Lúa đông xuân đầu vụ trúng mùa, trúng giá

NDO -

Mấy ngày qua, nông dân Hậu Giang bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa đông xuân trong niềm vui phấn khởi vì trúng mùa, trúng giá. Có thể nói, đây là vụ lúa mang lại lợi nhuận cao nhất cho người trồng lúa từ trước đến nay.

Thu hoạch lúa đông xuân ở thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A.
Thu hoạch lúa đông xuân ở thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A.

Những ngày này, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thanh A là nơi thu hoạch lúa đông xuân sớm nhất tỉnh. Bà con nông dân nhiều người vui mừng vì lúa trúng mùa, được giá. Người thì cúng vịt ăn mừng, người thì mua cả bia để đãi chủ máy cắt và “cò lúa” tại ruộng. Mọi người xúm xít đông vui như ngày hội, lời thăm hỏi, chúc mừng cùng tiếng cười vang cả cánh đồng…

Theo bà con nơi đây, nhờ mùa nước lũ vừa rồi cao hơn mọi năm, mang phù sa về nhiều cộng thêm thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh, nên năng suất vụ lúa đông xuân năm nay đạt năng suất rất cao, từ 1.100 - 1.300 kg/công, tăng từ 300 - 400 kg/công. Hiện thương lái vào thu mua lúa giống 504 có giá 6.400 đồng/kg; các lúa giống OM5451, Đài thơm 8 có giá 6.500 đồng/kg… cao hơn so cùng kỳ từ 1.000 - 2.000 đồng/kg.

Lão nông Trần Văn Sinh ở ấp 3B, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A vừa thu hoạch xong 11 công lúa giống 504, khoe: “Năm nay ai cũng trúng mùa cả. Riêng gia đình tôi thu hoạch được 275 bao lúa, mỗi bao là 50 kg, tính ra, mỗi công lúa cũng được 1.250 kg, lợi nhuận thu được hơn năm triệu đồng mỗi công. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay, chứ thường thì chỉ đạt từ 3-4 triệu là cao lắm rồi”.

Tuy mừng vì lúa được mùa, trúng giá, nhưng ông Sinh và bà con nơi đây tỏ ra tiếc rẻ vì không được hưởng lợi nhuận trọn vẹn. Bởi phần lớn bà con nơi đây đều đã bán “lúa non” cho “cò lúa” hết rồi. Như trường hợp của ông Sinh, vào đầu vụ “cò lúa” đến đặt cọc trước 500.000 đồng/công, với giá thỏa thuận khi thu hoạch là 5.800 đồng/kg, năn nỉ lắm “cò lúa” mới nâng lên được 6.000 đồng/kg, trong khi giá thị trường mua tới 6.400 đồng/kg.

Ông Sinh lý giải rằng, lâu nay “cò lúa” đội máy cắt lúa và thương lái là một “liên minh” trung gian để tiêu thụ lúa cho nông dân, trong khi bà con nơi đây đa phần có diện tích canh tác nhỏ lẻ, người năm, bảy công đến hơn 1ha, nên rất khó kêu được máy cắt và người mua. Nếu không bán qua “cò lúa” thì chẳng biết phải thu hoạch ra sao, nên không dám tách ra. Phải chấp nhận chịu thiệt, năm nào lúa có giá thì “cò đậu”, lúa có giá thấp thì “cò bay”, chấp nhận bỏ tiền đặt cọc, lúc đó, nông dân phải tự bơi…

Anh Nguyễn Văn Hảo, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp thị trấn Bảy Ngàn, cho biết: Vụ lúa đông xuân năm nay bà con xuống giống được hơn 890 ha, chủ yếu các giống lúa như 504, OM 5451, Đài thơm 8, năng suất và giá cả đều cao hơn so mọi năm, lợi nhuận thu được của bà con cũng cao hơn nhiều so các năm trước. Lâu nay, bà con luôn chịu thiệt vì lệ thuộc phải bán lúa qua hệ thống “cò lúa”. Để người trồng lúa giảm tối đa chi phí trung gian, thu lợi nhuận trọn vẹn, không còn cách nào khác là phải tính đến chuyện làm ăn tập thể, hình thành vùng sản xuất lớn trên cơ sở hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để ký kết bao tiêu với các doanh nghiệp thu mua lúa.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Hậu Giang Trần Chí Hùng, trong những năm qua, Hậu Giang không ngừng đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa, kết hợp quy hoạch, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa tập trung gắn với phát triển mạnh các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, nhằm nâng cao chuỗi giá trị hạt lúa, mang lại lợi nhuận cao nhất cho bà con nông dân. Nhờ vậy, đến nay đã có gần 40 nghìn ha trong tổng số hơn 77 nghìn ha vụ lúa đông xuân năm nay được các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu.