Không chắc ai là người đầu tiên sáng tác về ẩm thực đường phố Hà Nội. Nhưng dày dặn nhất, với những trang văn đẹp nhất, không ai khác là Thạch Lam, với “Hà Nội băm sáu phố phường”. Tôi tin rằng cho đến mãi sau này, “Hà Nội băm sáu phố phường” vẫn vẹn nguyên giá trị là cuốn “từ điển” về ẩm thực – văn hóa Hà Nội. “Này đây mới là quà chính tông: bánh cuốn, ăn với chả lợn béo, hay với đậu rán nóng. Nhưng là bánh cuốn Thanh Trì mỏng như tờ giấy và trong như lụa. Vị bánh thơm bột mịn và dẻo. Bánh chay thì thanh đạm, bánh mặn đậm vì chút mỡ hành. Người bán bánh cuốn Thanh Trì đội mẹt và rổ trên đầu, từng tụm năm, bảy người từ phía Lò Lợn đi vào trong phố, dáng điệu uyển chuyển và nhanh nhẹn”. Có biết bao nhiêu dòng văn tinh tế và lãng mạn như thế mà Thạch Lam đã dành cho những gánh hàng rong. Cùng thời với Thạch Lam, Vũ Bằng cũng ưu ái cũng dành nhiều tình cảm cho ẩm thực xứ Bắc, nhất là ẩm thực Hà Nội. Những hàng quán vỉa hè, thậm chí, được ông nhắc đến một cách đầy trịnh trọng. Phở, đặc trưng của Hà Nội ngày ấy, có phở gánh, phở hiệu và phở xe đẩy, thì Vũ Bằng “ưu ái” phở gánh hơn hẳn mấy thứ kia.
Văn hóa vỉa hè không còn là điều cần bàn cãi. Ngay đến Rama Martin, một chuyên gia người Uruguay làm việc trong lĩnh vực ngân hàng cũng hóa thi sĩ khi ngắm những “hoạt cảnh” đường phố Hà Nội. Ông để lại tác phẩm Hà Nội một chốn rong chơi sau nhiều năm công tác tại Việt Nam.
***
Vỉa hè, là một bộ phận cấu thành nên hệ thống giao thông. Song đó là một bộ phận đặc biệt. Nói theo ngôn ngữ của các nhà quy hoạch, đó là “vùng đệm” giữa con đường và các công trình kiến trúc. Cái tư cách “vùng đệm” ấy là nơi diễn ra nhịp sống phố phường, và sản sinh ra văn hóa vỉa hè. Với người Hà Nội, cái đặc trưng này còn được nhấn mạnh hơn. Không biết tự bao giờ, người Hà Nội đã quen với việc “lấy ngoại thất làm nội thất”. Với thói quen ăn quà, với tập tính của một xã hội tiểu nông còn rơi rớt, hàng rong, rồi quán xá vỉa hè trở thành một phần hiển nhiên của Hà Nội. Bảy mươi năm sau khi Thạch Lam viết “Hà Nội băm sáu phố phường”, Rama Martin vẫn ngẩn ngơ khi cuộc sống “ngồn ngộn” được người Hà Nội bày biện ra ngay trên vỉa hè với những hình ảnh của những người bán hàng rong, những bà mẹ vẫn đang cho con bú, những người đàn ông vẫn ngồi đánh cờ tướng, những cụ già vẫn đi dạo trong bộ quần áo ngủ...
Nhưng như một vở diễn, khi vai phụ lấn át vai chính, bất cập ắt nảy sinh. Những con phố ken đặc bàn ăn, bàn uống khiến người đi bộ chỉ còn cách đi xuống lòng đường xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Hiếm có thành phố nào, mà tồn tại những thuật ngữ kỳ lạ như Hà Nội. Đồng hành với “bún mắng, cháo chửi”, là “phở chạy, bún bưng, cà phê đuổi”. Kể từ khi thành phố Hà Nội quyết tâm lập lại trật tự vỉa hè, cụm từ “phở chạy, bún bưng, cà phê đuổi” xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Nam phụ lão ấu bưng bát phở chạy ráo khi có công an hoặc đội trật tự đến. Rồi lại bưng bát phở, đặt trên chiếc ghế nhựa xì xụp húp tiếp khi xe của đội trật tự phì phạch đi qua. Cả những công chức, những trai thanh gái lịch ăn mặc rất hợp thời cũng có phần trong những “hoạt cảnh” đường phố ấy. Những lý luận rất hay về văn minh đô thị mà chính những con người ấy từng diễn thuyết bỗng nhiên biến đâu mất khi sà vào quán xá vỉa hè. Dù đôi khi ngay cạnh đó là nắp cống hôi thối, hay một đống rác lù lù.
Những “hoạt cảnh” đường phố đáng yêu như cách gọi của nhiều văn nghệ sĩ, biến thành những vở bi – hài kịch.
***
“Một gian nhà đổ căng một cái bạt; một cổng đình chắn một tấm phên tre; một cái ngõ, che mấy tấm tôn và kê một hai tấm ghế dài: thế là đã thành một cửa hàng rồi, ngồi ăn được, mà rất có thể lại ngon lành là đằng khác”. Vũ Bằng đã viết thế, trong một tác phẩm rất hay về đất kinh kỳ - “Miếng ngon Hà Nội”.
Tôi chắc rằng, số người không đồng ý với việc ngợi ca ẩm thực Hà Nội như thế của Vũ Bằng nhiều hơn số người ủng hộ, cho dù cả hai cùng yêu Hà Nội. Hà Nội là một đô thị có tuổi. Nhưng cư dân lại là những thị dân còn “trẻ”. “Trẻ” tính theo số thời gian thẩm thấu văn minh đô thị. Nói cách khác, tư duy tiểu nông tùy tiện vẫn chiếm thế ưu dù người ta sống ở thành phố, rõ nhất ở ẩm thực – văn hóa vỉa hè. Văn minh đô thị khó lòng thực hiện được, nếu chính người Hà Nội không “văn minh hóa” văn hóa vỉa hè; hoặc chí ít, thay đổi một số thói quen.
Tôi ngờ rằng, hơn bảy mươi năm trước, nếu cũng phải dạt xuống đi bộ dưới lòng đường một cách đầy nguy hiểm; nếu phải chứng kiến hoạt cảnh “phở chạy, bún bưng, cà phê đuổi”, hẳn Thạch Lam đã viết “Hà Nội băm sáu phố phường” theo một cách, rất khác với những gì ta thưởng ngoạn!