Tiền kiểm, hậu kiểm và chi phí tuân thủ

Dự kiến, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5 và thông qua vào cuối năm nay. Trong bối cảnh các vụ hàng giả nghiêm trọng vừa được phát hiện, hay những vụ việc người nổi tiếng, nghệ sĩ quảng cáo cho những sản phẩm không bảo đảm chất lượng, hoặc quảng cáo quá khác biệt so với hàng hóa thật gây bức xúc dư luận, việc sửa đổi luật thu hút sự chú ý của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
0:00 / 0:00
0:00
 Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Nghịch lý đối với luật hiện hành, đó là cách hiểu và việc xác định của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực đối với sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn còn chưa thống nhất, dẫn đến những vướng mắc đối với tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng. Hiện nay, hàng hóa được phân chia thành hai loại theo mức độ an toàn. Trong khi đó, độ an toàn và chất lượng sản phẩm lại là hai phạm trù không hoàn toàn giống nhau. Có những sản phẩm, hàng hóa độ an toàn cao nhưng có thể chưa đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí về chất lượng. Ngược lại, có những sản phẩm có chất lượng tốt nhưng mức độ an toàn chưa cao.

Vậy nên, điểm đáng chú ý trong dự án Luật sửa đổi chính là việc sẽ điều chỉnh nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo hướng những sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro cao sẽ quy định biện pháp quản lý trước khi thông quan (tiền kiểm) và sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro trung bình, thấp sẽ quy định biện pháp quản lý sau thông quan trước khi lưu thông trên thị trường hoặc cho phép tự công bố hợp quy (hậu kiểm). Tuy việc chia nhóm sản phẩm hàng hóa theo mức độ rủi ro là phù hợp, song cũng chính điều này lại tạo nên rủi ro khác. Đó là, nếu không xây dựng được cơ sở khoa học để phân loại hàng hóa, hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ tiếp tục bị cản trở, thậm chí là nghẽn tắc.

Đối với yêu cầu kiểm tra chất lượng sản phẩm, điều doanh nghiệp quan ngại nhất chính là nguy cơ gia tăng chi phí tuân thủ, thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Muốn ngăn chặn tận gốc nguy cơ này, trong quá trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm sẽ cần đến việc đẩy mạnh ứng dụng cách mạng công nghiệp, như công nghệ chuỗi khối Blockchain, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó cũng cần có cơ chế cho việc công nhận, thừa nhận lẫn nhau, giảm chi phí xét nghiệm, thủ tục lưu trữ, kho bãi…

Chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm là cần thiết, đáp ứng đòi hỏi của thực tế cũng như đáp ứng xu thế chung. Nhưng điều này cũng đòi hỏi Nhà nước phải có chế tài phù hợp và cơ quan quản lý nâng cao năng lực để đồng thời kiểm soát về chất lượng sản phẩm hàng hóa trong nước, cũng như hàng hóa từ nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam. Không chỉ trông chờ vào việc miễn, giảm các thủ tục về quản lý chất lượng, sản phẩm hàng hóa, đã đến lúc, doanh nghiệp Việt Nam phải tự ý thức nâng cao năng lực cạnh tranh, quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Trước nguy cơ Mỹ áp thuế đối ứng cao, Việt Nam cần phải nhìn nhận lại chiến lược phát triển, nâng cao năng lực nội tại để thích ứng và định vị lại vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bảo vệ tốt chất lượng sản phẩm hàng hóa sẽ đẩy mạnh sản xuất trong nước, giúp sản phẩm “made in Vietnam” vững trên sân nhà và tiếp tục chinh phục những thị trường khó tính trên toàn cầu.