Niềm tin dành cho sự cải cách tích cực!

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tính chung 11 tháng qua, cả nước có hơn 218,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 173,2 nghìn doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp gia nhập trên số doanh nghiệp rút khỏi thị trường dù nhích lên so đầu năm, song tốc độ gia tăng số lượng doanh nghiệp của Việt Nam đang ở mức thấp, chỉ khoảng 1,2.
0:00 / 0:00
0:00
Nguồn: TCTK
Nguồn: TCTK

Nhìn nhận về những chỉ số này, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, hoạt động của doanh nghiệp chưa sôi động trở lại là một thực trạng đáng lưu tâm. Không chỉ vậy, tốc độ tăng trưởng của vốn đầu tư tư nhân trong ba quý đầu năm cũng rất thấp, ước đạt 7,1%.

Thực tế, đã có những lo ngại, nếu tình trạng trên không sớm được cải thiện, các mục tiêu như đạt 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 hay xa hơn là hai triệu doanh nghiệp vào năm 2030 sẽ khó trở thành hiện thực. Đó là chưa kể các mục tiêu về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thương hiệu Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Lúc này, hai yếu tố gồm tốc độ tăng trưởng và cách thức phục hồi của khu vực kinh tế tư nhân cần phải được đặt lên hàng ưu tiên trong các nỗ lực tháo gỡ điểm nghẽn thể chế phát triển của Chính phủ.

Tiếp tục phân tích sâu hơn về thực trạng doanh nghiệp qua các số liệu trên, giới chuyên gia kinh tế tin tưởng vào dư địa phát triển đang được mở ra từ sự thay đổi, cải tổ của hệ thống chính trị sẽ góp phần tạo nền tảng cho sự bứt phá về năng suất, chất lượng của khu vực doanh nghiệp. Nguyên tắc được thống nhất trong cuộc cải cách thể chế phát triển là cải cách không làm cản trở hoạt động của người dân, doanh nghiệp và phải bảo đảm những thủ tục được áp dụng phải thuận lợi hơn góp phần giải quyết nhanh gọn hơn, hiệu quả hơn những yêu cầu của thực tiễn. Như vậy, tư duy cải cách hướng đến việc Nhà nước trở lại đúng vị trí, vai trò kiến tạo cơ hội, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển đang hiện hữu.

Và sự chuyển dịch mạnh mẽ, quyết liệt từ quản lý theo quy trình sang quản lý theo mục tiêu bảo vệ, tạo không gian cho công chức thực thi chức trách, cũng như thiết lập bộ máy hiệu quả, tinh gọn… chắc chắn sẽ tạo môi trường kinh doanh tốt hơn, thuận lợi hơn cho sự sáng tạo, đổi mới và phát triển bền vững.

Còn nhớ, thời điểm sau năm 2009, Việt Nam từng ghi nhận sự đột phá về số lượng doanh nghiệp nhờ sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy khi để doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm, thể hiện trong Luật Doanh nghiệp và hệ thống văn bản hướng dẫn, cũng như những thay đổi mạnh mẽ trong cách thức ứng xử của Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp. Đó là minh chứng rõ nét cho niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với nỗ lực cải cách được Đảng, Nhà nước thực thi! Trước ngưỡng cửa của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, một lần nữa người dân, doanh nghiệp đang trông đợi những cải cách thể chế phát triển sẽ được hiện thực hóa mang đến nguồn lực mạnh mẽ, tạo bệ phóng cho con tàu kinh tế - xã hội bứt tốc.