Sức khỏe doanh nghiệp trước hết phản ánh sức khỏe của ngành sản xuất, ở đây rõ ràng vẫn còn đó những rủi ro tiềm tàng. Như việc giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao, ảnh hưởng tới chi phí sản xuất; sự phát triển của thương mại điện tử cũng khiến nhiều cá nhân không lựa chọn thành lập doanh nghiệp mà chỉ cộng tác và tham gia vào khâu trung gian bán hàng trên những nền tảng số, sàn thương mại điện tử, để giảm chi phí hoạt động và tối đa hóa lợi nhuận. Bên cạnh đó, sức mua và nhu cầu trong nước giảm cũng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn cho đầu ra của sản phẩm. Điều này dẫn đến thực tế nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn…
Nút thắt tăng trưởng đầu tiên chính là lãi suất, bởi đây là yếu tố quyết định đến việc giảm áp lực chi phí đầu vào của doanh nghiệp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn vốn sản xuất, kinh doanh.
Tiếp đó, các doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần có các biện pháp nhằm bình ổn giá nguyên vật liệu và năng lượng để doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại có 40,2% tổng số doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ bình ổn giá nguyên vật liệu, năng lượng; con số này trong ngành sản xuất chế biến thực phẩm là 37,3%, trong ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) là 35%.
Đối với thống kê theo địa phương, 32/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ lệ số doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ bình ổn giá nguyên vật liệu, năng lượng cao hơn mức bình quân chung của cả nước (33,3%). Một số trung tâm công nghiệp lớn của cả nước có tỷ lệ số doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ bình ổn giá nguyên vật liệu, năng lượng cao, gồm: Thành phố Hà Nội (36,7%); tỉnh Bắc Ninh (33,6%); Thành phố Hồ Chí Minh (28,1%); ở hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai lần lượt là 26,0% và 21,6%.
Cải cách thủ tục hành chính bao gồm việc rút ngắn thời gian và cắt giảm quy trình xử lý thủ tục hành chính, cũng như đề ra chính sách cụ thể đối với việc thuê đất dùng cho sản xuất kinh, doanh của doanh nghiệp vẫn là những nút thắt làm tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp…
Trong bản hòa ca nhiều âm hưởng của nền kinh tế khi khép lại một năm tăng trưởng ấn tượng, những khó khăn hiện hữu của doanh nghiệp là nốt trầm củng cố thêm nhận định, muốn vươn lên tăng trưởng 8% hay hai con số, mấu chốt vẫn là quyết tâm cải cách môi trường kinh doanh phải được hiện thực hóa một cách rốt ráo và quyết liệt hơn nữa trong năm mới. Tất cả vì mục tiêu đưa đất nước trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.