"May đo" chính sách cho xăng dầu

Trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn, nhiều khiếm khuyết, bất cập, "lỗ hổng" trong quản lý, vận hành, và cả những biến động bất thường của thị trường xăng dầu đã bộc lộ rõ nét thời gian qua.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ Công thương đang xin ý kiến để xây dựng nghị định mới về kinh doang xăng dầu. Ảnh: Hải Nam
Bộ Công thương đang xin ý kiến để xây dựng nghị định mới về kinh doang xăng dầu. Ảnh: Hải Nam

Ngoài những nguyên nhân khách quan, rủi ro khó lường của thị trường thế giới, theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chủ quan tạo nên những biến động bất thường chính là các "lỗ hổng" trong hệ thống pháp quy vận hành thị trường xăng dầu.

Trước hết, những quy định chưa chặt chẽ về điều kiện được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu đã dẫn đến tình trạng: không coi trọng năng lực thật sự của các doanh nghiệp; không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển kho chứa xăng dầu, dẫn đến không đáp ứng được yêu cầu dự trữ; các vi phạm ở khâu cấp và thực hiện các điều kiện cấp phép…

Tương tự, do việc quy định các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối được quyền mua xăng dầu lẫn của nhau tạo ra tầng nấc mua qua bán lại, hưởng chênh lệch giá, chiết khấu đã khiến số lượng tổng nguồn được tạo ra không chuẩn xác ảnh hưởng tới công tác dự báo, dự phòng.

Đặc biệt, nhiều quy định về điều hành giá, bình ổn giá còn "lệch pha" với Luật Giá. Cụ thể, theo Luật Giá, xăng dầu là mặt hàng bình ổn giá do doanh nghiệp quyết định giá, Nhà nước chỉ can thiệp có thời hạn khi công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá trong điều kiện có biến động bất thường. Trong khi đó, tại các văn bản dưới luật hướng dẫn về cơ chế điều hành giá xăng dầu lại quy định Nhà nước công bố giá cơ sở làm căn cứ để điều hành giá xăng dầu.

Như vậy, trong các yếu tố hình thành giá, cấu trúc nên giá bán lẻ xăng dầu, doanh nghiệp chỉ có tự chủ được trong quyết định giá mua theo thỏa thuận trên thị trường thế giới. Toàn bộ khoản mục còn lại để hình thành giá bán lẻ trong nước, doanh nghiệp tuân theo các quy định như giá bán tối đa được tính theo giá cơ sở điều hành của Nhà nước và được áp dụng cả khi thị trường vận hành bình thường hay khi xảy ra biến động bất thường.

Mặt khác, việc quy định về trách nhiệm quản lý điều hành thị trường, giá cả của các cơ quan quản lý thiếu tính thống nhất, không đồng bộ, thậm chí không hợp lý dẫn đến tình trạng việc tính toán các chỉ tiêu cấu thành lên giá cơ sở xăng dầu không chính xác, không sát với thị trường.

Được biết, nhận thức rõ tác động tiêu cực từ những "lỗ hổng" nêu trên, Bộ Công thương đang xin ý kiến để xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, thay thế các nghị định đã ban hành nhằm lập lại trật tự thị trường thông qua việc tạo hành lang pháp lý "đủ rộng".

Việc thiết kế lại các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm điều hành, quản lý thị trường xăng dầu, theo nhiều chuyên gia kinh tế, sẽ không chỉ giúp thiết lập lại thị trường xăng dầu trong nước mà còn hạn chế những phát sinh không đáng có về ngân sách, thuế.