Lựa chọn khó khăn

Năm 2025 đang đến thật gần với những dự báo mang mầu xám bởi sự gia tăng thách thức từ những bất ổn của kinh tế toàn cầu. Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, ngân hàng Standard Chartered dự báo, đồng USD tăng mạnh lên trong năm 2025 nhưng sẽ suy yếu trong thời gian đầu năm.
0:00 / 0:00
0:00
Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn tiếp tục tăng mạnh mẽ trong năm 2024. Ảnh: Lê Danh Lam
Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn tiếp tục tăng mạnh mẽ trong năm 2024. Ảnh: Lê Danh Lam

Sở dĩ, có sự tăng mạnh đó là bởi thời điểm này các chính sách thuế quan và biện pháp tài khóa dưới nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump (Trump 2.0) được làm rõ và triển khai. Song, trước đó, đồng tiền này có thể phải đối mặt giai đoạn suy yếu vào đầu năm 2025 do Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất và sự bất ổn trong việc thực hiện chính sách của Mỹ. Những tác động kéo dài của việc tăng lãi suất và đồng USD mạnh lên kể từ tháng 10 năm 2024 cũng có thể gây thêm áp lực lên đồng tiền này.

Theo chuyên gia kinh tế của Standard Chartered, từ đầu năm đến nay, nền kinh tế của Việt Nam vẫn đang phục hồi tốt nhờ vào sự tăng trưởng vững chắc của ngành sản xuất, của xuất khẩu cùng chính sách tiền tệ phù hợp. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục tăng mạnh mẽ. Trong 10 tháng năm 2024, lượng vốn FDI giải ngân tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước trong khi FDI cam kết tăng 1,9%. Ngành sản xuất chiếm 62,6% tổng vốn FDI cam kết, trong khi ngành bất động sản chiếm 19,0%, gia tăng so với cùng kỳ năm trước.

Cũng bình luận về sự thay đổi chính sách của Mỹ khi Tổng thống Donald Trump chính thức nắm quyền có thể tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam, nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng, nền kinh tế của Việt Nam sẽ gặp khó khăn. Thêm vào đó, khu vực doanh nghiệp FDI, vốn đóng góp hơn 70% giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể chứng kiến sự dịch chuyển đầu tư. Tất cả những điều này cần được tính toán kỹ trong công tác điều hành chính sách tiền tệ nói riêng.

Cũng trong báo cáo nói trên, Standard Chartered khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý II/2025, thời gian lạm phát có thể tăng trở lại. Sự kỳ vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ từ chính phủ đang hỗ trợ cho mức lãi suất thấp trong hiện tại. Nếu lãi suất đồng USD thấp hơn có thể giúp giảm dòng vốn chảy ra nước ngoài, trong khi thặng dư thương mại bền vững cùng nguồn thu ngoại tệ mạnh mẽ từ ngành du lịch sẽ hỗ trợ VND.

Về điểm này, giới chuyên môn trong nước cũng thống nhất, năm 2025 cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trước, sau đó mới thúc đẩy tăng trưởng. Nếu phải lựa chọn, cần chấp nhận mức tăng trưởng thấp hơn nhưng bền vững bởi nếu chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá, nền kinh tế có thể đối mặt tình trạng tăng trưởng nóng, lạm phát, tỷ giá leo thang và bất ổn kinh tế vĩ mô, dẫn đến rủi ro bong bóng tài chính.

Thành quả của năm 2024 từ việc điều hành uyển chuyển, linh hoạt và chủ động, phù hợp với biến động của nền kinh tế vĩ mô giúp vị thế VND được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm tích cực hơn cần tiếp tục được phát huy trong năm mới. Để ứng phó bối cảnh mới, điều hành chính sách tiền tệ cần tập trung vào chất lượng tín dụng hơn là số lượng. Điều đó đồng nghĩa, room tín dụng nên được điều chỉnh linh hoạt theo tình hình thực tế.

Làm sao để dòng tín dụng được dẫn hướng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thay vì chảy vào các kênh đầu cơ cần phải là một trong những ưu tiên điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.