Còn các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, nhiều tài sản có giá trị lớn của không ít doanh nghiệp cũng bị hư hỏng như nhà xưởng, tàu thuyền, phương tiện giao thông, máy móc, trang thiết bị, hàng hóa… Chưa kể, phần lớn các doanh nghiệp khác tại các tỉnh miền bắc cũng chịu ảnh hưởng gián tiếp đã tác động đến sản xuất, kinh doanh.
Cũng vì thế, tổng hợp kết quả Tổng cục Thống kê khảo sát 30.587 doanh nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp quý III gặp khó khăn hơn quý II chủ yếu ở các tỉnh bị ảnh hưởng của bão. Các doanh nghiệp quy mô sản xuất nhỏ bị ảnh hưởng nhiều hơn các doanh nghiệp quy mô lớn, các doanh nghiệp ngoài Nhà nước bị ảnh hưởng nhiều hơn các doanh nghiệp FDI…
Trong bối cảnh ấy, những con số về thành lập doanh nghiệp mang lại những chỉ dấu tích cực. Cả nước có gần 121,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong chín tháng năm 2024 với tổng số vốn đăng ký là hơn 1.158,5 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký hơn 735 nghìn lao động, tăng 3,4% về số doanh nghiệp, tăng 3,4% về vốn đăng ký và giảm 3,4% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong cùng thời gian đạt 9,5 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2023. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 2.310,5 nghìn tỷ đồng, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, cả nước có hơn 61,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 25,0% so cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong chín tháng năm 2024 lên hơn 183,0 nghìn doanh nghiệp, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có hơn 20,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
NGHỊ quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới xác định mục tiêu có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, trong đó hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phát huy vai trò mở đường dẫn dắt các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế... Soi vào thực tế số lượng doanh nghiệp hiện nay vẫn quá nhỏ, có thể thấy độ khó của nhiệm vụ "tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp trong vòng 5 năm".
Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) năm 2024, đã có nhiều bàn thảo về việc tạo dựng đội ngũ doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp nhắc thế giới nhớ đến Việt Nam. Và điều mà nhiều doanh nghiệp trăn trở lúc này chính là mưu cầu có được không gian đổi mới, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào hoạt động của doanh nghiệp cũng như có được cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp dám thử nghiệm, dám đầu tư mạo hiểm…
Cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng vào Đề án Xây dựng cơ chế, chính sách hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sẽ là nền tảng cho các doanh nghiệp làm bàn đạp vươn lên. Tăng cường tích lũy tập trung, đẩy mạnh hoạt động đầu tư chính là nền tảng để doanh nghiệp trở thành những đầu tàu của nền kinh tế, xây dựng nên giá trị thương hiệu được cả thế giới biết đến.