tổng cục Thủy sản cũng phối hợp tỉnh Sóc Trăng thực hiện chương trình xây dựng vùng cảnh quan tôm - lúa bền vững dựa trên mục tiêu tăng trưởng xanh từ nay đến năm 2025. Chương trình đặt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên vùng tôm - lúa 17.700 ha ở huyện Mỹ Xuyên. Các đối tác tham gia chương trình có vai trò và trách nhiệm, đề xuất cụ thể để đồng tài trợ thực hiện chương trình, hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu tôm sạch và lúa thơm hữu cơ ST25.

Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tình thế. Căn cơ hơn, cần có một giải pháp tổng thể nhằm đầu tư hạ tầng đồng bộ, cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện; quan trắc môi trường tự động; hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng mô hình, liên kết sản xuất, tiêu thụ tiến tới xây dựng thương hiệu tôm - lúa hữu cơ. Mới đây, UBND huyện Mỹ Xuyên đề xuất chủ trương dự án "Đầu tư phát triển vùng sản xuất huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2021-2025". Đây là một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu.

Theo nhiều chuyên gia, dự án này là hết sức cần thiết. Tuy nhiên để dự án được hiện thực hóa, cần sự hỗ trợ tích cực của Bộ NN-PTNT, tỉnh Sóc Trăng và các bộ, ngành có liên quan.