Lửa Hà Nhì nơi ngã ba biên giới

“Chú mừ chú xá, à kha pi pô” - tiếng Hà Nhì nói “Chúc mừng năm mới, chúc mừng sức khỏe” như vậy. Người Hà Nhì có tục đốt lửa quanh năm; còn vào mùa hội không thể thiếu đống lửa to thắp sáng màn đêm lạnh, tô điểm những bước xòe. Hình ảnh lửa cũng xuất hiện nhiều trong văn học dân gian Hà Nhì. Ngày nay, đáng mừng là ngọn lửa ấy cùng nhiều nét văn hóa truyền thống Hà Nhì đặc sắc vẫn được gìn giữ và lan tỏa…

 Một đội văn nghệ thôn bản ở xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên tập hát dân ca Hà Nhì.
Một đội văn nghệ thôn bản ở xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên tập hát dân ca Hà Nhì.

Nghệ nhân của những cái nhất

Ai vượt núi, băng rừng lên tới xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên - vùng đất ngã ba biên giới huyền thoại “một con gà gáy, ba nước cùng nghe”, đều được nghe kể về ông Pờ Dần Xinh. Ghé thăm ngôi nhà nghệ nhân Hà Nhì này, càng hiểu thêm về tình người vùng cao chân chất, nồng hậu và trải nghiệm bản sắc văn hóa độc đáo của người Hà Nhì. Khắp vùng, đâu đâu cũng có dấu ấn của ông Xinh và dòng họ Pờ. Đi học cái chữ sớm nhất là ông. Bí thư Đảng ủy xã lâu năm nhất là ông. Làm kinh tế giỏi nhất là ông. Đặc biệt, ông còn là người có công rất lớn trong việc xây dựng nếp sống văn minh và bảo tồn, truyền bá văn hóa truyền thống Hà Nhì ở cực tây Tổ quốc.

Sín Thầu, nơi đặt nét bút đầu tiên mỗi khi vẽ bản đồ nước Việt, từng là vùng đất xa xôi và khó khăn bậc nhất, nơi mà mãi năm 1984 mới có nhà báo đầu tiên lội rừng đặt chân đến và tận năm 2007 mới có đường ô-tô vào tới xã. Một thời, cái đói, cái nghèo trường kỳ đeo đẳng xứ này, bao người “thân tàn ma dại” bởi mối họa thuốc phiện, lại thêm nạn thổ phỉ hoành hành. Suốt nhiều năm, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của chính quyền địa phương, đến nay Sín Thầu như đã "tỉnh cơn mê", vươn lên trở thành địa phương tiêu biểu với “bốn không”: xã duy nhất trong huyện không có người nghiện, không phá rừng, không di cư và không có truyền đạo trái phép. Tỷ lệ đói nghèo giảm hẳn, đời sống vật chất của đồng bào được cải thiện đáng kể. Nhưng trải qua thời gian, sự mất mát các bậc trưởng lão, nghệ nhân cùng với việc giới trẻ dần thiếu kiến thức và sự quan tâm đến văn hóa dân tộc khiến nhiều nét văn hóa của người Hà Nhì có dấu hiệu bị mai một. Điều đó làm cho Pờ Dần Xinh tâm tư, trăn trở rất nhiều. Ông bảo, văn hóa của người Hà Nhì giàu có lắm, phải làm sao để giữ lại cho đời con, đời cháu hiểu và yêu quý gốc gác của mình, trân trọng truyền thống bao đời của cha ông.

Nói là làm, ông Xinh bắt đầu sưu tầm những kinh nghiệm dân gian, những câu chuyện kể truyền miệng (dân tộc Hà Nhì có tiếng nói riêng nhưng không có chữ viết), những phong tục tập quán tốt đẹp, những câu hát, điệu lý Hà Nhì cổ. Ở Mường Nhé, không có xã nào ông chưa đi. Bản Hà Nhì nào dù xa đến đâu ông cũng tìm tới để tìm hiểu và ghi chép lại những tinh túy của dân tộc mình. Ông truyền lại kiến thức về nếp sống mới, góp ý để người dân xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu. Gần 30 năm theo Đảng, theo lý tưởng Bác Hồ, ông Xinh từng giữ nhiều cương vị, từ Trưởng ban Thông tin văn hóa - lao động - thương binh và xã hội, Trưởng Công an, rồi Phó Chủ tịch UBND đến Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã. Ông cũng là một trong những người đi đầu phong trào làm kinh tế với việc tự tay chăn nuôi đàn trâu, bò vài trăm con, đào ao thả cá, trồng rừng… Có lẽ, chính nhờ lối sống giản dị, cần cù, gương mẫu mà uy tín của ông trong cộng đồng rất cao. Ở Sín Thầu, có rất nhiều giai thoại, chuyện kể thú vị về ông. Nhưng đến khi mắt thấy tai nghe, chúng tôi mới càng nể phục già làng này. Đêm ấy, một ngày gần Tết cơm mới “Hồ sự chà”, đầu bản có tiếng cãi cọ của đám thanh niên. Thì ra, mấy cậu trai trẻ uống rượu say, gây sự. Bỗng có tiếng quát: “Ông Xinh! Ông Xinh đến đấy!”. Cả đám bỗng im bặt, tự giải tán, tránh để ông biết… Trưởng bản Tả Kố Khừ là ông Khoàng Cà Chừ còn nói thêm rằng, ở đây nhiều cặp vợ chồng mâu thuẫn đã tìm đến ông nhờ ông hòa giải, có gia đình muốn cho con cái đi học cũng hỏi ý kiến ông, các đội văn nghệ thôn, bản thường tìm ông để nhờ hướng dẫn, tập dượt...

Hằng năm, gia đình ông Pờ Dần Xinh tiếp đón cả trăm lượt khách, hàng nghìn khách du lịch từ khắp mọi miền đến khám phá vùng đất địa đầu và chinh phục cột mốc biên giới số 0 trên đỉnh núi Khoang La San hùng vĩ. Căn nhà nằm giữa ngã ba biên giới luôn mở rộng cửa để khách cùng ăn, cùng ngủ, ngày lội suối ra thăm cánh đồng, đêm nắm tay xòe bên đống lửa. Nhờ có ông Xinh, mô hình du lịch cộng đồng đã manh nha thành hình ở đây. Đến đây, du khách được thưởng thức và trở nên say mê văn hóa ẩm thực, trang phục, dân ca dân vũ của đồng bào. Như một dấu son ghi nhận công lao của Pờ Dần Xinh, đầu xuân này, Chủ tịch nước vừa trao tặng ông danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực văn hóa dân gian vì có công nắm giữ, truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống. Thêm một lần nữa ông lại là người đi đầu khi trở thành người Hà Nhì đầu tiên ở ngã ba biên giới nhận được vinh dự này, tiếp tục là tấm gương cho đồng bào tin tưởng, noi theo. Có một chi tiết nhỏ nhưng rất “đắt”, đó là việc ông Xinh là người mua máy ảnh sớm nhất ở Sín Thầu, vào năm 1997. Người dân ở đây gần như không biết thiết bị đó là gì, và chiếc máy ảnh có thể giá trị bằng cả một gia tài. Còn ông Xinh đã sớm nghĩ đến việc lưu lại những hình ảnh đẹp, quý giá về mảnh đất và con người quê hương.

Lửa Hà Nhì nơi ngã ba biên giới ảnh 1

Nghệ nhân ưu tú Pờ Dần Xinh - người có nhiều đóng góp trong phong trào văn hóa vùng biên.

Gìn giữ cho muôn đời sau

Dân tộc Hà Nhì sinh sống lâu đời ở vùng núi cao Mường Nhé (Điện Biên) và Mường Tè (Lai Châu) có nền văn hóa đa dạng, đậm bản sắc với lời ca tiếng hát, điệu múa, nhạc cụ, trò chơi, văn học dân gian… phản ánh lịch sử chinh phục tự nhiên và cuộc sống lao động, đấu tranh; thể hiện ước mơ hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Bên cạnh đó là các lễ hội mang sắc thái độc đáo, giàu tính cộng đồng, nhân văn và tinh thần thượng võ. Đó là Lễ tết tháng 2 “Gạ ma thú”; Lễ cầu mưa, cầu sấm chớp; Tết cơm mới "Hồ sự chà"; Lễ hội cúng rừng… Phần lớn lễ hội được tổ chức vào đầu năm, với quan niệm đây là thời điểm trời đất giao hòa, vạn vật bừng lên sức sống, con người được nghỉ ngơi sau một năm dài trước khi bắt tay vào lao động sản xuất trong năm mới.

Nếu một lần được hòa mình vào không khí ngày Tết “Hồ sự chà” lớn nhất trong năm của người Hà Nhì ở Sín Thầu, sẽ khó mà quên được âm thanh trầm bổng réo rắt của dàn nhạc cụ gồm trống, thanh la, tu húy, tiêu trúc, đàn nét đu… trong đêm hội xòe. Sẽ nhớ mãi những đôi tay, đôi chân nhịp nhàng xoay trong các điệu múa lên nương, dệt vải, trông trăng, vào mùa. Sẽ như say trong ánh mắt nồng hậu và vòng tay ấm áp của các “a nhí” (em gái), “a cố” (anh trai) đưa vào vòng xòe rực lửa. Nhờ có những người như ông Pờ Dần Xinh mà nhiều phong tục tốt đẹp được duy trì và phát huy, “sống” giữa cộng đồng. Và còn nữa, các ông Pờ Lóng Tư ở xã Mù Cả, Chu Ma Lòm ở xã Thu Lũm (đều thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, giáp ranh với huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên)… cũng là những nghệ nhân, già làng uy tín, tâm huyết giữ gìn văn hóa truyền thống.

Tuy vậy, có lẽ chỉ truyền khẩu và diễn xướng thôi chưa đủ để gìn giữ văn hóa Hà Nhì khỏi bị lai tạp và lãng quên. Các loại hình ấy vẫn rất cần sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ của chính quyền và ngành văn hóa trong công tác sưu tầm, tập hợp, phiên dịch để có thể nghiên cứu, lưu trữ, phát hành sách và ấn phẩm... Đặc biệt là các bài trường ca, dân ca trữ tình đang có nguy cơ biến mất bởi chỉ các nghệ nhân cao niên thuộc thế hệ trước mới nhớ nội dung và biết cách thể hiện. Hiện nay, tại các địa phương là địa bàn cư trú chủ yếu của người Hà Nhì như tỉnh Điện Biên, Lai Châu và Lào Cai, hằng năm đều có nguồn kinh phí hỗ trợ bảo tồn và phục dựng một số lễ hội độc đáo; gây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng thông qua việc tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc; thành lập các đội văn nghệ tại thôn, bản… Qua đó, tạo không khí phấn khởi và từng bước khơi dậy tình yêu, niềm tự hào của đồng bào đối với các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian; nâng cao đời sống tinh thần và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Trở lại câu chuyện của Nghệ nhân Ưu tú Pờ Dần Xinh, thấy di sản ông để lại không chỉ là vốn văn hóa, mà còn là những tư tưởng tích cực, tiến bộ, góp phần quan trọng vào sự đổi thay và phát triển bền vững ở vùng đất biên cương. Người Hà Nhì học theo ông, đầu tư cho con cái được học hành, “no cái chữ”. Cái bụng đầy chữ còn quý hơn cả bồ đầy lúa gạo. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô ghi nhận ông Xinh là một trong những lãnh đạo xã có uy tín nhất; giúp địa phương xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống mới. Pờ Dần Xinh là một minh chứng sống động cho vai trò, ý nghĩa lớn lao của già làng, trưởng bản, nghệ nhân có uy tín trong phong trào xây dựng nếp sống mới; đồng thời bảo tồn và phát huy văn hóa cộng đồng.

Khi chia tay, chúng tôi được ông Xinh mời một ngày thật gần trở lại thăm bản, xem hội. Mừng với những tiến bộ, đổi thay của đồng bào, càng thấy biết ơn, nể trọng những tấm lòng đáng quý như ông. Những thế hệ người Hà Nhì, dù có lúc thăng trầm khác nhau, nhưng hẳn đều không quên gìn giữ và nuôi dưỡng ngọn lửa văn hóa của mình; bởi đó chính là cội nguồn, cũng là động lực để dựng xây cuộc sống vùng biên giới ngày một bình yên, no ấm.