Bước kiến tạo quan trọng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP về việc cho phép dự án điện mặt trời mái nhà hay điện rác, sinh khối có thể được mua bán trực tiếp qua đường dây riêng (tức không qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam).
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều vấn đề vướng mắc trong lắp đặt, vận hành hệ thống điện mặt trời mái nhà đã được Chính phủ tháo gỡ kịp thời.
Nhiều vấn đề vướng mắc trong lắp đặt, vận hành hệ thống điện mặt trời mái nhà đã được Chính phủ tháo gỡ kịp thời.

Theo đó, bên phát năng lượng tái tạo được tham gia cơ chế này gồm điện mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu và hệ thống điện mặt trời mái nhà. Các dự án này không giới hạn về công suất nhưng phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực, hoặc được miễn trừ giấy phép theo quy định.

Trên thực tế, khoảng trống pháp lý sau Quyết định số 13/QĐ-TTg về giá điện đang gây khó cho doanh nghiệp bởi những vướng mắc về thủ tục đấu nối nguồn điện mặt trời vào hệ thống lưới điện quốc gia mà cụ thể là Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Và hiện vẫn chưa có khung pháp lý cho phát triển và điều tiết điện mặt trời mái nhà cho sản xuất. Bên cạnh đó, Quyết định số 262/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII) mới nêu rõ điện mặt trời mái nhà đến năm 2030 chỉ theo hình thức… tự sản, tự tiêu!

Thiếu những cơ chế, quy định cần thiết, doanh nghiệp dẫu có muốn cũng rất khó đầu tư, vận hành hệ thống và sử dụng nguồn năng lượng mặt trời áp mái nhà trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, các doanh nghiệp đặt nhà máy trong các khu công nghiệp đang bị bỏ phí nguồn năng lượng trong khả năng đầu tư tại các nhà xưởng. Tình trạng này đã diễn ra trong suốt một thời gian dài và được phản ánh đến nhiều cơ quan quản lý nhưng chưa có được sự thay đổi cơ bản do thiếu cơ chế về điện mặt trời mái nhà.

Xét trong bối cảnh đó, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP được nhìn nhận như một bước kiến tạo quan trọng cho thị trường điện năng lượng tái tạo. Không chỉ được tháo gỡ vướng mắc, doanh nghiệp sản xuất đầu tư, lắp đặt, sử dụng điện mặt trời mái nhà còn thấy được triển vọng của quá trình thực hiện xanh hóa sản xuất để có được chứng chỉ xanh khi xuất khẩu và thúc đẩy, phát triển nguồn năng lượng xanh trong các khu công nghiệp.

Việt Nam hiện đã và đang tham gia 19 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với nhiều nền kinh tế trên thế giới. Đây là cơ sở đưa Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu.

Các doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào sân chơi toàn cầu để được hưởng ưu đãi ngoài các điều kiện cơ bản như quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng thì tiêu chuẩn về xanh hóa sản xuất cũng buộc phải đáp ứng. Tại châu Âu và một số quốc gia khác, sản phẩm, hàng hóa khi nhập khẩu vào các thị trường này nếu muốn được hưởng cơ chế ưu đãi buộc phải có chứng chỉ xanh. Trong đó, sử dụng năng lượng tái tạo được xem là một trong những cách để doanh nghiệp thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu giảm phát thải của các nhãn hàng và các quốc gia nhập khẩu.

Nghị định số 80/2024/NĐ-CP chỉ đi vào đời sống khi mà các bộ, ngành liên quan có sự chuyển động mạnh mẽ trong việc xây dựng, sớm ban hành hệ thống các văn bản đi kèm như ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các bộ phận cấu thành nên hệ thống điện mặt trời mái nhà; tiêu chí kỹ thuật… để đưa hệ thống điện mặt trời mái nhà vào vận hành hoạt động ổn định. Xét đến cùng, đây chính là vai trò "bà đỡ" của Nhà nước để giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua các "hàng rào kỹ thuật" trong cạnh tranh xuất khẩu.