Chẩn trị "cơn sốt" giá vàng

Thực hiện yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra trong văn bản chỉ đạo mới nhất về quản lý thị trường vàng, chỉ trong ngày 15/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát hành ba văn bản gửi đến các bộ, ngành liên quan đề nghị phối hợp. Cùng ngày, cơ quan này cũng đã có công văn chỉ đạo các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng thực hiện những nhiệm vụ cụ thể nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý thị trường vàng.
0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những động thái tích cực khi kịp thời đưa ra phương án chẩn trị "cơn sốt" giá vàng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những động thái tích cực khi kịp thời đưa ra phương án chẩn trị "cơn sốt" giá vàng.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã phát đi thông điệp về việc hoàn tất công tác chuẩn bị đấu thầu vàng miếng trở lại để gia tăng nguồn cung cho thị trường. Đây là lần đầu sau 11 năm, việc đấu thầu vàng chính thức được tổ chức lại.

Theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước, loại vàng được mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC, thông báo đấu thầu vàng miếng sẽ được gửi đến tổ chức tín dụng, doanh nghiệp một ngày trước phiên đấu thầu, kết quả sẽ được công bố ngay sau đó.

Mục tiêu đấu thầu vàng miếng là nhằm can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng vàng miếng trong nước và vàng thế giới chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường này hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trước những động thái từ phía Ngân hàng Nhà nước, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, đây là những giải pháp ứng phó kịp thời và phù hợp trước diễn biến khó lường của thị trường vàng trong nước.

Bởi thứ nhất, hiện chưa phải thời điểm thích hợp cho việc ngay lập tức thực hiện thương mại hóa thị trường vàng như xu hướng một số quốc gia trên thế giới. Việc "thả nổi" giá vàng theo biến động thị trường sẽ kéo theo sự biến động của một số ngoại tệ quan trọng như USD do mối gắn kết rất chặt chẽ của các loại hàng hóa đặc biệt này. Để thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, vẫn cần có sự can thiệp trực tiếp trong một giới hạn nào đó từ phía cơ quan quản lý nhà nước đối với thị trường vàng.

Thứ hai, với quan điểm nhất quán là phải duy trì sự thận trọng cần thiết, nên dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (cơ quan chịu trách nhiệm chính) khá khẩn trương song cũng không dễ triển khai việc rà soát, xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động thị trường vàng trong một sớm, một chiều được.

Tuy nhiên, về lâu về dài, để phát triển ổn định, lành mạnh, minh bạch, bền vững thị trường vàng, Chính phủ cần có trong tay "phương thuốc đặc trị" để quản lý hữu hiệu thị trường này, và đặc biệt là xóa bỏ độc quyền trong nhập khẩu, kinh doanh mua, bán vàng miếng. Đồng thời, có giải pháp phòng ngừa, ứng phó kịp thời sự mất cân đối cung-cầu hay những "cơn sốt" giá bất thường. Trong đó, điều tiên quyết là phải thiết lập được một hành lang pháp lý đủ rộng, đủ công cụ và khả năng quản lý thị trường quan trọng này.